Thứ Năm, 16/06/2022 19:51

Chủ doanh nghiệp khai mục đích vay ‘khống’ 185.000 chỉ vàng tại Ngân hàng Đông Á

Bị cáo Phan Thúy Mai (cựu Giám đốc Công ty An Phát) cho biết, không có chuyện vay và nhận vàng của Ngân hàng Đông Á như cáo buộc. Mục đích ký hợp đồng vay 'khống' 185.000 chỉ vàng nhằm để kêu gọi nhà đầu tư ở Hồng Kông đầu tư vào công ty.

Sử dụng tài liệu giả để vay vốn

Sau nửa ngày công bố cáo trạng, chiều 16/6, HĐXX xét hỏi bị cáo Phan Thúy Mai (cựu Giám đốc Công ty An Phát) trong vụ án sai phạm tại Ngân hàng Đông Á (DAB) gây thiệt hại 184 tỷ đồng.

Theo cáo buộc, từ năm 2007-2014, bị can Phan Thúy Mai đã lợi dụng mối quan hệ thân thiết để vận động Tổng giám đốc DAB Trần Phương Bình và Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thị Kim Xuyến chỉ đạo chi nhánh DAB Hà Nội làm hồ sơ nhanh chóng, bỏ qua các quy trình thẩm định, không thực hiện đúng thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo, để Công ty An Phát được giải ngân khoản tín dụng.

Bản thân Mai sử dụng các tài sản chưa đủ tính pháp lý để thế chấp, đảm bảo cho các khoản vay; sử dụng biên bản họp Hội đồng quản trị giả để giao dịch vay vốn ngân hàng.

Ông Trần Phương Bình bị cáo buộc chỉ đạo DAB chi nhánh Hà Nội giúp Mai vay tiền vì không muốn Công ty An Phát "đảo nợ cũ", tránh cho DAB tăng nợ xấu. Còn Nguyễn Thị Kim Xuyến giúp Mai vì có quan hệ và chính Xuyến góp 5% cổ phần vào Công ty An Phát để đầu tư Dự án Đồi 79 mùa xuân (ở huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc).

Ngoài ra, cơ quan truy tố cho rằng trong năm 2008, bị cáo Mai ký khống hợp đồng thể hiện Công ty An Phát vay 185.000 chỉ vàng của Ngân hàng DAB nhưng thực tế không có khoản vay này, vàng cũng chưa được giải ngân. Việc ký hợp đồng khống để nhằm giúp Trần Phương Bình che giấu số vàng làm thất thoát của DAB. Đây cũng là lý do để sau này Trần Phương Bình “nể nang” Mai, giúp nữ doanh nhân này vay tiền, dẫn đến DAB thất thoát 184 tỷ đồng.

Các cổ đông Công ty An Phát cũng chịu thiệt hại, nên bà Trương Kim Bích (thành viên HĐQT Công ty) gửi đơn đến cơ quan điều tra tố cáo hành vi của Phan Thúy Mai và nhóm cán bộ DAB.

Nhóm bị cáo tại tòa.

Vay vàng khống để kêu gọi đầu tư?

Trả lời HĐXX, bị cáo Phan Thúy Mai khai mục đích ký hợp đồng 'khống' vay vàng nhằm để kêu gọi nhà đầu tư ở Hồng Kông đầu tư vào công ty.

Còn về việc vay tiền của DAB, bị cáo Mai trình bày, Công ty An Phát có vay tiền của ngân hàng từ năm 2007 với rất nhiều khoản vay. Đến thời điểm này, bà không nhớ tất cả bao nhiêu hợp đồng, chỉ nhớ rằng, tổng dư nợ còn 184 tỷ đồng.

Ngoài vay trực tiếp từ DAB, Công ty An Phát của Mai thông qua Công ty Tràng An (nhà thầu thi công xây dựng thô cho dự án Đồi 79 Mùa Xuân) vay của DAB 18 tỷ đồng. Sau khi nhận tiền, phía Tràng An chuyển cho An Phát sử dụng.

Giải thích về việc thông qua Tràng An vay tiền, bị cáo Mai cho biết vì đang cần gấp, việc vay này cũng do phía Ngân hàng DAB nói "nếu có đối tác đang thi công, An Phát có thể bảo lãnh để vay". Sau đó, ngân hàng hướng dẫn làm thủ tục.

Khi HĐXX chất vấn, ngày 19/5/2010, bà Trương Kim Bích (thành viên HĐQT Công ty An Phát) có làm đơn ra DAB nói bị giả mạo chữ ký, ông Trần Phương Bình làm văn bản tạm dừng giải ngân cho Công ty An Phát, tại sao sau năm 2010 công ty vẫn được giải ngân? Bị cáo Mai trả lời rằng, do bản thân thế chấp tài sản cá nhân để đóng lãi cho ngân hàng.

Cũng trong phần xét hỏi chiều nay, các bị cáo Nguyễn Minh Hoàng, Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Thị Ngọc Anh (đều là cán bộ, nhân viên của DAB chi nhánh Hà Nội) khai rằng, họ tiếp nhận và xử lý hồ sơ cho Công ty An Phát nhưng do nghiệp vụ chưa vững, dẫn đến vi phạm pháp luật.

Riêng bị cáo Hoàng thừa nhận, quá trình làm việc, cả chi nhánh DAB Hà Nội đều chịu sức ép rất lớn từ bà Nguyễn Thị Kim Xuyến.

Cũng tại phiên tòa, bị cáo Mai thừa nhận biết ông Trần Phương Bình từ năm 2014, song phủ nhận mối quan hệ thân thiết với bà Nguyễn Thị Kim Xuyến.

Hoàng An

Tiền phong

Các tin tức khác

>   Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy chuyển đổi số (16/06/2022)

>   Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á vắng mặt tại phiên xét xử làm thất thoát 184 tỷ đồng (16/06/2022)

>   Ngân hàng số - Trụ cột trong chiến lược phát triển của NCB (16/06/2022)

>   Vì sao ngân hàng cần duy trì cơ chế 'room tín dụng'? (16/06/2022)

>   Phá 'ổ' cho vay lãi 40%/tháng, nạn nhân là hơn 1.000 người nghèo ở TPHCM (16/06/2022)

>   Tín dụng tăng 8.15% so với cuối năm ngoái (15/06/2022)

>   Ngân hàng bắt đầu lên kế hoạch triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% (15/06/2022)

>   M&A tài chính ngân hàng sẽ sôi động trở lại (15/06/2022)

>   Hoàn thiện Luật Phòng, chống rửa tiền để ngăn chặn các hình thức rửa tiền mới (14/06/2022)

>   Sacombank tuyển dụng tập trung 300 nhân sự trên toàn quốc (14/06/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật