Thứ Hai, 22/08/2022 13:55

Bùng phát căn bệnh ''sợ làm sẽ sai''

Đầu tư công giải ngân chậm, một số chính sách trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thực hiện chậm, thuốc và vật tư y tế thiếu, doanh nghiệp (DN) không dám đầu tư dự án lớn… Thực trạng trên có chung nguyên nhân “sợ làm là sai”. Điều đó đòi hỏi bức thiết có cơ chế cụ thể bảo vệ người dám nghĩ, dám quyết vì lợi ích chung.

Đầu tư công giải ngân chậm là một trong những nguyên nhân của "sợ làm sẽ sai". Trong ảnh: Dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (TPHCM) đến tháng 7-2022 mới giải ngân được 4,6%.

Căn bệnh sợ trách nhiệm đang len lỏi vào cơ quan, DN

Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết đến hết tháng 7 giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 34,47% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm trước. Giải ngân chậm có rất nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có lý do được 6 tổ công tác thúc đẩy đầu tư công của Thủ tướng đưa ra, đó là tâm lý của cán bộ, công chức sợ sai không dám làm khi gặp vấn đề vướng mắc, dù là vướng mắc nhỏ.

Chẳng hạn như chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đang còn một số chính sách triển khai ì ạch như hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, lãi suất cho vay…; một số chính sách chưa thực hiện được vì chưa có văn bản hướng dẫn. Và một trong những nguyên nhân cho sự chậm này, theo báo cáo của Bộ KH-ĐT với Chính phủ là do “tâm lý ngại ngần, lúng túng và sợ sai”.

Hay như kết quả cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN không đạt được kế hoạch đề ra; các bệnh viện, các cơ sở y tế đang thiếu thuốc, thiếu vật tư đang phổ biến ở nhiều nơi… cũng là do các đơn vị lúng túng, e ngại, đặc biệt tâm lý lo ngại sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra nên không dám làm, không dám mua sắm của một số địa phương và đơn vị.

Lãnh đạo các DN cũng đang mang nặng tâm lý lo rủi ro sợ làm là sai. Lãnh đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản và Tổng công ty Lương thực miền Bắc bộc bạch, nhiều năm gần đây, DN chỉ hoàn thành nốt những dự án dang dở, không có thêm dự án mới nào. Nguyên do cũng bởi cơ chế, chính sách, không theo kịp thực tế, nhiều thực tiễn phát sinh mà quy định chưa có. Lãnh đạo của Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam từng than rằng, với quy định, cơ chế hiện nay khiến DNNN chọn cái gì đúng là làm.

Đúng mới làm thì kém sáng tạo. Không có sáng tạo, không dám làm mới thì không phát triển. Còn quy định chồng chéo không rõ ràng, sẽ không hiểu làm thế nào là đúng, khiến nhiều người không dám quyết, không dám làm. Đây là vấn đề nóng, là một trở lực của nhiều việc và đang được gọi là “căn bệnh lo rủi ro sợ trách nhiệm”.

“Yêu cầu của thực tiễn bao giờ cũng đi trước các quy định của pháp luật. Điều này càng đúng với thực tế Việt Nam” - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Lê Duy Thành nói. Trong điều hành, những người đứng đầu gặp vô vàn tình huống buộc phải vận dụng để đáp ứng yêu cầu thực tế, giải quyết vấn đề cho người dân, cho DN trong khi có những việc chưa có quy định. Trong nhiều trường hợp thực hiện đúng quy định của luật này, thì không đúng với luật khác và quy định liên quan. Có khi việc phải quyết định tức thời, trong khi quy định chưa có.

Thực tiễn chống dịch vừa qua đã thấy rõ điều này. Khi kiểm tra, thanh tra cứ chiếu thẳng băng theo quy định, hiểu quy định theo kiểu câu chữ thay vì nhìn theo hoàn cảnh, điều kiện thực tế và lợi ích chung thì dám nghĩ, dám quyết vì lợi ích chung ấy sẽ gặp rủi ro là không làm theo quy định…

Rõ ràng, cơ chế, quy định pháp luật không còn phù hợp, hoặc chưa theo kịp thực tế, lại có rất nhiều điểm chồng chéo, chưa cụ thể, đồng bộ, thậm chí còn mâu thuẫn, rắc rối, khó hiểu… khiến người thực thi công vụ, nhất là cán bộ lãnh đạo luôn ở rủi ro đúng - sai: hôm qua là đúng, hôm nay thành sai…

Và để an toàn, tránh rủi ro, phần lớn chọn cách không làm gì mới, không làm gì lớn. Nhiều dự án, gói thầu tuy nhỏ nhưng vẫn phải chậm lại chờ mời được cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, công an vào theo sát.

Để cán bộ dám quyết, DN dám nghĩ, dám làm…

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh, nói: Thế giới đang thay đổi nhanh, nên đòi hỏi sự sáng tạo và tốc độ để đột phá, bắt kịp và tiến cùng thế giới. Nhưng thực tế đang có một số ngáng trở không nhỏ. Đó là nhận thức, tư duy chưa theo kịp với tốc độ thay đổi của thế giới, nên có sự rụt rè.

“Bên cạnh đó, cũng có tâm lý sợ rủi ro, sợ sai nên không dám làm, hoặc làm nhưng theo tư duy, chuẩn mực cũ, hoặc làm việc với tâm lý cầu an” - TS. Võ Trí Thành nói.

Gói hỗ trợ năm 2020 thực hiện chậm và một số đối tượng hưởng thụ khó tiếp cận vì điều kiện không phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh, nguyên nhân là do những người thiết kế chính sách không dám đưa ra cách làm mới, không dám thay đổi quy trình, thủ tục hiện hành.

Có lẽ đây là nguyên nhân khiến gần đây nhiều việc cứ chậm lại, không có dự án lớn được triển khai, công tác cổ phần hóa và thoái vốn như đang ở thời kỳ “ngủ đông”. “Tình trạng này sẽ còn tiếp tục bởi quy định pháp luật chưa cụ thể, chưa đồng bộ lại chưa có quy định trách nhiệm rõ ràng, chưa có cơ chế và quy định của pháp luật bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” - PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói.

Theo các chuyên gia, muốn thực hiện được mục tiêu và khát vọng phát triển cần có sự quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, táo báo hơn. Cơ chế khuyến khích, động viên những người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Thời điểm này là lúc phải khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách và quy định pháp luật để rõ ràng, minh bạch hơn, đồng bộ, cụ thể…  Đây cũng là lúc cần có quy định pháp luật bảo vệ người cán bộ, công chức, người thực thi công vụ theo tinh thần Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 của Bộ Chính trị, về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Khi có cơ chế và cơ sở pháp lý bảo vệ và tưởng thưởng người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám quyết vì lợi ích chung thì các bộ, ngành, địa phương có không gian cho sự năng động, linh hoạt chủ động và sáng tạo. DNNN sẽ “nghĩ lớn, làm lớn” đầu tư các dự án quy mô lớn, có tính chất lan tỏa đối với nền kinh tế và các thành phần kinh tế khác. Còn DN tư nhân sẵn sàng chọn con đường phát triển, sáng tạo dựa trên cạnh tranh, thay vì xin - cho, thân hữu.

Cơ chế, quy định pháp luật không còn phù hợp, hoặc chưa theo kịp thực tế, lại có rất nhiều điểm chồng chéo, chưa cụ thể, đồng bộ, thậm chí còn mâu thuẫn, rắc rối, khó hiểu… khiến người thực thi công vụ, nhất là cán bộ lãnh đạo luôn ở rủi ro đúng - sai: hôm qua là đúng, hôm nay thành sai…

TRI NHÂN

SGĐTTC

Các tin tức khác

>   Samsung Việt Nam xuất khẩu 39 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm (22/08/2022)

>   Dư địa xuất khẩu sang EU còn nhiều nếu doanh nghiệp tận dụng tốt EVFTA (22/08/2022)

>   Hàng Việt của doanh nghiệp ngoại! (22/08/2022)

>   Lập kế hoạch đầu tư công năm 2023: Tránh đầu tư phân tán, dàn trải (22/08/2022)

>   Hơn 40 doanh nghiệp gỗ nếu bị áp thuế chống bán phá giá: Nguy cơ phá sản hàng loạt (22/08/2022)

>   Kiến nghị giảm thuế với ôtô dùng kết hợp xăng và điện (21/08/2022)

>   Giá thuê văn phòng hạng A tại Hà Nội 'bất ngờ' đạt mức cao nhất (20/08/2022)

>   Dệt may, da giày suy giảm đơn hàng cuối năm, đâu là giải pháp vực dậy? (19/08/2022)

>   Chính sách, thủ tục khiến nhà thầu xây dựng bị nợ đọng hàng ngàn tỉ đồng (19/08/2022)

>   Bắt một chuyên viên Văn phòng Chính phủ liên quan vụ ‘chuyến bay giải cứu’ (19/08/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật