Thứ Sáu, 17/06/2022 13:30

Hỗ trợ lãi suất có phải là nới lỏng tiền tệ?

Một số báo cáo, nhận định gần đây cho rằng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang “lệch pha”, đi ngược hướng với thế giới…

Đẩy mạnh đầu tư công cũng được cho là biểu hiện, dẫn đến nới lỏng chính sách tiền tệ.

Theo đó, trong khi nhiều nước trên thế giới đang theo chiều hướng nâng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát thì NHNN đang (chịu sức ép phải) nới lỏng chính sách tiền tệ bởi đang triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%. Ngoài ra, việc đẩy mạnh đầu tư công cũng được cho là biểu hiện, dẫn đến nới lỏng chính sách tiền tệ.

Hai nhận định trên là không đúng hoặc chưa đủ cơ sở để kết luận như vậy.

Về nhận định rằng NHNN triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng tức là nới lỏng chính sách tiền tệ, điều này chỉ đúng khi NHNN tăng (thêm) cung tiền. Việc tăng cung tiền để một phần đáp ứng nhu cầu chi trả khoản tiền lãi suất hỗ trợ tính trên dư nợ cho vay doanh nghiệp mà ngân hàng thương mại cho vay theo gói hỗ trợ lãi suất 2% này. Một phần khác của cung tiền tăng thêm có thể dùng để tái cấp vốn cho ngân hàng thương mại khi họ đã cho vay doanh nghiệp theo gói hỗ trợ lãi suất 2%.

Nhận định rằng NHNN triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng tức là nới lỏng chính sách tiền tệ, điều này chỉ đúng khi NHNN tăng (thêm) cung tiền.

Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn để chi trả tiền lãi suất hỗ trợ 2% là từ ngân sách nhà nước, với tổng hạn mức là 40.000 tỉ đồng. Nói cách khác, NHNN sẽ không (phải) chi ra/in thêm 40.000 tỉ đồng để bù phần lãi suất hỗ trợ này, và cơ quan chức năng phải làm việc này là Kho bạc Nhà nước.

Do chi tiêu ngân sách, dù là chi tiêu công, không phải là tiền được cung ứng từ NHNN (điều này sẽ được nói thêm ở phần sau), nên rốt cuộc cung tiền của NHNN không thay đổi khi gói hỗ trợ lãi suất 2% được triển khai. Bởi vậy, việc NHNN (phải) tham gia vào gói hỗ trợ lãi suất 2% hoàn toàn không đồng nghĩa với việc NHNN (phải) nới lỏng chính sách tiền tệ.

Chuyển sang vấn đề NHNN tái cấp vốn để ngân hàng thương mại cho vay theo gói hỗ trợ lãi suất, điều này chỉ là một lựa chọn của NHNN chứ NHNN không nhất thiết phải làm vậy. Chẳng hạn, nếu thấy cung tiền đã ở mức đủ lớn, quá lớn trong năm nay, có thể tăng mạnh thêm áp lực lạm phát, NHNN sẽ không tái cấp vốn (cấp thêm, cấp lại vốn) cho ngân hàng thương mại mà buộc ngân hàng thương mại phải cắt giảm cho vay các doanh nghiệp và lĩnh vực khác không thuộc diện ưu tiên, không là đối tượng của gói hỗ trợ lãi suất. Lúc này, hạn mức tăng trưởng tín dụng mà NHNN cấp cho ngân hàng thương mại không (cần) thay đổi, và cung tiền của NHNN cũng không (cần) thay đổi. Nói cách khác, việc tham gia của NHNN vào gói hỗ trợ lãi suất cũng vẫn không phải là, không liên quan gì đến nới lỏng chính sách tiền tệ.

Về vấn đề tăng đầu tư công đã và đang được hiểu là nới lỏng chính sách tiền tệ. Như đã nói qua ở trên, nguồn tiền cho đầu tư công là từ ngân sách, có được phần lớn là do thu thuế phí và các khoản trích nộp của doanh nghiệp (nhà nước)… Ngân sách nhà nước nếu có liên quan đến NHNN chỉ là ở góc độ, trong những hoàn cảnh đặc biệt, NHNN cho vay trực tiếp ngân sách. Nhưng những hoàn cảnh dẫn đến cho vay kiểu này là rất hy hữu (và bị cấm ở nhiều nước). Thông thường, NHNN có muốn/bị phải hỗ trợ ngân sách nhà nước thì chỉ có thể làm một cách gián tiếp, thông qua tăng cung tiền để ngân hàng thương mại mua vào trái phiếu Kho bạc Nhà nước (mà không làm tăng lợi suất trái phiếu). Hoặc hy hữu hơn thì là ngân hàng trung ương sẽ trực tiếp mua trái phiếu chính phủ, một hành động gọi là nới lỏng định lượng xảy ra ở Mỹ.

Nếu thấy việc tăng cung tiền sẽ làm tăng áp lực lạm phát, và đồng thuận với nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới rằng chống lạm phát cần đến công cụ lãi suất (tăng lãi suất) thì NHNN sẽ không tăng cung tiền. Như vậy thì dù có tăng đầu tư công, chi tiêu công thì cũng không đồng nghĩa với nới lỏng chính sách tiền tệ.

Trong hoàn cảnh hiện tại của Việt Nam, nhất là trong gói hỗ trợ, kích thích kinh tế 350.000 tỉ đồng hiện nay, việc NHNN có hưởng ứng bằng cách tăng cung tiền để hỗ trợ ngân sách nhà nước hay không vẫn chỉ là một lựa chọn chính sách của NHNN. Nếu họ thấy việc tăng cung tiền này sẽ làm tăng áp lực lạm phát, và NHNN cũng đồng thuận với nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới rằng chống lạm phát cần đến công cụ lãi suất (tăng lãi suất) thì NHNN sẽ không tăng cung tiền. Như vậy thì dù có tăng đầu tư công, chi tiêu công thì cũng không đồng nghĩa với nới lỏng chính sách tiền tệ.

Lưu ý thêm rằng sai lầm được chỉ ra ở trên (về quan hệ giữa tăng đầu tư/chi tiêu công và nới lỏng chính sách tiền tệ) đã xảy ra không chỉ đối với Việt Nam mà còn ngay cả đối với Mỹ. Chẳng hạn, đã có nhiều người ở Việt Nam chỉ trích sự “ngu ngốc” của Bộ trưởng Tài chính Mỹ khi bà này cho rằng gói chi tiêu 1.750 tỉ đô la của Tổng thống Joe Biden giúp giảm lạm phát hồi tháng 10-2021. Lập luận của những người chỉ trích lạm phát là do chính phủ tăng chi tiêu nên thực ra gói chi tiêu này lại “đổ thêm dầu vào lửa” chứ không giúp giảm lạm phát.

Như đã nói ở trên, chi tiêu công là một chuyện, ngân hàng trung ương có tăng cung tiền hay không lại là chuyện khác, do đó tăng chi tiêu công có làm tăng lạm phát hay không lại là một chuyện khác nữa. Ngay ở Mỹ, dù chi tiêu công đã tăng mạnh như vậy nhưng mặt khác, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lại thắt chặt chính sách tiền tệ, nâng lãi suất, thu hẹp nới lỏng định lượng để chống lạm phát. Do đó, cho dù chi tiêu công đã tăng mạnh nhưng với chiều hướng thắt ngày càng chặt của chính sách tiền tệ của Fed thì lạm phát ở Mỹ sẽ quay trở lại mức bình thường. Và Việt Nam cũng (sẽ) vậy!

Phan Minh Ngọc

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Cái lý của ngân hàng khi không chia cổ tức (17/06/2022)

>   Thẻ tín dụng quốc tế Sacombank JCB - Miễn phí chuyển đổi trả góp 0%  (17/06/2022)

>   Chọn lọc dự án để 'bơm' tín dụng vì BĐS là lĩnh vực rủi ro, biến động lớn (17/06/2022)

>   Chủ doanh nghiệp khai mục đích vay ‘khống’ 185.000 chỉ vàng tại Ngân hàng Đông Á (16/06/2022)

>   Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy chuyển đổi số (16/06/2022)

>   Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á vắng mặt tại phiên xét xử làm thất thoát 184 tỷ đồng (16/06/2022)

>   Ngân hàng số - Trụ cột trong chiến lược phát triển của NCB (16/06/2022)

>   Vì sao ngân hàng cần duy trì cơ chế 'room tín dụng'? (16/06/2022)

>   Phá 'ổ' cho vay lãi 40%/tháng, nạn nhân là hơn 1.000 người nghèo ở TPHCM (16/06/2022)

>   Tín dụng tăng 8.15% so với cuối năm ngoái (15/06/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật