Thứ Sáu, 17/06/2022 14:28

Cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á bị đề nghị 14 - 15 năm tù trong vụ án thứ 3

Với cáo buộc sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại 184 tỷ đồng, ông Trần Phương Bình, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á bị Viện KSND TP Hà nội đề nghị mức án 14 - 15 năm tù.

Trưa 17/6, sau hơn một ngày xét hỏi, đại diện Viện KSND Hà Nội công bố bản luận tội, đề nghị mức án với 10 bị cáo trong sai phạm tại Ngân hàng Đông Á (DAB).

Theo đó, Viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên ông Trần Phương Bình, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng DAB và bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, cựu Phó tổng giám đốc, cùng mức án 14 - 15 năm tù về tội “Vi phạm quy định về hoạt động Ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, theo Khoản 4 Điều 206 Bộ luật Hình sự.

Tổng hợp với hai án tù chung thân trong các vụ án trước đều về sai phạm dẫn tới thất thoát tiền của DAB, ông Bình tiếp tục bị đề nghị án chung thân, còn bà Xuyến bị đề nghị tổng mức 30 năm tù.

Hai bị cáo trên đều có đơn xin xét xử vắng mặt với lý do sức khỏe và được HĐXX chấp nhận. Trong các biên bản hỏi cung được Chủ tọa Trần Thị Tâm công bố trong ngày xét xử đầu tiên, ông Bình và bà Xuyến đều thừa nhận hành vi như cáo buộc, mong muốn nhận được mức án khoan hồng của pháp luật.

8 bị cáo còn lại, trong đó có bà Phan Thúy Mai (cựu Giám đốc Công ty An Phát) bị Viện KSND TP Hà Nội đề nghị mức án từ 2 năm tù treo đến 9 năm tù giam, cùng tội danh.

Đại diện Viện KSND TP Hà Nội nêu quan điểm luận tội.

Về dân sự, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên Công ty An Phát phải bồi thường cho Ngân hàng DAB 108 tỷ đồng, các bị cáo phải liên đới bồi thường 76 tỷ đồng còn lại; đồng thời, tuyên trả 123 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty An Phát, bị các bị cáo sử dụng làm tài sản đảm bảo trong các hợp đồng vay vốn trái pháp luật.

Trong vụ án này, Viện kiểm sát cáo buộc, các bị cáo Trần Phương Bình, Nguyễn Thị Kim Xuyến với tư cách là Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc của DAB là người chịu trách nhiệm chính đã phê duyệt trái pháp luật các khoản tín dụng để DAB chi nhánh Hà Nội giải ngân cho Công ty An Phát.

Ngoài ra, do có quan hệ thân thiết, bị cáo Bình và Xuyến đã chỉ đạo các nhân viên chi nhánh DAB Hà Nội phải thực hiện giải ngân, bỏ qua các quy trình thẩm định, không thực hiện đúng các thủ tục giao dịch đảm bảo để Công ty An Phát được giải ngân các khoản tín dụng rất lớn.

Bị cáo Phan Thúy Mai, bị cáo buộc sử dụng các tài liệu giả chữ ký của các cổ đông để thế chấp tài sản, không có sự đồng ý của các cổ đông; lợi dụng mối quan hệ thân thiết với Trần Phương Bình và Nguyễn Thị Kim Xuyến, vận động để Bình, Xuyến chỉ đạo Chi nhánh DAB Hà Nội giải ngân nhanh, sai quy định. Song tại tòa, bị cáo Mai lại không thừa nhận, cho rằng chỉ làm theo hướng dẫn thủ tục từ phía ngân hàng, vay vốn đúng quy định luật doanh nghiệp và quy định ngân hàng, không được hưởng lợi.

Cựu Giám đốc Công ty An Phát còn khai thêm mục đích ký hợp đồng 'khống' vay 185.000 chỉ vàng của Ngân hàng DAB nhằm để kêu gọi nhà đầu tư ở Hồng Kông đầu tư vào công ty. Việc vay mượn vàng này đang được cơ quan điều tra làm rõ.

Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2007-2014, bị can Phan Thúy Mai đã lợi dụng mối quan hệ thân thiết để vận động Tổng giám đốc DAB Trần Phương Bình và Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thị Kim Xuyến chỉ đạo chi nhánh DAB Hà Nội làm hồ sơ nhanh chóng, bỏ qua các quy trình thẩm định, không thực hiện đúng thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo, để Công ty An Phát được giải ngân khoản tín dụng.

Bản thân Mai sử dụng các tài sản chưa đủ tính pháp lý để thế chấp, đảm bảo cho các khoản vay; sử dụng biên bản họp Hội đồng quản trị giả để giao dịch vay vốn ngân hàng.

Ông Trần Phương Bình bị cáo buộc chỉ đạo DAB chi nhánh Hà Nội giúp Mai vay tiền vì không muốn Công ty An Phát "đảo nợ cũ", tránh cho DAB tăng nợ xấu. Còn Nguyễn Thị Kim Xuyến giúp Mai vì có quan hệ và chính Xuyến góp 5% cổ phần vào Công ty An Phát để đầu tư Dự án Đồi 79 mùa xuân (ở huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc).

Ngoài ra, cơ quan truy tố cho rằng trong năm 2008, bị cáo Mai ký khống hợp đồng thể hiện Công ty An Phát vay 185.000 chỉ vàng của Ngân hàng DAB nhưng thực tế không có khoản vay này, vàng cũng chưa được giải ngân. Việc ký hợp đồng khống để nhằm giúp Trần Phương Bình che giấu số vàng làm thất thoát của DAB. Đây cũng là lý do để sau này Trần Phương Bình “nể nang” Mai, giúp nữ doanh nhân này vay tiền, dẫn đến DAB thất thoát 184 tỷ đồng. Các cổ đông Công ty An Phát cũng chịu thiệt hại, nên bà Trương Kim Bích (thành viên HĐQT Công ty) gửi đơn đến cơ quan điều tra tố cáo hành vi của Phan Thúy Mai và nhóm cán bộ DAB.

Hoàng An

Tiền phong

Các tin tức khác

>   Hỗ trợ lãi suất có phải là nới lỏng tiền tệ? (17/06/2022)

>   Cái lý của ngân hàng khi không chia cổ tức (17/06/2022)

>   Thẻ tín dụng quốc tế Sacombank JCB - Miễn phí chuyển đổi trả góp 0%  (17/06/2022)

>   Chọn lọc dự án để 'bơm' tín dụng vì BĐS là lĩnh vực rủi ro, biến động lớn (17/06/2022)

>   Chủ doanh nghiệp khai mục đích vay ‘khống’ 185.000 chỉ vàng tại Ngân hàng Đông Á (16/06/2022)

>   Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy chuyển đổi số (16/06/2022)

>   Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á vắng mặt tại phiên xét xử làm thất thoát 184 tỷ đồng (16/06/2022)

>   Ngân hàng số - Trụ cột trong chiến lược phát triển của NCB (16/06/2022)

>   Vì sao ngân hàng cần duy trì cơ chế 'room tín dụng'? (16/06/2022)

>   Phá 'ổ' cho vay lãi 40%/tháng, nạn nhân là hơn 1.000 người nghèo ở TPHCM (16/06/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật