Thứ Tư, 01/06/2022 06:15

Châu Âu đau đầu vì lạm phát tăng nóng

Lạm phát tại khu vực đồng EUR liên tục lập đỉnh mới trong những tháng qua. Lệnh cấm đối với 90% dầu nhập khẩu từ Nga có thể khiến tình trạng này tồi tệ hơn nữa.

CNBC đưa tin theo dữ liệu chính thức, giá cả tại khu vực đồng EUR tiếp tục tăng cao hơn vào tháng 5, đánh dấu mức cao kỷ lục trong tháng thứ 7 liên tiếp.

Cụ thể, lạm phát tại khu vực này ở mức 8,1% trong tháng 5, tăng từ mức cao kỷ lục của tháng 4 là 7,4%. Trước đó, các nhà phân tích dự báo giá cả sẽ tăng 7,8% vào tháng 5.

Theo dữ liệu được công bố hôm 31/5, lạm phát tại Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - đã đạt 8,7% trong tháng 5, vượt xa ngưỡng dự báo 8% và tăng mạnh từ mức 7,8% hồi tháng 4.

Lạm phát tại châu Âu ảnh 1

Giá cả tại khu vực đồng EUR tiếp tục tăng cao hơn vào tháng 5. Riêng tại Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, lạm phát đã đạt 8,7% trong tháng 5. Ảnh: Reuters.

Sức ép lạm phát

Lạm phát tại Pháp cũng tăng vượt dự báo của giới quan sát lên ngưỡng kỷ lục 5,8% trong tháng 5, tăng từ mức 5,4% hồi tháng 4. Trong khi đó, giá tiêu dùng ở Tây Ban Nha nhảy vọt 8,5% vào tháng 5.

Trên toàn khu vực đồng EUR, mức tăng giá tiêu dùng hàng năm đạt kỷ lục do chi phí năng lượng tăng vọt 39,2%, tăng từ mức 37,5% trong tháng 4. Còn giá thực phẩm, rượu và thuốc lá tăng 7,5%, từ ngưỡng 6,3% vào tháng trước.

Tuy nhiên, ngay cả khi không tính đến giá năng lượng và lượng thực, lạm phát cơ bản của khu vực này đã đạt 3,8% trong tháng 5.

Tình trạng lạm phát tại khu vực đồng EUR đã trở nên trầm trọng hơn trong những tháng qua, nhất là chi phí thực phẩm và năng lượng, do cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga.

Cuối ngày 30/5, giới chức EU đã đồng ý cấm nhập khẩu 90% dầu thô của Nga vào cuối năm nay. Giá dầu thế giới tăng vọt sau thông tin này.

Theo ông Charles Michel - Chủ tịch Hội đồng châu Âu, động thái này sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến 75% lượng dầu nhập khẩu từ Nga.

Khoảng 36% lượng dầu nhập khẩu của EU đến từ Nga - nước đóng vai trò lớn trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Saudi Arabia, và là nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất trên thị trường toàn cầu. Nước này cũng sản xuất và xuất khẩu một lượng lớn khí đốt tự nhiên.

Giá dầu thế giới đã tăng vọt vào sáng 31/5. Giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế tăng 1,7% lên 123,76 USD/thùng vào đầu phiên giao dịch tại London, còn giá dầu WTI - được sản xuất tại các nhà máy lọc dầu Mỹ - tăng 3,5% lên 119,04 USD/thùng.

Theo giới quan sát, lệnh cấm cục bộ của EU đối với dầu Nga sẽ đẩy giá dầu tăng cao hơn nữa, góp phần gia tăng áp lực lạm phát của khối này.

Giá năng lượng vốn đã tăng lên do nhu cầu phục hồi sau đại dịch. Nhưng đà tăng được tiếp nhiệt bởi nỗ lực của châu Âu nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga.

Bài toán khó

Tình trạng lạm phát tăng cao không chỉ xảy ra ở châu Âu, mà còn tại Anh, Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Sức ép từ giá cả leo thang khiến các ngân hàng trung ương đau đầu. Điều này cũng có thể tạo ra nguy cơ suy thoái kinh tế.

Hồi đầu tháng, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho rằng quyết định nâng lãi suất có thể được đưa ra trong cuộc họp vào tháng 7 của cơ quan này.

"Dựa vào tình hình hiện nay, chúng ta có khả năng rời khỏi mức lãi suất âm vào cuối quý III năm nay", bà cho biết. Hội đồng quản trị của ECB sẽ có cuộc họp vào ngày 9/6 và 21/7.

Theo ông Jari Stehn - Trưởng nhóm Kinh tế Châu Âu của Goldman Sachs, ngân hàng Phố Wall dự báo ECB sẽ nâng lãi suất 25 điểm cơ bản trong mỗi cuộc họp vào năm tới, nâng lãi suất từ âm 0,5% lên 1,5% vào tháng 6/2023.

Goldman Sachs cho rằng lạm phát của khu vực đồng EUR sẽ đạt đỉnh 9% vào tháng 9.

Lạm phát tại châu Âu ảnh 3

Sức ép từ giá cả leo thang là trở ngại lớn đối với nền kinh tế toàn cầu trong quá trình phục hồi từ đại dịch. Ảnh: Reuters.

"Nhưng hãy nhớ rằng lạm phát chủ yếu được thúc đẩy bởi giá năng lượng và những thứ khác liên quan đến tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Stehn nhận định.

"Còn lạm phát cốt lõi, sau khi loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng, vẫn ở mức khoảng 3,5%. Trong khi đó, tăng trưởng tiền lương chỉ hơn 2%", ông nói thêm.

Vì thế, theo ông Stehn, lạm phát cốt lõi tại khu vực đồng EUR cũng đã tăng lên. Điều này tạo áp lực khiến ngân hàng trung ương phải nhanh chóng bình thường hóa các chính sách.

"Nhưng ECB không cần nâng lãi suất nhanh chóng như Mỹ và Anh. Ở đó, lạm phát cốt lõi ở mức khoảng 6%, còn các ngân hàng trung ương, cụ thể là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, cần phải thực hiện những động thái quyết liệt hơn ECB nhằm thắt chặt các chính sách", vị chuyên gia tại Goldman Sachs nhận định.

Thảo Phương

Zing.vn

Các tin tức khác

>   Trung Quốc công bố gói bao gồm 33 biện pháp hỗ trợ kinh tế (31/05/2022)

>   Lạm phát tại khu vực Eurozone lập kỷ lục mới trong tháng 5 (31/05/2022)

>   Quan chức Fed: NHTW sẵn lòng nâng lãi suất vượt mức “trung lập” để chống lạm phát (31/05/2022)

>   Giá gỗ tại Mỹ lao dốc hơn 50% kể từ khi Fed nâng lãi suất (31/05/2022)

>   4 yếu tố biến động và định hình lại (30/05/2022)

>   Các NHTW thực hiện hơn 60 đợt nâng lãi suất trong 3 tháng qua (30/05/2022)

>   Gánh nặng lạm phát cản trở phương Tây trừng phạt kinh tế Nga? (30/05/2022)

>   Dịch bệnh giáng đòn vào các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc (30/05/2022)

>   Lạm phát, doanh nghiệp và người giàu (30/05/2022)

>   Đánh thuế người giàu liệu có giúp giải quyết khủng hoảng lương thực toàn cầu? (30/05/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật