Thứ Năm, 16/06/2022 11:17

Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á vắng mặt tại phiên xét xử làm thất thoát 184 tỷ đồng

Trong lần tái xử sơ thẩm vụ án làm thất thoát 184 tỷ đồng tại Ngân hàng Đông Á, ông Trần Phương Bình cùng thuộc cấp là Nguyễn Thị Kim Xuyến có đơn xin xét xử vắng mặt và được HĐXX chấp thuận.

Sáng 16/6, TAND TP Hà Nội mở lại phiên xét xử sơ thẩm ông Trần Phương Bình, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (DAB) về tội "Vi phạm quy định về hoạt động Ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", quy định tại khoản 4 Điều 206 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt 12-20 năm tù.

Hầu tòa cùng ông Bình có 9 bị cáo, gồm: Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó Tổng giám đốc DAB); Trần Đạo Vũ, Nguyễn Thị Kim Đường, Lương Ngọc Quý, Nguyễn Thị Ngọc Anh, Võ Thị Bạch Hương, Nguyễn Minh Hoàng và Nguyễn Thị Phương (đều là các lãnh đạo, cán của DAB chi nhánh Hà Nội) và Phan Thúy Mai (cựu Giám đốc Công ty An Phát).

Trước khi bắt đầu phiên xử, thư ký tòa thông báo bị cáo Trần Phương Bình và Nguyễn Thị Kim Xuyến, có đơn xin xét xử vắng mặt. Sau khi hội ý, HĐXX nhận thấy các bị cáo đều đã có lời khai, tuổi cao, hiện đang chấp hành án trong các vụ án khác nên chấp nhận đề nghị của hai bị cáo, tuyên bố quyết định tiếp tục xét xử.

Phiên tòa do thẩm phán Trần Thị Tâm làm chủ tọa, dự kiến kéo dài ba ngày.

Đây là vụ án thứ ba của ông Trần Phương Bình. Trước đó, năm 2018, ông này nhận án tù chung thân trong vụ án Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) và đồng phạm chiếm đoạt, làm thất thoát tiền của Ngân hàng DAB; năm 2020, ông Bình tiếp tục nhận thêm bản án chung thân thứ 2 trong vụ thất thoát hơn 8.000 tỷ đồng của ngân hàng.

Nhóm bị cáo tại tòa.

Theo cáo buộc, từ 2007 - 2014, Công ty An Phát (địa chỉ tại huyện Mê Linh, Hà Nội) do bị can Phan Thúy Mai, làm Giám đốc đã nhiều lần vay vốn Ngân hàng DAB Chi nhánh Hà Nội.

Viện kiểm sát cho rằng, trong quá trình thực hiện cấp tín dụng cho Công ty An Phát, một số lãnh đạo Hội sở và cán bộ DAB Chi nhánh Hà Nội có nhiều vi phạm về quy định cho vay của các tổ chức tín dụng, hợp thức hồ sơ tín dụng, cấp tín dụng khi chưa đủ điều kiện.

Những sai phạm trên gây thiệt hại cho nhiều cổ đông Công ty An Phát, do đó, bà Trương Kim Bích (thành viên HĐQT Công ty) gửi đơn đến cơ quan điều tra tố cáo hành vi của Phan Thúy Mai và nhóm cán bộ DAB.

Cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội xác định, bị can Phan Thúy Mai đã lợi dụng mối quan hệ thân thiết để vận động Tổng giám đốc DAB Trần Phương Bình và Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thị Kim Xuyến chỉ đạo chi nhánh DAB Hà Nội làm hồ sơ nhanh chóng, bỏ qua các quy trình thẩm định, không thực hiện đúng thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo, để Công ty An Phát được giải ngân khoản tín dụng.

Bản thân Mai sử dụng các tài sản chưa đủ tính pháp lý để thế chấp, đảm bảo cho các khoản vay; sử dụng biên bản họp Hội đồng quản trị giả để giao dịch vay vốn ngân hàng.

Ông Trần Phương Bình bị cáo buộc chỉ đạo DAB chi nhánh Hà Nội giúp Mai vay tiền vì không muốn Công ty An Phát "đảo nợ cũ", tránh cho DAB tăng nợ xấu. Còn Nguyễn Thị Kim Xuyến giúp Mai vì có quan hệ và chính Xuyến góp 5% cổ phần vào Công ty An Phát để đầu tư Dự án Đồi 79 mùa xuân.

Ngoài ra, cơ quan truy tố cho rằng trong năm 2008, bị can Mai ký khống hợp đồng thể hiện Công ty An Phát vay 185.000 chỉ vàng của Ngân hàng DAB nhưng thực tế không có khoản vay này, vàng cũng chưa được giải ngân. Việc ký hợp đồng khống để nhằm giúp Trần Phương Bình che giấu số vàng làm thất thoát của DAB.

Đây cũng là lý do để sau này Trần Phương Bình “nể nang” Mai, giúp nữ doanh nhân này vay tiền. Hợp đồng vay vàng khống đang được Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố để xử lý trong một vụ án khác.

Nhóm cán bộ DAB Chi nhánh Hà Nội biết Mai là khách hàng 'VIP', có quan hệ với Bình, Xuyến. Khi được hai lãnh đạo yêu cầu tạo điều kiện cho Mai, nhóm này đã giải ngân khoản vay khi chưa hoàn tất thủ tục về tài sản đảm bảo.

Hành vi phạm tội của các bị can gây thiệt hại cho Ngân hàng DAB số tiền hơn 184 tỷ đồng.

Hoàng An

Tiền phong

Các tin tức khác

>   Ngân hàng số - Trụ cột trong chiến lược phát triển của NCB (16/06/2022)

>   Vì sao ngân hàng cần duy trì cơ chế 'room tín dụng'? (16/06/2022)

>   Phá 'ổ' cho vay lãi 40%/tháng, nạn nhân là hơn 1.000 người nghèo ở TPHCM (16/06/2022)

>   Tín dụng tăng 8.15% so với cuối năm ngoái (15/06/2022)

>   Ngân hàng bắt đầu lên kế hoạch triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% (15/06/2022)

>   M&A tài chính ngân hàng sẽ sôi động trở lại (15/06/2022)

>   Hoàn thiện Luật Phòng, chống rửa tiền để ngăn chặn các hình thức rửa tiền mới (14/06/2022)

>   Sacombank tuyển dụng tập trung 300 nhân sự trên toàn quốc (14/06/2022)

>   Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách giám sát tiền tệ (13/06/2022)

>   Không miễn cưỡng bancassurance (13/06/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật