TP.HCM muốn phát triển nhà ở dọc metro trong 8 năm tới
TP.HCM định hướng phát triển nhà ở tại các khu vực dọc theo điểm kết nối 3 tuyến metro 1, 2, 3A và các đường vành đai.
Từ nay đến 2030, TP.HCM chia 2 giai đoạn phát triển nhà ở. Cụ thể ở 3 năm tới, thành phố định hướng xây nhà tại các khu vực dọc theo điểm kết nối giao thông công cộng trọng điểm như metro số 1 (hướng đông TP Thủ Đức), metro số 2 (hướng Bắc gồm quận Tân Phú, 12), metro 3A (hướng Tây gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh).
TP.HCM đặt mục tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố đạt 23,5 m2/người. Tổng diện tích nhà ở tăng thêm giai đoạn 2021-2025 đạt 50 triệu m2 sàn, tương đương 367 căn nhà.
Metro số 1 đi qua TP Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Danh.
|
Ở giai đoạn tiếp theo, 2026-2030, TP.HCM tiếp tục định hướng phát triển nhà ở cũng dọc theo các điểm kết nối giao thông trọng điểm, đặc biệt chú trọng phát triển nhà ở tại các quận nội thành; đồng thời quy hoạch, tạo quỹ đất phát triển dự án ở khu vực ngoại thành; ưu tiên phát triển dự án nhà giá rẻ, phục vụ người lao động di cư đến TP.HCM. Chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố đạt 26,5 m2/người.
Về giải pháp, TP.HCM ưu tiên tăng mật độ xây dựng đối với các dự án cải tạo, thay mới chung cư cũ trước 1975 và các chung cư hỏng nặng hiện nay. Hai là tập trung chỉnh trang, nâng cấp đô thị theo hướng hiện đại, hoàn thiện các dự án dở dang, dự án nhà ven kênh rạch đối với khu vực nội thành hiện hữu (quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh).
Đối với khu vực nội thành phát triển (quận 7, 12, Bình Tân, TP Thủ Đức), thành phố ưu tiên phát triển các dự án xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng; nhà ở xã hội phục vụ nhóm hưởng chính sách.
Còn khu vực ngoại thành (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ), thành phố sẽ phát triển nhà theo dự án tại các thị trấn, khu dân cư nông thôn; khu du lịch ở kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng, khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh.
Khu vực ngoại thành cũng được định hướng tập trung quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, kết hợp khai thác hệ thống metro, đường vành đai.
Những nội dung này nằm trong chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021-2030 của Sở Xây dựng gửi UBND TP.HCM.
Khu vực ngoại thành Củ Chi. Ảnh: Quỳnh Danh.
|
Theo dự báo của Sở Xây dựng TP.HCM, nhu cầu nhà ở cần tăng thêm của toàn thành phố trong giai đoạn 2021-2025 là 50 triệu m2 sàn, giai đoạn 2026-2030 là 57,5 triệu m2 sàn.
Năm 2025, TP.HCM phát triển 40,7 triệu m2 sàn đối với nhà ở thấp tầng, bao gồm nhà ở trong dự án và nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình. Còn nhà chung cư cao tầng là 9,3 triệu m2 sàn. 8 năm tiếp theo, chỉ số nhà ở thấp tầng tăng lên 44,7 triệu m2 sàn, còn chung cư cao tầng là 12,8 triệu m2 sàn.
Dự kiến nguồn vốn phát triển nhà ở bằng nguồn vốn đầu tư doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng; đối với nhà ở riêng lẻ thực hiện bằng vốn tích lũy thu nhập của các hộ gia đình. Riêng công trình nhà ở xã hội thực hiện bằng nguồn vốn chủ yếu từ xã hội hóa của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng ưu đãi, ngân hàng chính sách xã hội, một phần nhỏ từ vốn ngân sách... (chiếm khoảng 10%, tương đương 3.770 tỷ đồng ở giai đoạn 2021-2025 và 8.640 tỷ đồng ở giai đoạn 2026-2030).
Thư Trần
Zing.vn
|