Thứ Tư, 15/06/2022 13:31

Tín dụng tăng 8.15% so với cuối năm ngoái

Tại họp báo sáng 15/6 về hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết: Tính đến ngày 9/6, tín dụng tăng 8.15% so với cuối năm ngoái, tăng 17.09% so với cùng kỳ năm 2022, phù hợp với diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế.

Chủ trương của NHNN là mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, hiệu quả; tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và kiểm soát vốn vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tín dụng tăng 8.15% nhưng cần chú trọng kiểm soát lạm phát

Tại họp báo về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022 do NHNN tổ chức ngày 15/6 tại Hà Nội, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã khẩn trương triển khai kịp thời các nhiệm vụ được giao.

NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đồng thời sẵn sàng cung ứng đủ nguồn vốn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Theo đó, NHNN điều hành nghiệp vụ thị trường mở chủ động, linh hoạt nhằm đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD), góp phần ổn định thị trường tiền tệ. Trong điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành mặc dù chịu áp lực từ xu hướng nới lỏng tiền tệ, tăng lãi suất trên toàn cầu, nhằm tạo điều kiện để TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Kết quả, đến ngày 9/6/2022, tín dụng tăng 8.15% so với cuối năm 2021, tăng 17.09% so với cùng kỳ năm 2021, phù hợp với diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế. Nhờ đó, đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định dòng vốn tiếp tục được lưu chuyển tích cực. Vòng quay đồng tiền nhanh hơn so với lúc trước khi có dịch bệnh. Việc tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng là tích cực. Mức tăng trưởng tín dụng tăng nhanh gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.

"Điều đó cho thấy sự khôi phục nền kinh tế đang tích cực, trong đó có đóng góp của tín dụng hỗ trợ tăng trưởng", Phó Thống đốc nói.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phân tích hiện nay tình hình còn khó khăn, nhất là vấn đề lạm phát. Trong khi đó, tình hình kinh tế, chính trị quốc tế nhiều nơi khá căng thẳng. Nhiều hiện tượng hiếm khi xảy ra như, lạm phát ở Mỹ lên tới 8.6%, Anh 9%, Hàn Quốc 5.4%, Thổ Nhĩ Kỳ hơn 73%... nên chúng ta cần lường trước những bất lợi trong thời gian tới.

NHNN cũng đang nắm sát thông tin Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) có thể điều chỉnh tăng lãi suất, một biện pháp mạnh tay để kiểm soát lạm phát. Tình hình tài chính tiền tệ các quốc gia đang biến động khó lường trong khi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên dễ bị tác động.

Sau thời gian trầm lắng do dịch, khi nền kinh tế khôi phục, kiểm soát cung tiền trong bối cảnh lạm phát cần hết sức thận trọng. Phải cân đối nhiều yếu tố, vòng quay đồng tiền, tín dụng, tỉ giá… Theo Tổng cục Thống kê, bình quân 5 tháng, chỉ số CPI bình quân tăng 2.25%, trong đó lạm phát cơ bản là 1.1%, còn lại chủ yếu CPI tăng do biến động giá cả một số mặt hàng như xăng dầu…

Lãnh đạo NHNN đánh giá, tình hình tài chính tiền tệ trong 6 tháng đến nay nhìn chung là ổn định, tuy nhiên sức ép lạm phát là hiện hữu.

"NHNN sẽ theo dõi diễn biến thị trường trong và ngoài nước, diễn biến dịch bệnh để điều hành đồng bộ, linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nêu trọng tâm điều hành.

Kiểm soát nợ xấu gắn với tái cơ cấu các TCTD giai đoạn 2

Lãnh đạo NHNN cho hay thực hiện chủ trương của Chính phủ, NHNN đã triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, trong đó, triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách Nhà nước 40,000 tỷ đồng theo Nghị định 31/2022/NDD-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của NHNN, góp phần thực hiện chương trình phục hồi kinh tế chung, ngành ngân hàng tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Trong đó sẽ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ tại các TCTD theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 và các Thông tư sửa đổi, bổ sung; giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng; chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất; các giải pháp về miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán...

Theo kết quả khai thác tại hệ thống báo cáo tập trung của NHNN, đến cuối tháng 4/2022, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ khi ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN là hơn 695,000 tỷ đồng cho trên 1.1 triệu khách hàng.

Dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ hiện còn hơn 198,000 tỷ đồng của gần 680,000 khách hàng. Lũy kế giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ là gần 91,000 tỷ đồng cho gần 490,000 khách hàng. Dư nợ miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ còn gần 18,000 tỷ đồng của hơn 166,000 khách hàng.

Về tái cơ cấu, đại diện NHNN cho hay sẽ tiếp tục triển khai tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai tích cực. Sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD tiếp tục được giữ vững. Quy mô hệ thống các TCTD tiếp tục tăng; năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành từng bước được củng cố, nâng cao, tiệm cận thông lệ quốc tế.

"Cần tiếp tục đẩy mạnh đề án cơ cấu lại các TCTD, đây là công việc lâu dài, liên tục. Tái cơ cấu là quá trình đổi mới cơ cấu lại theo hướng tích cực hơn, củng cố ổn định lâu dài, nâng cao năng lực quản trị, tài chính, công nghệ cho các TCTD thực hiện các nhiệm vụ của mình một cách an toàn", đại diện NHNN cho hay.

NHNN bám sát Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 phê duyệt Đề án "cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.

"Đó là căn cứ pháp lý, để tiếp tục triển khai các đề án cụ thể với từng TCTD. Mục tiêu là ngân hàng tốt phải vươn cao hơn đến tầm cỡ khu vực, còn chưa tốt tiếp tục cơ cấu hoàn thiện bảo đảm an toàn lành mạnh cũng như toàn hệ thống. Việc kéo dài Nghị quyết 42 là giải pháp quan trọng xử lý nợ xấu cũ và mới phát sinh (do đợt dịch) cho ngân hàng và cả nền kinh tế", đại diện NHNN nhấn mạnh.

Về các lĩnh vực khác, lãnh đạo NHNN cho biết thêm, trong hoạt động thanh toán, khuôn khổ pháp lý và chính sách tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), chuyển đổi số hoạt động ngân hàng.

Hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng tiếp tục được quan tâm, triển khai. Hoạt động TTKDTM trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giao dịch TTKDTM tăng 69.7% về số lượng và 27.5% về giá trị; qua Internet tăng tương ứng 48.39% và 32.76%; qua điện thoại di động tăng 97.65% và 86.68%; qua QR code tăng 56.52% và 111.62%; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10.37% so với cuối năm 2021.

"NHNN đang hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện ứng dụng công nghệ mới, sản phẩm mới, cho vay ngang hàng, vay qua ứng dụng (app), tiền điện tử. NHNN đang khẩn trương cùng các bộ, ngành xây dựng để trình Chính phủ khuôn khổ pháp lý về các lĩnh vực nói trên", Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Ngân hàng bắt đầu lên kế hoạch triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% (15/06/2022)

>   M&A tài chính ngân hàng sẽ sôi động trở lại (15/06/2022)

>   Hoàn thiện Luật Phòng, chống rửa tiền để ngăn chặn các hình thức rửa tiền mới (14/06/2022)

>   Sacombank tuyển dụng tập trung 300 nhân sự trên toàn quốc (14/06/2022)

>   Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách giám sát tiền tệ (13/06/2022)

>   Không miễn cưỡng bancassurance (13/06/2022)

>   Bộ Tài chính Mỹ đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam (13/06/2022)

>   Quyền TGĐ Nguyễn Mạnh Quân (ABBank): Dành 15% tổng dư nợ cho chương trình ưu đãi lãi suất 2% (13/06/2022)

>   Ngân hàng 0 đồng và những yếu kém được quyết ra sao? (13/06/2022)

>   Trong 3 năm qua Bộ Công an đã khởi tố gần 2,000 vụ liên quan đến tín dụng đen (13/06/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật