Thứ Hai, 22/08/2022 16:07

Phòng vệ thương mại, biến nguy cơ thành cơ hội

Cạnh tranh thương mại toàn cầu ngày càng mở rộng và hướng đến mục tiêu thúc đẩy công bằng thương mại. Tuy nhiên, sự vươn lên của các trung tâm sản xuất hàng hóa mới nổi như Việt Nam với thế mạnh hàng hóa có giá cả phải chăng, đạt tiêu chuẩn chất lượng đã khiến nhiều thị trường nhập khẩu, đặc biệt là một số nền kinh tế phát triển, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với tần suất cao hơn.

* Hơn 40 doanh nghiệp gỗ nếu bị áp thuế chống bán phá giá: Nguy cơ phá sản hàng loạt

Chủ động phối hợp, minh bạch thông tin là các giải pháp giúp doanh nghiệp ngành gỗ đối diện với những rủi ro từ các vụ kiện liên quan đến phòng vệ thương mại. Ảnh minh họa: Viforest

Hàng xuất khẩu đối mặt hàng loạt biện pháp phòng vệ thương mại

Gần đây, một loạt vụ việc liên quan đến hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, liên minh châu Âu cho thấy, một số quốc gia đang mở rộng phạm vi phòng vệ thương mại đến nhiều hoạt động vốn chưa từng bị xem là thiếu công bằng, không lành mạnh theo quy định của WTO với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Ví dụ như các mặt hàng đang bị điều tra: gỗ dán cứng, đệm mút, lốp xe ô tô, ống đồng, mật ong, thép chống ăn mòn, ghế bọc đệm, gạch men, tủ gỗ… Hay các mặt hàng thuộc diện có nguy cơ cao bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như thép ống, gạch men, đá nhân tạo, pin năng lượng mặt trời, xe đạp điện…

Theo quan điểm của người viết, có vẻ như phòng vệ thương mại từ một công cụ để chống bảo hộ đang dần trở thành phương tiện để bảo hộ, thay vì đem lại lợi ích cho số đông người tiêu dùng. Tại một số thị trường, cơ quan chức năng đang bảo hộ cho một nhóm lợi ích thân hữu và bảo vệ một số nhà sản xuất bản địa trước nguy cơ bị hàng hóa Việt Nam cạnh tranh quyết liệt.

Và trên thực tế, không phải vụ kiện lịch sử của Việt Nam trước việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tôm đông lạnh, cá basa nhập khẩu của Mỹ cách đây 10 năm sẽ tiếp tục được ghi nhận.

Những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ buộc phải chấp nhận yếu thế hơn trong giải trình, điều tra và gặp khó khăn trong tiếp cận thị trường. Thậm chí, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải đối mặt với cách tính giá quá phi lý của nước nhập khẩu khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế. Nhất là khi các cam kết của Việt Nam trong thực hiện các Hiệp định thương mại tự do quan trọng như CPTPP, EVFTA, UKVFTA và RCEP… có hiệu lực.

Trong tương lai, có thể các sản phẩm bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng Việt Nam sẽ thường xuyên hơn, đa dạng hơn, không chỉ giới hạn ở các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, mà mở rộng với những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình, nhỏ. Thị trường điều tra cũng mở hơn, ngoài các thị trường truyền thống, thường xuyên sử dụng công cụ phòng vệ thương mại như Mỹ, Canada… sẽ có thị trường chưa sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như Đài Loan, Hàn Quốc có thể cũng áp dụng phòng vệ thương mại.

Rồi việc là hàng xóm của một số nền kinh tế đang bị điều tra, khởi kiện phòng vệ thương mại nhiều như Trung Quốc và một số nước trong ASEAN, sẽ có thể dẫn đến nguy cơ Việt Nam bị cáo buộc là nơi tiếp nhận các nguyên liệu, mặt hàng lẩn tránh thuế để phục vụ cho việc sản xuất hàng xuất khẩu.

Chủ động phối hợp, minh bạch thông tin là các giải pháp giúp doanh nghiệp ngành gỗ đối diện với những rủi ro từ các vụ kiện liên quan đến phòng vệ thương mại. Ảnh minh họa: Viforest

Va đập với thị trường và chủ động nâng cao năng lực ứng phó

Đánh giá về năng lực ứng phó của các doanh nghiệp Việt Nam, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) tại cuộc hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài vào cuối tuần qua, đã cho rằng, điểm bất cập hiện nay của nhiều doanh nghiệp đó là thiếu đội ngũ cán bộ, chuyên gia có sự hiểu biết về luật pháp quốc tế để có thể theo dõi, ứng phó một cách linh hoạt với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Ngoài ra, công tác quản trị của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) còn chậm chuyển đổi số, chưa áp dụng chế độ tài chính, chế độ kế toán theo đúng chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS).

Trong bối cảnh các nước có xu hướng áp dụng các quy định chặt chẽ hơn khi xác định xuất xứ để áp dụng biện pháp bảo hộ, đặc biệt là ngăn chặn các hành vi lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại thì các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải đầu tư giải pháp nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất trong nước. Từ đó, mới có thể đi theo hướng sản xuất bền vững và giảm thiểu nguy cơ bị điều tra, áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh thuế của các thị trường nhập khẩu. Tuy nhiên, trên thực tế, một số doanh nghiệp trong nước còn đang lúng túng khi triển khai.

Tại cuộc hội nghị trực tuyến ngày 19-8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các thương vụ tại nước ngoài cần làm tốt hơn nhiệm vụ cung cấp thông tin về chính sách, nhu cầu thị trường, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương. Các thương vụ Việt Nam cần nghiên cứu, nắm vững hệ thống luật pháp, quy định và các phong tục, tập quán thương mại của nước sở tại để hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong việc ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại.

Theo quan điểm của người viết, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị về nhận thức, nguồn lực để ứng phó với phòng vệ thương mại, nhất là với các thị trường lớn như Mỹ, EU. Các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp sản xuất cần chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ, thống kê thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, lịch sử xuất khẩu từ phía Việt Nam, để sẵn sàng cung cấp cho phía nước nhập khẩu khi có yêu cầu.

Bên cạnh đó là việc xây dựng kênh kết nối thông tin với Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) và các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để nắm danh sách các mặt hàng bị cảnh báo, các sản phẩm trong danh sách bị điều tra phòng vệ thương mại. Dựa trên danh sách này, các doanh nghiệp chủ động biện pháp ứng phó, đồng thời thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng để trao đổi thông tin, để được hỗ trợ phòng tránh các thiệt hại nếu bị điều tra.

Nguy cơ về kiện phòng vệ thương mại đang gia tăng dưới tác động của nhiều yếu tố. Song, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng năng lực ứng phó, tinh nhạy hơn, chủ động hơn trao đổi thông tin để góp phần xây dựng và thực thi một khung pháp lý minh bạch, công bằng trước sức ép tạo dựng rào chắn thương mại từ các thị trường có tiềm lực kinh tế.

Đông Hải

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Bùng phát căn bệnh ''sợ làm sẽ sai'' (22/08/2022)

>   Samsung Việt Nam xuất khẩu 39 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm (22/08/2022)

>   Dư địa xuất khẩu sang EU còn nhiều nếu doanh nghiệp tận dụng tốt EVFTA (22/08/2022)

>   Hàng Việt của doanh nghiệp ngoại! (22/08/2022)

>   Lập kế hoạch đầu tư công năm 2023: Tránh đầu tư phân tán, dàn trải (22/08/2022)

>   Hơn 40 doanh nghiệp gỗ nếu bị áp thuế chống bán phá giá: Nguy cơ phá sản hàng loạt (22/08/2022)

>   Kiến nghị giảm thuế với ôtô dùng kết hợp xăng và điện (21/08/2022)

>   Giá thuê văn phòng hạng A tại Hà Nội 'bất ngờ' đạt mức cao nhất (20/08/2022)

>   Dệt may, da giày suy giảm đơn hàng cuối năm, đâu là giải pháp vực dậy? (19/08/2022)

>   Chính sách, thủ tục khiến nhà thầu xây dựng bị nợ đọng hàng ngàn tỉ đồng (19/08/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật