Thứ Tư, 01/06/2022 17:02

Ấn Độ mua dầu Nga gấp 9 lần năm ngoái

Ấn Độ ngày càng đẩy mạnh mua dầu giá rẻ từ Nga giữa lúc Moscow bị phương Tây áp lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ.

Lượng dầu thô Nga chảy sang Ấn Độ được ước tính ở mức 3.36 triệu tấn trong tháng 5/2022, theo Refinitiv. Con số này gấp gần 9 lần trung bình năm 2021 là 382,500 tấn/tháng.

Cả thảy, Ấn Độ đã nhập khẩu 4.8 triệu tấn dầu Nga (giá chiết khấu) kể từ khi xung đột Ukraine xảy ra, Refinitiv cho biết. Dầu Urals của Nga hiện có giá khoảng 95 USD/thùng, trong khi dầu Brent là 119 USD/thùng.

Một phần lý do dẫn đến sự chênh lệch giá này là phương Tây đang ngoảnh mặt với dầu Nga. Hôm 30/05, Liên minh châu Âu (EU) nhất trí cấm nhập 90% dầu Nga cho đến cuối năm nay. Châu Âu hiện là bên mua lớn nhất với năng lượng Nga. Mỹ, Canada, Anh và Australia trước đó đã cấm nhập dầu của Nga.

Lệnh cấm vận của châu Âu gây thêm sức ép lên kinh tế Nga, nhưng Moscow đã tìm được người mua khác ở châu Á.

Ấn Độ thông thường phải nhập 80% số dầu tiêu thụ trong nước và trước đó, chỉ mua khoảng 2% - 3% dầu từ Nga. Thế nhưng, ngay khi giá dầu tăng vọt, Chính phủ Ấn Độ đã tăng mua dầu từ Nga. Theo Refinitiv, lượng dầu thô Nga chảy đến Ấn Độ đạt 1.01 tấn trong tháng 4, cao hơn nhiều so với 430,000 tấn hồi tháng 3.

Đầu tháng này, Bộ Dầu mỏ và Khí đốt Ấn Độ cho biết họ nhập dầu từ khắp nơi trên thế giới, trong đó bao gồm một lượng lớn từ Mỹ. "Phần năng lượng mua của Nga chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng tiêu thụ dầu của Ấn Độ", Bộ Dầu mỏ và Khí đốt Ấn Độ khẳng định. "Các giao dịch dầu hợp pháp của Ấn Độ không thể bị chính trị hóa".

Ấn Độ không phải là nước châu Á duy nhất mua dầu từ Nga. Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh mua dầu từ Moscow.

OilX – công ty thường theo dõi sản xuất và dòng chảy dầu – cho biết lượng dầu mà Trung Quốc nhập từ Nga thông qua đường ống dẫn và đường biển đã tăng thêm 175,000 thùng/ngày trong tháng 4, tăng 11% so với mức trung bình trong năm 2021. Lượng nhập khẩu qua đường biển tăng mạnh hơn trong tháng 5/2022, theo dữ liệu sơ bộ.

Nhu cầu dầu tại Trung Quốc được cho là sẽ tiếp tục tăng khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã nới phong tỏa tại các thành phố lớn.

EU tiến tới thỏa thuận cấm vận dầu từ NGa

Lần đầu tiên, các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cho biết sẽ áp lệnh cấm vận với dầu của Nga vì cuộc chiến ở Ukraine, qua đó đánh dấu một bước tiến lớn trong cuộc chiến kinh tế với Moscow – vốn là yếu tố gây tác động trên thị trường toàn cầu.

Các quan chức EU cho biết, lệnh cấm sẽ diễn ra theo từng giai đoạn và tới cuối năm 2022 sẽ cấm tới 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga. Tuy nhiên, lúc đầu, lệnh cấm này sẽ chỉ tác động tới hơn 75% lượng dầu EU nhập từ Nga.

Được biết, dầu thô Nga chiếm 27% lượng dầu nhập khẩu của EU trong năm 2021, theo Eurostat.

Số liệu của các công ty phân tích năng lượng ngày 24/05 cho thấy số lượng dầu thô Urals của Nga xuất cảng biển đang tăng mạnh, giữa lúc EU thúc đẩy lệnh cấm vận dầu mỏ nước này.

Hãng tin Reuters dẫn số liệu của công ty phân tích năng lượng Vortexa cho biết gần 62 triệu thùng dầu thô Urals hàng đầu của Nga, một khối lượng kỷ lục, đang lênh đênh trên các con tàu chở dầu trên biển. Khối lượng dầu thô Urals xuất cảng cao gấp ba lần mức trung bình được ghi nhận trước ngày 24/02, thời điểm Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

"Số liệu cho thấy xuất khẩu của Nga vẫn tương đối mạnh… Lượng dầu thô của Nga trên biển đang tiếp tục gia tăng", chuyên gia Clay Seigle ở Houston nói. Các khách hàng khác có lẽ ngoảnh mặt với nguồn dầu thô Nga do lo ngại các lệnh trừng phạt trong tương lai.

Vũ Hạo (Theo CNN)

FILI

Các tin tức khác

>   Điểm lại danh sách trừng phạt của EU đối với Nga (01/06/2022)

>   Lạm phát tại Eurozone tăng lên mức 8.1% (01/06/2022)

>   Nới lỏng chống dịch, kinh tế Trung Quốc vẫn khó bật dậy? (01/06/2022)

>   Châu Âu đau đầu vì lạm phát tăng nóng (01/06/2022)

>   Trung Quốc công bố gói bao gồm 33 biện pháp hỗ trợ kinh tế (31/05/2022)

>   Lạm phát tại khu vực Eurozone lập kỷ lục mới trong tháng 5 (31/05/2022)

>   Quan chức Fed: NHTW sẵn lòng nâng lãi suất vượt mức “trung lập” để chống lạm phát (31/05/2022)

>   Giá gỗ tại Mỹ lao dốc hơn 50% kể từ khi Fed nâng lãi suất (31/05/2022)

>   4 yếu tố biến động và định hình lại (30/05/2022)

>   Các NHTW thực hiện hơn 60 đợt nâng lãi suất trong 3 tháng qua (30/05/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật