Không miễn cưỡng bancassurance
Chuyện ngân hàng “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn lại một lần nữa nổi lên, nhưng lần này đặc biệt hơn khi nó được các đại biểu đặt ra ở kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.
Một số loại hình bảo hiểm được bán qua kênh ngân hàng (bancassurance) là chuyện hết sức bình thường trên thế giới nhưng vì sao lại có nhiều điều tiếng ở Việt Nam? Để thị trường phát triển lành mạnh thì nên chấn chỉnh về mặt quản lý, giám sát như thế nào?
Mục đích tốt bị méo mó
Việc bán chéo các sản phẩm là rất phổ biến trên thị trường dịch vụ tài chính, vì nó mang lại lợi ích cho cả bên bán lẫn bên mua. Vì vậy mà chúng ta hay thấy giới ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư giới thiệu qua lại dịch vụ của nhau. Ví dụ như khi một người vay hay gửi tiền ở ngân hàng thì sẽ được giới thiệu một số loại hình bảo hiểm, một số hình thức đầu tư.
Cần có quy định bắt buộc về việc cung cấp thông tin cụ thể của loại hình bảo hiểm trong bảng mô tả hợp đồng vay: là bắt buộc hay khuyến khích? bảo hiểm là thuần túy bảo vệ hay gắn kèm với tích lũy đầu tư?
|
Ở góc độ người tiêu dùng, lợi ích có được là chi phí thấp hơn khi so với việc mua riêng lẻ các sản phẩm từ nhiều nhà cung cấp. Thông thường các tập đoàn tài chính – ngân hàng lớn thì luôn có các mảng kinh doanh ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư và do đó họ có thể tối ưu được chi phí, giảm phí cho khách hàng.
Một trong những chi phí quan trọng là phát triển khách hàng mới, và dữ liệu khách hàng hiện có là một tài sản sản quý của bất kỳ doanh nghiệp nào.
Nhưng chi phí đối với khách hàng không chỉ là số tiền phải bỏ ra, mà còn là các chi phí về mặt thời gian khi theo dõi, quản lý các dịch vụ tài chính mà mình đang sử dụng. Lấy ví dụ như cùng sử dụng dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư của một tổ chức XYZ thì khách hàng có thể quản lý tất cả qua một tài khoản trực tuyến duy nhất.
Trong trường hợp tổ chức cung cấp dịch vụ là nhà phân phối cho một tổ chức khác thì chi phí bán hàng của họ cũng ở mức ưu tiên hơn, tức là được mức chiết khấu cao hơn, và từ đó khách hàng cũng sẽ được hưởng lợi. Lấy ví dụ như ngân hàng XYZ phân phối sản phẩm của công ty bảo hiểm ABC thì khách hàng mua bảo hiểm từ ngân hàng XYZ thường có nhiều lợi ích hơn là mua trực tiếp từ công ty ABC.
Nhưng thực tế không thể tránh được là có những doanh nghiệp lợi dụng sự thiếu hiểu biết hay thế yếu của khách hàng để tận dụng khai thác, gia tăng lợi ích của mình từ sự thiệt thòi của khách hàng.
Giá trị cốt lõi, nền tảng của bảo hiểm là sự bảo vệ tài chính khi có biến cố không may xảy ra. Chính vì vậy mà khi cung cấp các khoản vay, ngân hàng yêu cầu phải có bảo hiểm cho tài sản và khả năng chi trả của người đi vay như trong trường hợp vay mua xe, mua nhà.
Trường hợp vay mua nhà thì có điểm đặc biệt hơn là bảo hiểm chỉ đảm bảo cho một phần giá trị ngôi nhà, ở giá trị vật chất, giá trị xây dựng mà không bao gồm giá trị đất nên người đi vay ngoài mua bảo hiểm cho ngôi nhà thì quan trọng hơn là phải có bảo hiểm cho bản thân mình, đề phòng trường hợp thu nhập trong tương lai bị giảm sút hoặc mất đi vì lý do sức khỏe, như bệnh tật.
Và đây chính là điểm tù mù mà người đi vay ở Việt Nam dễ bị ngân hàng té nước theo mưa: thay vì giới thiệu loại hình bảo hiểm thuần túy bảo vệ rủi ro thì ngân hàng lại giới thiệu hay “ép” người đi vay mua những sản phẩm bảo hiểm có kết hợp yếu tố tiết kiệm, đầu tư. Vì như vậy thì mức phí bảo hiểm sẽ nhiều hơn và hoa hồng bán hàng mà ngân hàng nhận được sẽ nhiều hơn.
Không miễn cưỡng
Quyền lợi của người tiêu dùng dịch vụ tài chính luôn phải được ưu tiên hơn bên cung cấp dịch vụ bởi vì họ là bên yếu thế hơn trong hợp đồng. Chính vì vậy một số nước đã có quy định rất rõ ràng trong việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm đi kèm với khoản vay.
Sự rõ ràng minh bạch luôn là nền tảng quan trọng trong các giao dịch về tài chính, và yêu cầu này phải xuất phát từ cơ quan quản lý nhà nước cũng như các ngân hàng.
|
Lấy ví dụ như ở Pháp, người đi vay mua nhà bắt buộc phải có bảo hiểm nhưng bảo hiểm chỉ là thuần túy bảo vệ rủi ro tai nạn, bệnh tật. Ngoài ra, người đi vay được quyền chọn nhà bảo hiểm, và có thể thay đổi nhà bảo hiểm sau một năm. Đối với các khoản vay cá nhân khác thì bảo hiểm không là bắt buộc, và được thể hiện rõ trong bảng mô tả mà ngân hàng cung cấp.
Về phía mình, người tiêu dùng cũng cần tự nâng cao hiểu biết của mình về các loại hình bảo hiểm để biết được loại nào là bắt buộc, là cần thiết, và loại nào chỉ mang tính chất khuyến khích. Ngoài ra, người đi vay cũng cần chủ động tìm kiếm thông tin và so sánh lợi ích – chi phí ở nhiều nhà cung cấp khác nhau, tránh phụ thuộc vào một bên cung cấp duy nhất.
Còn đối với các ngân hàng, việc phát triển kênh bancassurance là cần thiết, nhưng cần hài hòa lợi ích với khách hàng, nhìn giá trị của khách hàng ở vòng đời của họ chứ không chỉ là khoản lợi ích hoa hồng bán hàng trước mắt. Bởi vì ai cũng biết, khi một khách hàng có niềm tin và gắn bó thì họ không chỉ sử dụng nhiều dịch vụ hơn mà còn là đại sứ cho những khách hàng tương lai khác. Nếu ngân hàng lợi dụng thế yếu của khách hàng thì việc lợi dụng này rất khó có thể lặp lại được.
Như vậy, để cho kênh phân phối bancassurance phát huy đúng vai trò của mình và không gây phiền cho người tiêu dùng thì cần có quy định bắt buộc về việc cung cấp thông tin cụ thể của loại hình bảo hiểm trong bảng mô tả hợp đồng vay: là bắt buộc hay khuyến khích? bảo hiểm là thuần túy bảo vệ hay gắn kèm với tích lũy đầu tư?
Có như vậy, thì người tiêu dùng mới biết được các lựa chọn của mình, từ đó có thể ra quyết định sau khi cân nhắc lợi ích – chi phí, và không thể trách hay đổ lỗi cho phía ngân hàng nữa. Sự rõ ràng minh bạch luôn là một nền tảng quan trọng trong các giao dịch về tài chính, và yêu cầu này phải xuất phát từ cơ quan quản lý nhà nước cũng như các ngân hàng.
TS. Võ Đình Trí
TBKTSG
|