Thứ Ba, 23/08/2022 09:00

Các địa phương đang dần mất hết động lực!

Trong hơn 20 năm qua, chúng ta luôn chứng kiến sự ganh đua hay cạnh tranh giữa các địa phương để thu hút đầu tư phát triển kinh tế địa phương.

Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là công cụ đo lường cuộc đua tranh đó, đo lường tính năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh trong thực hiện chính sách, pháp luật của trung ương và năng lực điều hành phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Bởi lẽ cùng một hệ thống pháp luật, chính sách chung, nhưng một số tỉnh thực thi tốt hơn, thu được kết quả tốt hơn so với các địa phương khác trong phát triển kinh tế địa phương.

Trước đây, khi nhà đầu tư (NĐT), doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh tại địa phương nào, thì lãnh đạo địa phương đó tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN.

Và hầu hết các địa phương tranh đua nhau cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi nhất có thể. Nhưng hiện nay thực tiễn nói trên đã không còn. Một bầu không khí và thái độ làm việc trái ngược hẳn so với trước đây đang xuất hiện ở hầu khắp các địa phương trong cả nước. Qua khảo sát thực tế, trao đổi chân tình với lãnh đạo có liên quan ở địa phương, tôi nhận thấy nổi lên một số hiện tượng phổ biến như sau:

Thứ nhất, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật theo câu chữ, thay vì theo nội dung và tinh thần của điều luật trong giải quyết thủ tục hành chính hay giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với người dân và DN. Việc tuân thủ này phải đạt mức gần như tuyệt đối, tức là tuân thủ đầy đủ tất cả  các quy định pháp luật có liên quan. Trong khi thực trạng pháp luật nước ta hiện nay, thì trong nhiều trường hợp công chức được phân công  không biết, hoặc không thể tuân thủ đúng các quy định pháp luật có liên quan. Bởi thực tế trong nhiều trường hợp thực hiện đúng quy định của luật này, thì không đúng với luật khác và quy định liên quan. Trong các trường hợp đó, UBND tỉnh thường phát công văn tham vấn ý kiến các bộ, ngành có liên quan. Song thực tế cho thấy tham vấn đó cũng không giúp ích gì cho công việc của họ. Vì vậy, các công việc liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, đấu thầu… của người dân và DN thường bị chậm trễ, kéo dài mà không định ngày hoàn thành.

Thứ hai, công chức cấp dưới (trưởng phòng) không báo cáo lên công chức cấp cao hơn (phó giám đốc, giám đốc sở) về khó khăn, vướng mắc của DN, NĐT, nếu họ chưa tìm được giải pháp an toàn tuyệt đối về pháp lý. Bởi họ biết rằng nếu trình hồ sơ về vụ việc chưa đủ độ tin cậy và an toàn về pháp lý cũng bị trả lại. Cũng tương tự như vậy là trong quan hệ làm việc giữa lãnh đạo sở với lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố. Do vậy lãnh đạo cấp trên không biết được khó khăn, vướng mắc và sẽ không có bất kỳ chỉ đạo nào đối với cấp dưới để tìm kiếm giải pháp hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN, NĐT.

Thứ ba, khi giải quyết các thủ tục hành chính đối với người dân và DN, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng và các hoạt động liên quan, công chức thường tìm cách gây thêm khó khăn hơn là tạo thêm thuận lợi. Với cách làm đó, họ sẽ cảm thấy được an toàn hơn cho bản thân.

Thứ tư, thời gian giải quyết một số thủ tục hành chính có thể kéo dài vô thời hạn. Bởi khi giải quyết thủ tục hành chính hay giải quyết khó khăn, vướng mắc theo yêu cầu của người dân và DN, cơ quan chủ trì thường phát công văn kèm hồ sơ gửi tất cả các sở ngành, cơ quan liên quan, và phải chờ và tập hợp đầy đủ các góp ý của các sở, cơ quan có liên quan; và chỉ khi nhận được sự đồng ý của tất cả cơ quan chủ trì mới trình lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố. Rõ ràng, quy trình giải quyết công việc nói trên là phức tạp, không hợp lý, kéo dài không cần thiết. Nhưng ngược lại nó đem lại cảm giác an toàn cho những người có liên quan.

Tóm lại, chính quyền địa phương nhìn chung đã gần như mất động lực cải cách hành chính, sáng tạo trong vận dụng và thực thi linh hoạt chính sách, pháp luật. Các công chức có liên quan, kể cả cấp lãnh đạo, thể hiện cách thức làm việc bị động, lúng túng và chịu áp lực từ nhiều phía; không có tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, trái lại tìm một giải pháp an toàn nhất là “không làm gì” hoặc “làm càng ít càng tốt”.

TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG

SGĐTTC

Các tin tức khác

>   Cổng đã mở, nhưng không phải ai cũng qua được (23/08/2022)

>   Vận hành thương mại Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (23/08/2022)

>   Bộ Công Thương xây dựng kịch bản tăng trưởng những tháng cuối năm (22/08/2022)

>   Phòng vệ thương mại, biến nguy cơ thành cơ hội (22/08/2022)

>   Bùng phát căn bệnh ''sợ làm sẽ sai'' (22/08/2022)

>   Samsung Việt Nam xuất khẩu 39 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm (22/08/2022)

>   Dư địa xuất khẩu sang EU còn nhiều nếu doanh nghiệp tận dụng tốt EVFTA (22/08/2022)

>   Hàng Việt của doanh nghiệp ngoại! (22/08/2022)

>   Lập kế hoạch đầu tư công năm 2023: Tránh đầu tư phân tán, dàn trải (22/08/2022)

>   Hơn 40 doanh nghiệp gỗ nếu bị áp thuế chống bán phá giá: Nguy cơ phá sản hàng loạt (22/08/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật