Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Muốn có thị trường vốn hiệu quả và bền vững, phải cạnh tranh lành mạnh
Chia sẻ tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng muốn có thị trường vốn hiệu quả và bền vững, phải cạnh tranh lành mạnh.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa
|
Theo Luật sư Trương Trọng Nghĩa: Kinh tế thị trường không thể thiếu thị trường tài chính, bao gồm thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Thị trường vốn phát triển lành mạnh là tiêu chí và điều kiện của một nền kinh tế thị trường phát triển bền vững. Các thành phần tham gia gồm có Nhà nước, doanh nghiệp và cả người dân trong nước và nước ngoài. Cơ quan quản lý nhà nước vừa có chức năng tạo lập thị trường, vừa có chức năng quản lý. Có nghĩa là vừa có vai trò xây dựng thể chế, vừa có vai trò trọng tài, vừa kiến tạo hỗ trợ, vừa giám sát và xử lý.
Khi tạo lập và thúc đẩy thị trường vốn sẽ khiến nền kinh tế phát triển. Doanh nghiệp phải tiếp tục được tạo điều kiện để huy động vốn và tín dụng thông qua thị trường cổ phiếu và trái phiếu, nhưng phải khắc phục sự mất cân đối với thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, khi thị trường phát triển quá nóng và phát sinh tiêu cực thì nên can thiệp, quản lý sự phát triển này.
Mục đích của thị trường vốn là duy trì thị trường phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả nhất cho sự phát triển của nền kinh tế, nếu như mục đích này không đạt thì thị trường vốn sẽ chệch hướng, sẽ trở thành nơi để đánh bạc, để "lướt sóng" thị trường theo kiểu chụp giật hoặc là nơi để các nhóm tài chính thao túng hoặc lừa đảo.
Thị trường tài chính và cả thị trường bất động sản vừa qua phát triển nóng và có lơi lỏng kiểm soát. Cho nên các cơ quan nhà nước cần can thiệp. Tuy nhiên, mọi sự can thiệp đều phải minh bạch, chuyên nghiệp, không nên duy ý chí, chạy theo dư luật nhất thời, cần xét đến quyền lợi của các nhà đầu tư yếu thế, cả trong nước và nước ngoài.
Thị trường vốn và cả thị trường bất động sản phát triển nóng và lơi lỏng kiểm soát không phải là chuyện mới. Tuy nhiên vừa qua, sự can thiệp là hơi chậm, để sai phạm xảy ra mới "thổi còi". Lợi nhuận và lợi ích cá nhân là những đặc trưng cố hữu của kinh tế thị trường, luôn tiềm ẩn những nguy cơ gian lận, vi phạm pháp luật, lừa dối trong cạnh tranh.
Đồng tiền có hai mặt tích cực và tiêu cực. Sự can thiệp nên diễn ra thường xuyên và sớm hơn nhưng phải thông qua các biện pháp và công cụ cảnh báo, giám sát chuyên nghiệp. Nhà nước phải làm tốt vai trò trọng tài, cảnh báo sớm, kịp thời, khi có sai phạm phải xử phạt nghiêm.
Vừa rồi, sự thất vọng của người dân qua vụ Tân Hoàng Minh và FLC, một số vụ khác, xử lý như vậy là nghiêm minh. Tuy nhiên, Tân Hoàng Minh và FLC cũng không đại diện cho tất cả các doanh nghiệp trên thị trường. Do đó, việc thắt chặt huy động vốn tín dụng thông qua thị trường cổ phiếu và trái phiếu về mặt chính sách là chưa cần thiết. Xử lý kịp thời, hợp lý, nghiêm minh rất quan trọng.
Việc xử lý không nên làm đổ vỡ thị trường. Thị trường sẽ tự điều chỉnh, không nên có sự thay đổi đột ngột và đảo chiều về chính sách, tránh tiêu cực lớn hơn với thị trường. Phải rà soát, truy vết, vừa trên diện rộng, vừa trọng tâm, trọng điểm. Khi nào giám sát trên diện rộng, khi nào cần trọng tâm phải cần cách tiếp cận hợp lý, khoa học. Cần tránh dư luận tiêu cực và tâm lý hoang mang, sợ hãi.
Về định hướng phát triển, doanh nghiệp cần được tạo điều kiện huy động vốn và tín dụng thông qua thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Kể cả nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng cần khuyến khích và bảo vệ.
Các thay đổi luật pháp cần hướng đến mục tiêu như trên. Chúng ta chuẩn bị ban hành nghị định về trái phiếu, cần lưu ý như sau. Mục đích sử dụng vốn trái phiếu còn quá hạn chế, ví dụ như không cho phép mua cổ phần... Tiêu chuẩn cho nhà đầu tư chuyên nghiệp và cá nhân còn quá đơn giản… Không nên có sự phân biệt giữa quản lý trái phiếu trong nước và nước ngoài. Việc làm hệ số tín nhiệm cần xem xét, cần có công ty chuyên nghiệp và tuân thủ pháp luật. Do đó, trong việc giám sát, quản lý trái phiếu cần kết hợp nhiều biện pháp.
Cần xử lý có quan hệ phức tạp và đan xen, giữa quan hệ dân sự, quan hệ hành chính, quan hệ hình sự. Không hình sự hóa cũng không dân sự hóa. Tất cả chúng ta đều theo luật, tuy nhiên xử hình sự cũng theo đúng pháp luật tố tụng hình sự. Vi phạm trong kinh doanh khác với các hình thức cướp của, giết người…
Cách xử lý của cơ quan nhà nước trong các vụ vừa qua là tiền lệ cho các vụ việc về sau, do đó cần cẩn trọng áp dụng các biện pháp có căn cứ pháp luật hiện hành.
Cuối cùng, kinh tế thị trường có quy luật khách quan, phải tôn trọng và tuân thủ. Muốn có thị trường vốn hiệu quả và bền vững, phải cạnh tranh lành mạnh. Muốn có cạnh tranh lành mạnh phải đảm bảo minh bạch, công bằng, thuận lợi, bình đẳng và nghiêm minh trước pháp luật.
Nhật Quang
FILI
|