Nâng hạng thị trường chứng khoán: Cần thay đổi về “chất”
Theo chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam cần có sự thay đổi về chất, không hình thức, không hành vi thao túng, không bán chui,... thì việc nâng hạng mới có thể thực hiện được.
Thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng lớn bởi dòng tiền và sự tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào câu chuyện tiền vào - tiền ra, cho dù là nhà đầu tư trong nước hay nhà đầu tư nước ngoài
|
Tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết, để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, nhằm thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.
5 yếu tố xếp hạng quan trọng
Có thể thấy, ở thị trường chứng khoán có ba cấp độ bao gồm thị trường cận biên, thị trường mới nổi và thị trường phát triển. Các cấp độ này phản ánh sự phát triển chuẩn hóa của một thị trường chứng khoán để từ đó, các nhà đầu tư trên toàn cầu, đặc biệt là các quỹ đầu tư lớn có cơ sở phân bổ vốn đầu tư của mình ở các thị trường với các cấp độ khác nhau.
Ông Phan Lê Thành Long
|
Đến nay, có một số tổ chức xếp hạng các thị trường chứng khoán gồm ba tổ chức uy tín nhất trên thị trường đó là tổ chức xếp hạng toàn cầu của Mỹ (MSCI); tổ chức xếp hạng thuộc Sở Giao dịch Chứng khoán London (FTSE) và S&P Global. Tuy nhiên tổ chức xếp hạng mà Việt Nam mong muốn và tập trung nhiều nhất là MSCI.
Về điều này, ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc tại Việt Nam đánh giá, nếu thị trường chứng khoán của một quốc gia rơi vào nhóm xếp hạng của MSCI, ở các cấp độ khác nhau, thì các dòng vốn được phân bổ vào cũng rất khác nhau, trong khi đó, thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng lớn bởi dòng tiền và sự tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào câu chuyện tiền vào - tiền ra, cho dù là nhà đầu tư trong nước hay nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital cũng phân tích, toàn bộ hệ thống xếp hạng, sẽ tập trung vào năm yếu tố như: Một là quy mô của thị trường; Hai là tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; Ba là khả năng tự do chuyển đổi ngoại tệ; Bốn là phương thức thanh toán sau giao dịch; và Năm là các giao dịch bán khống hoặc cho vay trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, mỗi một tổ chức xếp hạng đều sẽ có nhóm chỉ tiêu khác nhau, cụ thể của MSCI có 15 tiêu chí được chia thành ba nhóm: Đầu tiên, là tiêu chí về phát triển kinh tế; Thứ hai là quy mô và thanh khoản thị trường - đây là những yếu tố mang tính định lượng; Thứ ba là tiêu chí khả năng tiếp cận thị trường – là yếu tố định tính. Và theo quy trình của MSCI, sẽ có những bảng đánh giá, khảo sát thực tế với các nhà đầu tư quốc tế về thị trường. Do đó, việc xếp hạng của MSCI không chỉ dựa vào bản thân thị trường đó, mà còn dựa trên kết quả đánh giá của MSCI với các nhà đầu tư quốc tế.
Còn nhiều vướng mắc
Hiện nay Việt Nam về quy mô thanh khoản, nhất là năm 2021 vừa qua dù rất tốt, nhưng chúng ta vẫn còn vướng mắc gì? Trả lời cho câu hỏi này, ông Tuấn cho rằng, quy mô về thanh khoản có 4 tiêu chí là: Số lượng doanh nghiệp đáp ứng các cỡ tiêu chuẩn để đầu tư; Vốn hóa thị trường; Vốn hóa của free float (tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng); và Thanh khoản. Những yếu tố này từ tiệm cận lên mới nổi, chúng ta chỉ cần ba yếu tố và Việt Nam đều đã đáp ứng, nhưng vấn đề chính lại nằm ở các yếu tố định tính, vì trong xếp hạng mới nhất hồi tháng 6/2021, chúng ta cần đi sâu vào 9 tiêu chí chưa đạt, đó mới là những điểm quan trọng.
Ông Nguyễn Minh Tuấn
|
“Tiêu chí đáng chú ý đó là độ mở với việc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, hiện tại chúng ta đang có các vấn đề chính như tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài với một số ngành đang hạn chế; ảnh hưởng của “room” ngoại đối với cả thị trường chứng khoán trong nước, nghĩa là việc quy định “room” ngoại đó có tác động đến sự vận hành của thị trường chứng khoán. Và vấn đề nữa là quyền bình đẳng của các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang bị vướng.
