Lạm phát Thổ Nhĩ Kỳ vượt mốc 73%
Lạm phát Thổ Nhĩ Kỳ tăng nhanh nhất kể từ năm 1998 khi đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ giá thực phẩm và năng lượng, trong khi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng góp phần kéo giảm giá trị của đồng nội tệ.
Trong tháng 5/2022, giá tiêu dùng (CPI) tăng 73.5% so với cùng kỳ, cao hơn mức 70% của tháng 4, theo dữ liệu do Cục thống kê Thổ Nhĩ Kỳ công bố. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn dự báo tăng 74.7% của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Bloomberg.
So với tháng trước, CPI tăng gần 3%, cũng thấp hơn so với dự báo tăng 4% của các chuyên gia kinh tế. Lạm phá lõi – loại trừ giá năng lượng và thực phẩm – tăng 56% so với cùng kỳ.
Lạm phát Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng ở mức 2 con số trong phần lớn thời gian của nửa thập kỷ qua, khi các cơ quan điều hành ưu tiên tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan từ lâu ủng hộ một lý thuyết kinh tế lạ thường, trong đó cho rằng lãi suất cao thúc đẩy lạm phát thay vì kìm hãm. Vì thế, ông gây áp lực lên NHTW để họ giữ lãi suất ở mức thấp dù phải đối mặt với rủi ro từ đồng nội tệ Lira và giá cả hàng hóa.
Yếu tố thúc đẩy lạm phát tăng mạnh nhất trong tháng 5 là thực phẩm và năng lượng, vốn bị thổi bùng bởi đà tăng của giá hàng hóa toàn cầu và cuộc chiến Nga-Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một nhà nhập khẩu dầu khá lớn.
NHTW Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn từ chối nâng lãi suất. Thay vào đó, họ hướng sang các chính sách nhằm tới việc mở rộng sử dụng đồng nội tệ và tạo điều kiện cho các khoản vay đầu tư dài hạn.
Chính cách tiếp cận này đã khiến Thổ Nhĩ kỳ trở thành quốc gia có lãi suất thực âm nặng nhất trên thế giới. Đây cũng là một trong những lý do khiến đồng Lira có thành tích tệ nhất trong nhóm thị trường mới nổi khi so với USD. NHTW Thổ Nhĩ Kỳ sẽ họp về chính sách vào ngày 23/06.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|