Thứ Năm, 02/06/2022 09:18

Lãi suất giảm, vì sao người Trung Quốc vẫn ngần ngại vay tiền?

Giới chức Trung Quốc đang tìm cách thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhằm vực dậy nền kinh tế. Nhưng các doanh nghiệp và hộ gia đình vẫn dè chừng vay vốn.

Theo Bloomberg, giới chức Trung Quốc đang tìm cách thuyết phục các doanh nghiệp và hộ gia đình tăng cường vay vốn trong bối cảnh dịch bệnh làm xói mòn triển vọng kinh tế. Nhưng đó là nhiệm vụ không dễ dàng.

Tăng trưởng tín dụng trong tháng 4 đã suy yếu xuống mức thấp nhất trong gần 5 năm. Một số chỉ số mới chỉ ra tình hình tháng 5 cũng sẽ không khả quan hơn.

Doanh số bán nhà tiếp tục lao dốc. Điều đó cho thấy các khoản vay thế chấp không còn hấp dẫn. Nhu cầu tín dụng của ngành công nghiệp bất động sản và những lĩnh vực liên quan cũng giảm đi.

Tăng trưởng tín dụng ảnh 1

PBoC đã cắt giảm lãi suất thế chấp kỷ lục trong tháng 5. Ảnh: Reuters.

Triển vọng xấu đi

Các doanh nghiệp và hộ gia đình dè chừng trong việc vay vốn do những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhằm đối phó với làn sóng dịch bệnh mới. Các doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất và cắt giảm việc làm. Doanh thu và lợi nhuận nghiêm trọng. Nhiều công ty trì hoãn kế hoạch mở rộng.

Tình thế này là thách thức đối với giới chức Trung Quốc. Họ đang tìm cách thúc đẩy cho vay nhiều hơn. Tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) kêu gọi các ngân hàng "dồn sức" để tăng số khoản cho vay.

PBoC cũng thúc giục các ngân hàng giảm lãi suất thế chấp và kêu gọi những tổ chức này ổn định hoạt động cho vay trong lĩnh vực bất động sản.

Điều đó dẫn đến hệ thống tài chính dư thừa tiền mặt. Và bất cứ sự nới lỏng tiền tệ nào từ PBoC, chẳng hạn cắt giảm lãi suất và bơm thanh khoản, đều trở nên kém hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy nền kinh tế.

Lãi suất của khoản vay ngắn hạn liên ngân hàng lao dốc là dấu hiệu cho thấy các ngân hàng không cho doanh nghiệp vay nhiều.

Tăng trưởng tín dụng ảnh 2

Các doanh nghiệp và hộ gia đình dè chừng trong việc vay vốn do những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhằm đối phó với làn sóng dịch Covid-19. Ảnh: Reuters.

Tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có cuộc họp với hàng nghìn đại diện từ các chính quyền địa phương, công ty quốc doanh và tổ chức tài chính. Ông Lý kêu gọi những cơ quan này hành động nhiều hơn để ổn định tăng trưởng.

Bắc Kinh cũng làm nhiều hơn để thúc đẩy hoạt động cho vay trên thị trường bất động sản. Tháng trước, PBoC đã cắt giảm lãi suất thế chấp kỷ lục. Các ngân hàng hạ lãi suất cho vay 5 năm, khiến lãi suất cho vay mua nhà giảm tới 35 điểm cơ bản.

Các nhà chức trách cũng cho biết sẽ hỗ trợ nhu cầu nhà ở hợp lý. Nhiều thành phố đang nới lỏng những hạn chế đối với việc mua nhà bằng cách giảm lãi suất cho vay thế chấp, cho phép người dân từ các thành phố khác mua nhà và những biện pháp hỗ trợ khác.

Bài toán khó

Nhưng người tiêu dùng vẫn thận trọng trong việc sử dụng đòn bẩy. Theo China Real Estate Information Corp., doanh số bán bất động sản tại 50 thành phố lớn của Trung Quốc đạt 205,9 tỷ NDT trong 3 tuần đầu của tháng 3, giảm 63% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự sụt giảm cho thấy dữ liệu về các khoản vay thế chấp có thể vẫn yếu trong tháng 5, kéo tụt số khoản vay hộ gia đình trung và dài hạn. “Nhu cầu nhà ở khó có thể tăng ngay lập tức,” các nhà phân tích của CRIC bình luận.

"Người mua không chắc về việc liệu các tập đoàn địa ốc có thể giao dự án đúng tiến độ hay không, liệu giá nhà có giảm hay không, và liệu họ có thể tiếp tục trả những khoản vay thế chấp hay không", các nhà phân tích viết.

"Sự bùng phát của ổ dịch Covid-19 mới làm giảm kỳ vọng của người dân về thu nhập", nhóm chuyên gia nói thêm.

Người mua không chắc về việc liệu các tập đoàn địa ốc có thể giao dự án đúng tiến độ hay không, liệu giá nhà có giảm hay không, và liệu họ có thể tiếp tục trả những khoản vay thế chấp hay không.

Các nhà phân tích của CRIC

Theo dữ liệu chính thức được chính quyền Bắc Kinh công bố hôm 31/5, vào tháng 5, thước đo hoạt động xây dựng của Trung Quốc đã giảm xuống 52,2, mức tồi tệ nhất kể từ tháng 2/2020.

Trong khi đó, hoạt động tại các nhà máy của Trung Quốc vẫn tiếp tục giảm, dù với tốc độ chậm hơn.

Hệ thống ngân hàng dư thừa tiền mặt. Lãi suất qua đêm - lãi suất vay mượn lẫn nhau giữa các ngân hàng thông qua thị trường liên ngân hàng - đã ở dưới ngưỡng 2% trong hơn 2 tháng, khoảng thời gian dài nhất trong vòng 2 năm.

Tại cuộc họp tuần trước, ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý ngân hàng đã vận động các bên cho vay thúc đẩy những khoản cho vay, đồng thời yêu cầu các tổ chức tài chính lớn “gánh vác trách nhiệm, tận dụng mọi nguồn lực để kết nối hiệu quả với nhu cầu tín dụng và tăng cường truyền tải chính sách”.

Ông Wang Yifeng - nhà phân tích trưởng về ngân hàng tại Everbright Securities Co. - cho biết điều đó có thể thúc đẩy các tổ chức này - nhất là những ngân hàng quốc doanh lớn và các tổ chức cho vay chính sách - đẩy nhanh việc cho vay vào tuần cuối cùng của tháng 5.

"Chúng ta hãy chờ xem các dữ liệu về tín dụng sẽ ra sao trong cả tháng 5", ông nhận định.

Thảo Phương

ZING

Các tin tức khác

>   Điều gì xảy ra nếu OPEC loại Nga khỏi thỏa thuận sản lượng khai thác dầu? (02/06/2022)

>   Thung lũng Silicon sắp hết thời? (02/06/2022)

>   Chi phí tăng cao buộc nhiều người Anh phải tìm đến các ngân hàng thực phẩm (31/05/2022)

>   Ấn Độ mua dầu Nga gấp 9 lần năm ngoái (01/06/2022)

>   Điểm lại danh sách trừng phạt của EU đối với Nga (01/06/2022)

>   Lạm phát tại Eurozone tăng lên mức 8.1% (01/06/2022)

>   Nới lỏng chống dịch, kinh tế Trung Quốc vẫn khó bật dậy? (01/06/2022)

>   Châu Âu đau đầu vì lạm phát tăng nóng (01/06/2022)

>   Trung Quốc công bố gói bao gồm 33 biện pháp hỗ trợ kinh tế (31/05/2022)

>   Lạm phát tại khu vực Eurozone lập kỷ lục mới trong tháng 5 (31/05/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật