Thứ Hai, 09/05/2022 06:33

Toyota, Honda, Nissan vật lộn trước cơn bão giá cả

Giá nguyên liệu thô và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng buộc các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản phải giảm sản lượng.

Theo Nikkei Asian Review, tình trạng đồng yên (JPY) suy yếu, chi phí nguyên liệu tăng cao và gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ là 3 yếu tố chi phối doanh thu của các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản trong tuần tới.

Trong năm tài chính 2021 kết thúc vào tháng 3, Toyota, Nissan và Honda dự kiến ghi nhận con số vừa phải trong báo cáo lợi nhuận. Thay vào đó, các hãng sẽ tập trung phần lớn nguồn lực vào triển vọng trong năm tới.

Việc JPY suy yếu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản. Trái với khảo sát của ngân hàng trung ương, các công ty dự kiến tỷ giá hối đoái trong năm 2022 sẽ là 111,93 JPY đổi 1 USD. Tuy nhiên, sau khi cuộc khảo sát được đưa ra, đồng JPY đã mất giá mạnh và chạm mức 130 JPY đổi 1 USD.

Đây có thể là tin tốt cho các nhà sản xuất ôtô. Theo báo cáo của Daiwa Securities, lợi nhuận hàng năm của Toyota sẽ tăng 48 tỷ JPY mỗi năm nếu đồng nội tệ này tăng thêm 1 đơn vị so với USD. Con số này đối với Nissan và Honda lần lượt là 13 tỷ JPY và 12 tỷ JPY.

Do đó, dự báo lợi nhuận của các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản có thể thay đổi đáng kể tùy thuộc vào tỷ giá hối đoái.

“Tăng trưởng lợi nhuận phụ thuộc vào sự giảm giá của đồng JPY. Đồng JPY yếu sẽ thúc đẩy giá một số bộ phận và nguyên liệu sản xuất nhập khẩu tăng cao, nhưng lợi ích của tình trạng đồng JPY yếu sẽ lớn hơn nhiều so với những tác động tiêu cực này”, Koichi Sugimoto, nhà phân tích của Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities, nhận định.

Các hãng xe Nhật Bản gặp khó ảnh 1

Nhu cầu tăng cao nhưng các hãng vẫn phải cắt giảm sản lượng. Ảnh: JapanTimes.

Tuy nhiên, chi phí nguyên vật liệu vẫn quan trọng. Giá hàng hóa vốn có xu hướng tăng cao từ trước khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra. Đến nay, tình trạng này tiếp tục tệ hơn và đẩy giá các loại nguyên liệu thô như thép, nhôm và kim loại quý như palladium tăng mạnh.

Daiwa Securities ước tính tác động của chi phí nguyên vật liệu lên lợi nhuận đang tăng mạnh. Trong năm tài chính 2020 kết thúc vào tháng 3, giá nguyên liệu đã hạn chế lợi nhuận của các hãng sản xuất từ 10.000-20.000 JPY/xe. Năm kế tiếp, con số này rơi vào khoảng 70.000-80.000 JPY.

Nếu giá đầu vào vẫn giữ như hiện nay, thiệt hại có thể dao động khoảng 60.000 JPY/xe.

Nhà phân tích Eiji Hakomori của Daiwa Securities cho biết nếu bao hàm cả sự gia tăng giá của các sản phẩm liên quan đến dầu thô, chất bán dẫn cũng như chi phí hậu cần, tác động của giá nguyên liệu đối sẽ ngang bằng hoặc thậm chí cao hơn mức ghi nhận trong năm tài chính 2021.

Vấn đề lớn thứ ba mà các nhà sản xuất ôtô phải đối mặt trong năm tới là sự gián đoạn chuỗi cung ứng, bao gồm cả tác động kéo dài của tình trạng thiếu chất bán dẫn toàn cầu.

Bất chấp nhu cầu tăng mạnh, tình trạng thiếu chip và linh kiện khiến nhiều hãng phải cắt giảm sản lượng trong năm qua. Sản lượng toàn cầu của 8 nhà sản xuất ôtô Nhật Bản trong năm tài chính 2021 kết thúc vào tháng 3 đạt 23 chiếc, giảm 0,4% so với năm trước đó và thấp hơn 10% so với năm tài chính 2019.

Dù bắt đầu nhen nhóm phục hồi, sản lượng của các hãng vẫn bị ảnh hưởng do Trung Quốc phong tỏa. Trước tình trạng thiếu chất bán dẫn kéo dài, Toyota đã phải điều chỉnh 10% kế hoạch sản xuất giai đoạn từ tháng 4-6.

Minh Khánh

Zing.vn

Các tin tức khác

>   Mỹ có thể tránh được một cuộc suy thoái kép? (07/05/2022)

>   Kinh tế Trung Quốc trả giá đắt khi mạnh tay siết tín dụng bất động sản (07/05/2022)

>   Gánh nặng lạm phát cho thế giới khi EU cấm dầu Nga (06/05/2022)

>   Nhiều nước có nguy cơ vỡ nợ trước sự thắt chặt chính sách của Fed (06/05/2022)

>   NHTW Anh nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 13 năm, dự báo lạm phát chạm 10% (06/05/2022)

>   Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên tiếng về chính sách zero-COVID (06/05/2022)

>   Giá hàng hóa tăng vọt, các gã khổng lồ dầu khí lãi đậm (06/05/2022)

>   Lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ lên gần mức 70% (05/05/2022)

>   Kinh tế giảm tốc, Trung Quốc phải nương tay với đại gia công nghệ (05/05/2022)

>   Chuyện gì xảy ra khi EU chấm dứt nhập khẩu dầu Nga? (05/05/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật