Thứ Bảy, 11/06/2022 08:24

Bộ Công an cho phép, ngân hàng mới được cung cấp dịch vụ định danh eKYC?

Dự thảo Nghị định quy định về định danh do Bộ Công an soạn thảo gây ngỡ ngàng vì được hiểu rằng: tất các các tổ chức cung cấp dịch vụ định danh khách hàng điện tử (eKYC) buộc phải được phép của bộ này...

Ngành công an và ngân hàng cần ngồi lại với nhau trong việc xác định ranh giới khi cung cấp dịch vụ định danh eKYC

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa tổ chức họp góp ý nội dung Dự thảo Nghị định Quy định về định danh và xác thực điện tử nhằm đảm bảo văn bản sau khi ban hành có khả năng thực thi cao cũng như tạo thuận lợi cho các tổ chức và người dân.

Chia sẻ tại buổi họp, ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế, Hiệp hội Ngân hàng cho biết, quy định tại Dự thảo có thể hiểu rằng tất các các tổ chức cung cấp dịch vụ định danh khách hàng điện tử (eKYC) hiện nay cũng buộc phải được Bộ Công an cho phép mới được hoạt động, việc hoạt động eKYC của tất cả các ngân hàng và tổ chức hiện nay có thể bị xem là chưa phù hợp quy định pháp luật.

“Đề nghị cơ quan soạn thảo phân định rõ phạm vi của “Dịch vụ định danh và xác thực điện tử” được hiểu trong nghị định này chỉ là “Dịch vụ định danh và xác thực điện tử có sử dụng dữ liệu cư dân quốc gia” để tránh hiểu lầm với các dịch vụ xác thực người dùng điện tử (eKYC) khác trên thị trường”, ông Long nói.

Đồng thời, ông Long cũng nhấn mạnh, định danh điện tử không phải eKYC mà các tổ chức tín dụng vẫn đang triển khai thực hiện, eKYC chỉ là phương pháp xác minh khách hàng gián tiếp, sử dụng phương thức điện tử.

“Nếu các tổ chức tín dụng được kết hợp eKYC với phương thức xác thực quy định trong Dự thảo Nghị định thì có hiệu quả tốt hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa Nghị định này điều chỉnh hoạt động eKYC. Mặt khác, nếu có nội dung nào trong Dự thảo có thể gây ra nhầm lẫn rằng việc mở các tài khoản online đều phải tuân theo Nghị định thì cần phải kiểm tra xem xét lại”, ông Long chia sẻ.

Một nội dung quan trọng mà ông Long nêu đó là vấn đề xác thực chủ thể danh tính điện tử, xác thực thông tin của chủ thể thông qua các tổ chức trung gian.

Hiện, Dự thảo quy định tổ chức tín dụng, tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông, di động, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số định danh điện tử, tổ chức hành nghề công chứng, thừa phát lại và tổ chức khác được giao thực hiện dịch vụ công xác thực chủ thể danh tính điện tử, xác thực thông tin của chủ thể danh tính điện tử qua tổ chức cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử.

Tuy nhiên, sau khi lấy ý kiến, đa số các tổ chức tín dụng, các công ty Fintech, các trung gian thanh toán... đều kiến nghị được kết nối trực tiếp thay vì phải thông qua một bên trung gian.

Cụ thể, đại diện một ngân hàng thương mại cho hay, ngân hàng này đã triển khai phương thức xác thực eKYC từ lâu nên đề nghị cho phép kết nối dữ liệu với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để định danh khách hàng.

“Các ngân hàng cho rằng, cần xác định rõ phạm vi áp dụng việc xác thực và định danh điện tử theo Dự thảo Nghị định này, khả năng ảnh hưởng đến nghiệp vụ eKYC mà các tổ chức kinh tế đang triển khai. Hiện chưa thể dự đoán sẽ có bao nhiêu tổ chức trung gian cung ứng dịch vụ định danh và xác thực điện tử được Bộ Công an chấp thuận. Nhưng nếu số lượng các tổ chức này ít thì sẽ hạn chế khả năng đáp ứng nhu cầu vốn tương đối lớn của các tổ chức tín dụng”, đại diện ngân hàng trên nêu quan điểm.

Tương tự, đại diện một đơn vị trung gian thanh toán cho biết, Nghị định cần quy định để đảm bảo sự kết nối thuận tiện, dễ dàng. Kinh nghiệm của đơn vị này cho thấy, khi kết nối qua các tổ chức trung gian, tỷ lệ lỗi phát sinh rất nhiều, tăng gấp 2, gấp 3 so với bình thường và việc này ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh.

“Do đó, các tổ chức tín dụng cần được kết nối, khai thác dữ liệu định danh điện tử trong hoạt động của mình nhằm xác minh, xác thực khách hàng cho mục đích phòng chống rửa tiền và gian lận, lừa đảo trong hoạt động tài chính ngân hàng. Đối với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, Bộ Công an nên xem xét mở API cho các bên vào đối chiếu không tính phí. Hiện nay, một số nước trong khu vực cũng đang cho gọi miễn phí vào cơ sở dữ liệu, nhưng đương nhiên với điều kiện là bên gọi vào cần đăng ký. Việc này giúp mở rộng dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ tài chính nói chung”, ông Nguyễn Thành Long nói.

Vũ Phong

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Thống đốc NHNN: Công cụ hạn mức tín dụng đã ngăn chặn được những cuộc đua lãi suất (10/06/2022)

>   Agribank muốn thoái sạch vốn tại CMG (10/06/2022)

>   Đến 2025, tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng đạt tối thiểu 11% (10/06/2022)

>   Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Vẫn cấp tín dụng cho doanh nghiệp bất động sản tốt (09/06/2022)

>   Thống đốc NHNN: Lợi nhuận của các ngân hàng tính trên tổng tài sản là không lớn (09/06/2022)

>   Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Kéo dài thực hiện Nghị quyết 42 có ý nghĩa quan trọng (09/06/2022)

>   Đến năm 2025 sẽ giảm số lượng các TCTD, xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém (09/06/2022)

>   Công an chỉ cách nhận diện link lừa đảo qua tin nhắn SMS (09/06/2022)

>   Thống đốc NHNN: Phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro mất an toàn thông tin trong lĩnh vực ngân hàng (08/06/2022)

>   Thống đốc NHNN: Sẽ tăng cường các kênh tiếp cận tín dụng chính thức, hạn chế tín dụng đen (08/06/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật