Miếng bánh của ASEAN to lên khi chuỗi cung ứng toàn cầu rời Trung Quốc
Với những nút thắt trong chuỗi cung ứng vì dịch bệnh và xung đột, vị thế của các quốc gia Đông Nam Á trong chuỗi cung ứng toàn cầu có thể đi lên.
Theo Bloomberg, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do các đợt phong tỏa ở Trung Quốc và xung đột Nga - Ukraine có thể mang đến cho Đông Nam Á miếng bánh lớn hơn trong thương mại toàn cầu.
"Mọi người bắt đầu thảo luận về sự phụ thuộc vào Trung Quốc kể từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc", báo cáo của Hinrich Foundation viết. "Nhưng những gián đoạn mới đây đã khiến nhiều quốc gia đánh giá lại về rủi ro đối với chuỗi cung ứng của mình", tổ chức này nhận định.
Theo đó, Nhật Bản và các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách đảm bảo sự kết nối trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà không làm gia tăng chi phí.
Đông Nam Á có thể mang tới nguồn lao động giá rẻ và giúp các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
|
Miếng bánh lớn hơn
Theo báo cáo, EU và Nhật Bản đều chiếm 12% tổng dòng vốn đầu tư trực tiếp vào Đông Nam Á trong vòng 5 năm qua. Thị phần của Trung Quốc là 8%.
"Với GDP bình quân đầu người 4.500 USD, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể đem đến nguồn lao động giá rẻ hơn Trung Quốc", ông Stewart Paterson - tác giả của báo cáo - nhận định.
Trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, xuất khẩu của ASEAN đã tăng 21% lên 1.390 tỷ USD. Còn xuất khẩu của Trung Quốc tăng 23% cùng kỳ, đạt 2.590 tỷ USD.
Thêm vào đó, ASEAN nằm trong hệ thống thương mại toàn cầu và có tỷ lệ thương mại trên GDP cao hơn mức trung bình của thế giới.
Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc có đóng góp lớn vào tăng trưởng thương mại của ASEAN. Xuất khẩu của khối sang Trung Quốc tăng 51% trong giai đoạn năm 2016-2020, còn xuất khẩu sang những nước khác trên thế giới chỉ tăng 16%.
Theo ông Paterson, mối quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp tại EU và Nhật Bản khác với Mỹ. Điều đó có thể giúp nỗ lực của EU và Nhật Bản đạt hiệu quả hơn những nỗ lực trước đó của Mỹ.
Với GDP bình quân đầu người 4.500 USD, ASEAN cũng có thể đem đến nguồn lao động giá rẻ hơn Trung Quốc.
Ông Stewart Paterson tại Hinrich Foundation
|
Tại Mỹ, các tập đoàn đa quốc gia thường độc lập với những chương trình nghị sự mà chính phủ đưa ra.
Ngược lại, theo ông Paterson, việc thông qua Luật An ninh Kinh tế mới của Nhật Bản và chính sách Cổng toàn cầu của EU cho thấy sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ và các doanh nghiệp đối với những chính sách công nghiệp.
Trên thực tế, bản thân các doanh nghiệp Mỹ cũng đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.
Apple chuẩn bị dời một dây chuyền sang xuất iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam sau khi các lệnh phong tỏa ở nhiều thành phố lớn của Trung Quốc gây gián đoạn nghiêm trọng đối với hoạt động sản xuất và vận tải. BYD - một trong những đối tác lắp ráp iPad lớn - đã xây dựng dây chuyền ở Việt Nam để gia công thiết bị.
Trước đó, nhà phân tích Ming-Chi Kuo từ TF International Securities cho biết mẫu tai nghe không dây AirPods Pro thế hệ 2 sẽ được sản xuất đại trà tại Việt Nam từ nửa cuối năm nay. Nguyên nhân cũng là những gián đoạn chuỗi cung ứng do chiến lược Zero-Covid (đưa số ca nhiễm mới về 0) tại Trung Quốc.
Giảm phụ thuộc vào Trung Quốc
Theo Nikkei Asian Review, Việt Nam giáp với Trung Quốc và đã là trung tâm sản xuất điện thoại thông minh của Samsung Electronics.
Luxshare Precision Industry Co. - nhà sản xuất có trụ sở tại Trung Quốc - cũng đã sản xuất tai nghe AirPods ở Việt Nam.
Nói với các nhà đầu tư, ban lãnh đạo Luxshare cho biết một số khách hàng đã lo lắng về nguồn cung cấp điện và những hạn chế vì đại dịch ở Trung Quốc. Luxshare không nêu tên khách hàng.
Kể từ tháng 3, Trung Quốc đã phong tỏa hàng loạt thành phố lớn để đối phó với làn sóng dịch bệnh mới. Hoạt động sản xuất và vận chuyển cũng bị ảnh hưởng ngay cả ở những khu vực không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 nào.
Các gã khổng lồ sản xuất điêu đứng vì những yêu cầu chống dịch gắt gao của Trung Quốc. Các đợt phong tỏa đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất và vận tải. Ảnh: Reuters.
|
Chiến lược Zero-Covid của Trung Quốc tác động tiêu cực tới ngành công nghiệp sản xuất khổng lồ của đất nước, ngay cả khi phần còn lại của thế giới đã chuyển sang sống chung với virus. Đến nay, các nhà máy tại Trung Quốc đã được mở lại theo những hệ thống quy tắc nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, các nút thắt chuỗi cung ứng, từ tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu đến không có tài xế giao hàng, đã làm gián đoạn hoạt động của doanh nghiệp địa phương và những tập đoàn toàn cầu lớn như Apple, Tesla Inc. và Sony Group Corp.
Trung Quốc đã mở cửa lại một số thành phố sau khi số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng giảm xuống. Tuy nhiên, theo giới quan sát, các doanh nhân và nhà đầu tư vẫn sẽ cân nhắc lại kế hoạch mở rộng tại đây và tìm cách giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở quốc gia này.
Thảo Phương
ZING
|