Các vấn đề tiếp theo là sự dễ dàng luân chuyển vốn vào ra, trong đó có mức độ tự do của thị trường ngoại hối. Nếu chúng ta muốn mua ngoại tệ và chuyển đi thì phải gắn với một giao dịch chứng khoán, chứ các quỹ không thể tự mua được. Điều này liên quan đến tài khoản vốn, khi tất cả những giao dịch này đều có báo cáo riêng với Ngân hàng Nhà nước và cũng gắn với chính sách ngoại hối của Việt Nam, nên không chỉ là vấn đề về đầu tư mà còn liên quan đến việc dự trữ ngoại hối, kiểm soát tỷ giá.
Trong khi đó, nếu là nhà đầu tư nước ngoài khi bán được cổ phiếu, thì họ phải rút được tiền ra nhanh chóng, nếu như việc rút tiền chậm và chi phí lớn cũng sẽ là một trở ngại lớn.
Ngoài ra có một số yếu tố như đăng ký của nhà đầu tư và thiết lập tài khoản vẫn đang vướng, vì vẫn phải có sự đồng ý của Trung tâm lưu lý chứng khoán (VSD) với nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời quy định của thị trường là yêu cầu phải công bố thông tin được dịch ra tiếng Anh, nhưng đây cũng đang là một vấn đề lớn.
Còn về hệ thống Lưu ký và thanh toán thì trong năm vừa qua, chúng ta vẫn có tình trạng nghẽn lệnh, đồng thời tổ chức đánh giá yêu cầu phải có công cụ để thấu chi, cũng như các vấn đề về đưa vốn trước phải thanh toán thì Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được.
Cuối cùng là về khả năng chuyển đổi, có những giao dịch không qua sàn, tức là những giao dịch thanh toán bằng hiện vật thì đều cần phải có sự phê duyệt trước của Ủy ban chứng khoán Nhà nước Việt Nam. Đây cũng là điểm rất quan trọng mà chúng ta cần phải quyết liệt thực hiện thì mới có thể tháo gỡ và kịp với kỳ vọng của thị trường là đến năm 2025, mục tiêu có thể lên thị trường mới nổi”, ông Tuấn phân tích.
Giải pháp gỡ vướng
Bổ sung thêm quan điểm của mình, ông Phan Lê Thành Long cho hay, bên cạnh tiêu chí đánh giá thì còn có quy trình đánh giá. Đặc biệt MSCI sẽ khảo sát các nhà đầu tư nước ngoài, vì thế tiêu chí, quy định pháp luật chỉ là một phần, còn khi đã khảo sát các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động ở Việt Nam thì họ sẽ trả lời về tính thực chất, tính công bằng và các nhà đầu tư nước ngoài có được bảo vệ hay không. Nhất là trong bối cảnh vừa qua, có rất nhiều trường hợp giao dịch bán chui, thao túng giá, ép các nhà đầu tư nước ngoài,...
Ngoài việc tháo gỡ các vướng mắc đã nêu trên, các chuyên gia cùng khuyến nghị, Việt Nam cần tập trung vào ba yếu tố quan trọng đó là: Về thanh toán bù trừ, tình trạng nghẽn lệnh tại HoSE đã giải quyết, giao dịch T+0 sẽ sớm được đưa vào áp dụng; Về độ mở thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, thì cần giảm bớt ngành nghề trong danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường; Và về khả năng tiếp cận các văn bản, thì các công ty đại chúng niêm yết cần thực hiện công bố thông tin bằng hình thức song ngữ.
Khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi, dòng vốn mà thị trường đón nhận sẽ là một con số rất khổng lồ. Trong đó, có các lợi ích tiêu biểu như dòng vốn trên thị trường mới nổi thu hút ổn định hơn, được nhiều vốn hơn, hạn chế rủi ro bị rút vốn khi biến động thị trường. Cùng với đó là cải thiện chất lượng môi trường đầu tư bao gồm hệ thống vận hành, khung thể chế, tính minh bạch về thông tin,... Đặc biệt là về tăng trưởng kinh tế, doanh nghiệp trong nước sẽ có thêm nguồn vốn nước ngoài để phục vụ sản xuất kinh doanh.
“Chúng ta cần phải xây dựng một thị trường thực chất hơn, khi có thị trường không chỉ hình thức, không có hành vi thao túng, hay bán chui, khi chúng ta thay đổi về chất của thị trường chứng khoán thì việc nâng hạng mới thực hiện được. Điều đó mang lại giá trị vô cùng to lớn cho toàn bộ thị trường chứng khoán Việt Nam và tất cả những đối tượng, đối tác tham gia thị trường mới là những người được hưởng lợi. Giá trị đó mới lớn, còn những câu chuyện buôn bán “ba chữ cái” không có liên quan gì đến sự tăng trưởng thực sự của thị trường”, ông Phan Lê Thành Long nói.
Diễm Ngọc
Diễn Đàn Doanh Nghiệp
|