Thứ Bảy, 07/05/2022 08:33

Mỹ có thể tránh được một cuộc suy thoái kép?

Giới quan sát lo ngại rằng với kế hoạch nâng lãi suất của Fed, kinh tế Mỹ sẽ trải qua suy thoái kép như những năm 1980. Fed cần hành động quyết liệt để tránh lặp lại kịch bản này.

Theo CNN, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dường như đã sẵn sàng bước vào một cuộc chiến chống lạm phát. Tuy nhiên, vào đầu những năm 1980, Fed cũng nâng lãi suất nhằm đối phó với tình trạng giá cả tăng vọt. Hệ quả kéo theo là nền kinh tế Mỹ trải qua liên tiếp nhiều đợt suy thoái.

Câu hỏi đặt ra là kịch bản này có thể lặp lại không. Hôm 4/5, Fed thông báo nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm. Đây là mức tăng mạnh nhất trong vòng 22 năm.

Trong cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết việc nâng lãi thêm 0,5 điểm phần trăm sẽ vẫn được cân nhắc ở vài kỳ họp tới. Họ không muốn nâng mạnh hơn mức này.

FED ảnh 1

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vừa thông báo nâng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm. Đây là mức tăng mạnh nhất trong vòng 22 năm. Ảnh: Reuters.

Kịch bản suy thoái kép

Nhưng giá cổ phiếu đã sụt giảm mạnh trong phiên giao dịch hôm 5/5, xóa sạch mức tăng ở phiên trước đó. Chỉ số Dow Jones mất hơn 1.000 điểm, tương đương 3,12%, xuống 32.997. Chỉ số NASDAQ chứng kiến mức giảm mạnh nhất (tính theo tỷ lệ phần trăm) với 4,99% còn 12.317. Chỉ số S&P 500 thu hẹp 3,56% về 4.146.

Một số nhà kinh tế và chiến lược gia lo ngại rằng với các đợt nâng lãi suất của Fed, một cuộc suy thoái trong ngắn hạn là không thể tránh khỏi. Nhưng nếu Fed giảm tốc độ tăng lãi suất trong tương lai, rủi ro lạm phát có thể trở lại và dẫn tới một đợt suy thoái dài, sâu rộng hơn.

CNN nhận định đó là kịch bản suy thoái kép đáng lo ngại. Hồi năm 1980, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã trải qua một đợt suy thoái trong 6 tháng. Nhưng theo sau đó là cuộc suy thoái kéo dài 16 tháng từ mùa hè năm 1981 đến mùa thu năm 1982.

Một cuộc suy thoái kép có thể xảy ra nếu Fed chần chừ trong việc kiểm soát lạm phát

Bà Seema Shah, chiến lược gia toàn cầu trưởng của hãng Principal Global Investors

"Một cuộc suy thoái kép có thể xảy ra nếu Fed chần chừ trong việc kiểm soát lạm phát", bà Seema Shah, chiến lược gia toàn cầu trưởng của hãng Principal Global Investors, nhận định.

"Fed cần phải hành động quyết liệt. Nếu họ dừng lại quá sớm, lạm phát sẽ có khả năng bùng phát trở lại. Giai đoạn đầu của thập niên 80 là một minh chứng rõ ràng", bà nói thêm.

"Lẽ ra Fed nên tận dụng cơ hội để nâng lãi suất sớm. Họ muốn làm nhiều điều vào thời điểm này, nhưng mọi thứ gần như đã quá muộn", ông Johan Grahn - Phó chủ tịch tại AllianzIM - nhận định.

"Họ đã không thể đón đầu làn sóng tăng giá. Nên giờ đây, họ phải hành động mạnh tay với việc nâng lãi suất", ông nói thêm.

Nói với các phóng viên hôm 4/5, Chủ tịch Fed Powell khẳng định rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể giúp nền kinh tế "hạ cánh an toàn". Điều đó có nghĩa là việc nâng lãi suất có khả năng chậm lại, nhưng không làm trật bánh tăng trưởng kinh tế.

Nhưng giới quan sát nghi ngờ về điều này. Ông Daniel Dolan - nhà sáng lập của Dolan McEniry - cho rằng mọi người nên chuẩn bị cho một cú tiếp đất khẩn cấp. "Một cuộc suy thoái kép có khả năng xảy ra", ông cảnh báo.

Khó "hạ cánh an toàn"

Fed cũng cần trấn an các nhà đầu tư và người tiêu dùng. Sẽ phải mất vài tháng để việc nâng lãi suất của Fed bắt đầu tác động tới giá cả và chi tiêu của người tiêu dùng.

Nếu Fed thiếu thận trọng và tiếp tục nâng lãi suất trong thời gian dài, nền kinh tế có thể chậm lại. Tuy nhiên, đà giảm sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Trong khi đó, lãi suất đi lên có thể giúp Fed đạt được mục tiêu.

Đó là đưa giá cả trở về mức bình thường và kiểm soát lạm phát ở mức 2-3% hàng năm.

Dù vậy, giới quan sát vẫn lo ngại về việc Fed sẽ sớm dừng nâng lãi suất. Bởi họ cho rằng chỉ cần giảm tỷ lệ lạm phát xuống khoảng 3-4% là đủ để giữ nền kinh tế phát triển. Đáng nói, theo một số chuyên gia, chính điều đó có thể dẫn tới suy thoái sâu hơn.

FED ảnh 2

Fed nâng lãi suất sau khi chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ. Ảnh: Reuters.

"Chúng tôi cho rằng suy thoái kép sẽ là một kịch bản tiềm năng. Không có nghi ngờ gì về điều đó", ông Dean Smith - chiến lược gia trưởng của FolioBeyond, một công ty đầu tư quản lý Rising Rates ETF - cho biết.

"Dựa vào những động thái chống lạm phát của Fed, không có bằng chứng nào cho thấy cơ quan này có thể giải quyết mọi thứ một cách ổn thỏa", ông nhận định.

"Không có cách nào để kiểm soát lạm phát. Cách duy nhất để khắc phục vấn đề là nâng lãi suất cho đến khi điều đó làm tổn thương nền kinh tế", vị chuyên gia giải thích.

Nhưng Fed muốn "hạ cánh an toàn", tức có thể giảm tốc độ nâng lãi suất. Trong những năm qua, ông Powell thường công khai rõ ràng về những gì ngân hàng trung ương Mỹ sẽ làm và không làm. Vì vậy, các động thái tiếp theo của cơ quan này không còn là bí ẩn.

Thảo Phương

Zing.vn

Các tin tức khác

>   Kinh tế Trung Quốc trả giá đắt khi mạnh tay siết tín dụng bất động sản (07/05/2022)

>   Gánh nặng lạm phát cho thế giới khi EU cấm dầu Nga (06/05/2022)

>   Nhiều nước có nguy cơ vỡ nợ trước sự thắt chặt chính sách của Fed (06/05/2022)

>   NHTW Anh nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 13 năm, dự báo lạm phát chạm 10% (06/05/2022)

>   Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên tiếng về chính sách zero-COVID (06/05/2022)

>   Giá hàng hóa tăng vọt, các gã khổng lồ dầu khí lãi đậm (06/05/2022)

>   Lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ lên gần mức 70% (05/05/2022)

>   Kinh tế giảm tốc, Trung Quốc phải nương tay với đại gia công nghệ (05/05/2022)

>   Chuyện gì xảy ra khi EU chấm dứt nhập khẩu dầu Nga? (05/05/2022)

>   Lạm phát tại Anh cao nhất trong hơn 10 năm (05/05/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật