Cao tốc Bắc – Nam chật vật vì giá leo thang
Giá nhiên, vật liệu tăng cao tiếp tục làm ảnh hưởng tới chi phí đầu tư, tiến độ thi công công trình giao thông, đặc biệt là dự án lớn như cao tốc Bắc – Nam phía Đông đang thi công và chuẩn bị khởi công một số đoạn cuối năm nay. Bộ Xây dựng cũng vừa lập đoàn kiểm tra 7 địa phương về quản lý giá vật liệu xây dựng.
“Dừng cũng chết, thi công cũng chết”
Một số đoạn cao tốc Bắc - Nam đang thi công đang đối mặt sức ép lớn do giá xăng dầu, vật liệu xây dựng tăng cao so với thời điểm ký hợp đồng, đặc biệt với 4 đoạn phải hoàn thành cuối năm nay. Các nhà thầu chịu sức ép phải đảm bảo tiến độ, nhưng càng làm càng lỗ.
Một nhà thầu cho biết: “Giá vật liệu xây dựng tăng suốt từ năm ngoái đến nay. Nhà thầu thi công lỗ từ đó đến giờ. Hiện, chúng tôi dừng thi công cũng chết, thi công cũng chết”.
Nhiều đoạn cao tốc Bắc - Nam, các nhà thầu thi công cầm chừng vì giá vật liệu tăng cao. Ảnh: M.T
|
Các Ban quản lý dự án của Bộ GTVT (đại diện chủ đầu tư) cho biết, từ cuối năm 2020 (thời điểm ký hợp đồng thi công một số đoạn cao tốc Bắc - Nam) tới tháng 4/2022, các loại vật liệu xây dựng, nhiên liệu tăng cao. Cụ thể, đất đắp nền đường tăng 30-40%; cát, đất, xi măng tăng 25-30%; sắt thép tăng 30-40% (một số thời điểm tăng trên 80%); dầu diezel tăng 30-50% (một số thời điểm tăng tới 90%). Biến động giá nhiên, vật liệu khiến giá thành các gói thầu xây lắp cao tốc Bắc- Nam tăng so với giá hợp đồng đã ký trước đó từ 12 đến 18% cho phần khối lượng xây lắp còn lại để hoàn thành công trình.
Tại dự án đoạn cao tốc Nghi Sơn-Diễn Châu, đất đắp nền tăng từ 53 lên hơn 62 nghìn đồng/m3, cát tăng từ 187 lên hơn 288 nghìn đồng/m3, đá dăm (1x2) tăng từ 230 lên 440 nghìn đồng/m3, dầu diesel tăng từ 11 lên hơn 19 nghìn đồng/lít...; Đoạn Vĩnh Hảo- Phan Thiết, đất đắp tăng từ 81 lên 135 nghìn đồng/m3 lên mức từ 127 đến 166 nghìn đồng/m3...; Đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, đất đắp nền tăng từ 60 đến 85 nghìn đồng/m3 lên 129 đến 158 nghìn đồng/m3, cát tăng từ 280 lên 425 nghìn đồng/m3, nhựa đường tăng từ 11 lên 14 nghìn đồng/kg...
Trong báo cáo mới đây gửi Chính phủ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, thời gian qua, giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng tăng đột biến. Điều này gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc quản lý giá thành, quản lý chi phí đầu tư xây dựng; nhà thầu gặp khó trong thi công, đặc biệt là với các gói thầu dự án lớn. Trong khi đó, giá sắt thép, nhựa đường, nhiên liệu (chạy máy), đất, đá, cát, sỏi... chiếm 50-65% giá thành công trình xây dựng. Thời gian qua, các công trình giao thông lớn đồng loạt khởi công, nhu cầu sử dụng vật liệu khối lượng lớn, thi công trong thời gian ngắn, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung vật liệu, giá tăng cao. Cùng với đó là tác động của giá nhiên, vật liệu thế giới liên tục bị đẩy lên mức cao mới.
Việc xác định giá để ký hợp đồng và giá điều chỉnh căn cứ theo công bố giá vật liệu xây dựng của địa phương. Thời gian qua, theo ông Đông, nhiều địa phương có dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua ban hành thông báo giá, chỉ số giá chưa kịp thời, chưa đầy đủ. Dẫn tới chủ đầu tư và nhà thầu gặp khó trong xây dựng giá, tổng mức đầu tư; tiềm ẩn rủi ro giá vật liệu tăng cao vượt dự toán gói thầu, vượt tổng mức đầu tư, nguy cơ phải điều chỉnh chủ trương đầu tư; thủ tục đầu tư dự án bị kéo dài; việc điều chỉnh giá trên hợp đồng không sát thực tế... “Do giá vật liệu tăng cao và những bất cập trên, nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng, chờ giá xuống, làm ảnh hưởng đến tiến độ và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công”, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá.
Bộ Xây dựng vào cuộc
Để tháo gỡ khó khăn cho các dự án giao thông lớn đang thi công, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương có giải pháp bình ổn giá vật liệu xây dựng; nghiên cứu giảm thuế, phí các doanh nghiệp xây lắp để giảm tác động từ giá nhiên, vật liệu tăng cao. Đặc biệt, Bộ Xây dựng cần đôn đốc, hướng dẫn các địa phương xây dựng và công bố giá vật liệu xây dựng hằng tháng, theo đúng giá thị trường.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay, với 4 đoạn cao tốc Bắc - Nam phải hoàn thành cuối năm nay, để đẩy nhanh tiến độ thi công, vừa qua các ban quản lý dự án đã triển khai rất nhiều giải pháp bù khối lượng sau khi gặp khó khăn về vật liệu được giải quyết, thời tiết thuận lợi. Một số nhà thầu thi công chậm đã bị cắt khối lượng để chuyển cho các nhà thầu khác.
Trước tình trạng “bão giá” vật liệu xây dựng tại nhiều địa phương, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng vừa lập đoàn kiểm tra việc quản lý giá vật liệu xây dựng, đơn giá xây dựng tại 7 địa phương, gồm: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Đồng Nai, Lâm Đồng, Cần Thơ, Tiền Giang. Thời gian kiểm tra trong nửa cuối năm nay. Đoàn kiểm tra do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh làm trưởng đoàn. Mục tiêu kiểm tra để chỉ ra những mặt hạn chế, yếu kém, vướng mắc trong quản lý nhà nước về chi phí hợp đồng xây dựng, qua đó chấn chỉnh, đề xuất giải pháp để quản lý.
Thứ trưởng Minh cho biết, trước đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện kiểm soát giá, ngăn tăng giá, đầu tư, thổi giá...
NGỌC MAI BỐN VIỆT
Tiền phong
|