ĐBQH Trần Hoàng Ngân: Cần có quy định cụ thể chi phối công ty cổ phần chưa đại chúng
Đối với các công ty đại chúng, chúng ta đã có Luật Chứng khoán chi phối nhưng đối với các công ty cổ phần nội bộ chưa đại chúng, chưa niêm yết lại bị chi phối bởi Luật Doanh nghiệp, vì vậy cần có những quy định cho loại hình công ty cổ phần này.
Tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế ngày 22/04, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho biết việc xử lý tiêu cực trên thị trường tuy được đánh giá là có chậm nhưng chúng ta làm nhanh, quyết liệt, tạo niềm tin cho nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, dù thời gian tới chúng ta còn gặp nhiều khó khăn và thách thức nhưng tôi vẫn có niềm tin nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng.
Mới đây IMF đã đưa ra dự báo kinh tế Việt Nam năm 2022 sẽ tăng trưởng 6%; năm 2023 tăng 7.2%.
Với sự phát triển đất nước đến năm 2045, chúng ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, đến năm 2025 thì chúng ta vượt qua mức trung bình thấp, điều quan trọng là để đạt được mục tiêu này thì vai trò của các nguồn lực và đặc biệt là vốn đầu tư xã hội rất quan trọng, trong đó vốn đầu tư từ khu vực nhân dân phải chiếm ít nhất là 50%, vốn đầu tư nước ngoài trên 20% và vốn từ khu vực Nhà nước dưới 30%.
Vốn từ khu vực nhân dân và Nhà nước đó đến từ 3 kênh, từ hệ thống ngân hàng thương mại, từ thị trường cổ phiếu và từ thị trường trái phiếu.
Theo tinh thần Nghị Quyết 31 của Quốc hội năm 2021, mục tiêu tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu thị trường tài chính để vốn hóa thị trường cổ phiếu chiếm 85% GDP và thị trường trái phiếu là 47% GDP. Đến cuối năm 2021, vốn hóa thị trường cổ phiếu chúng ta đạt được tỷ lệ 93.8% GDP và thị trường trái phiếu là 39,7% GDP, chúng ta đã bắt kịp các thông lệ của quốc tế, các thông số quốc tế. Ví dụ như thị trường trái phiếu của Thái Lan hiện nay là 24.8; Malaysia là 56.8; Philippines là 7.5; Indonesia là 2.5% chúng ta là 14.2 %.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân kiến nghị về thị trường cổ phiếu, chúng ta phải kịp thời phát hiện và xử lý ngay, nghiêm tất cả các vi phạm trên thị trường chứng khoán ở tất cả các mặt, kể cả khâu công bố thông tin chưa kịp thời, chưa đúng quy định.
Thứ hai, các vi phạm giao dịch xảy ra rất nhiều nhưng xử lý còn đơn giản, chưa có những cảnh báo cho thị trường và cộng đồng nhà đầu tư còn chậm, sợ ảnh hưởng đến bât ổn thị trường chứng khoán.
Thứ ba, chúng ta cần xây dựng các tiêu chí, kiểm tra ngay các biến động bất thường của các cổ phiếu có dấu hiệu thao túng trong thời gian sớm nhất.
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát khi phát hiện những sai phạm, xử lý mạnh tay, dứt khoát, đồng thời công bố thông tin đại chúng để mọi nhà đầu tư được biết, không né tránh. Phạt tiền gấp nhiều lần lợi nhuận có được từ việc làm giá và cần sửa Nghị định 156.
Thứ năm, công bố thông tin cả tiếng Việt và Tiếng Anh để bảo đảm thông tin công bằng cho nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ sáu, cần đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, điều này sẽ tạo thêm các hàng hoá có chất lượng ở trên thị trường.
Thứ bảy, cần có thông điệp mạnh mẽ về các vi phạm của Luật Chứng khoán, ai vi phạm thì sẽ bị phạt, bị phát hiện và bị xử lý.
Thứ tám, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, 'không nên hình sự hoá các quan hệ dân sự', các hoạt động kinh tế.
Về thị trường trái phiếu, PGS.TS Trần Hoàng Ngân kiến nghị, thứ nhất, đối với các công ty đại chúng, chúng ta đã có Luật Chứng khoán chi phối nhưng đối với các công ty cổ phần nội bộ chưa đại chúng, chưa niêm yết lại bị chi phối bởi Luật Doanh nghiệp, vì vậy cần có những quy định cho loại hình công ty cổ phần này.
Cần bổ sung và điều chỉnh kịp thời các quy định pháp lý về phát hành trái phiếu, trên cơ sở tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp huy động vốn qua kênh này.
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, chúng ta tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn qua thị trường chứng khoán sẽ tăng tích tụ vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng thương mại, bởi độ sâu tài chính, trong đó vốn tín dụng trên GDP Việt Nam của chúng ta hiện nay đã đạt đến mức 124% của GDP, cho nên chúng ta cần phải chia sẻ rủi ro trong cho vay trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng thương mại.
Thứ hai, cần bổ sung kịp thời, điều chỉnh các quy định pháp lý về phát hành trái phiếu, trên cơ sở tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp huy động vốn qua kênh nhưng đồng thời phải hạn chế các rủi ro không đáng có cho nhà đầu tư.
Thứ ba, trong bản cáo bạch cho phát hành trái phiếu phải quy định rõ mục đích, lộ trình huy động vốn, định kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng công ty phát hành phải công bố công khai tình hình giải ngân vốn và mục đích sử dụng những loại vốn đã giải ngân.
Bên cạnh đó đánh giá tình hình giải ngân so với kế hoạch huy động trong bản cáo bạch, việc công bố thông tin định kỳ này giúp thị trường giám sát sử dụng vốn huy động.
Thứ tư, cần tăng cường thêm các công ty xếp hạng tín nhiệm, hiện nay Việt Nam chúng ta quy mô rất lớn nhưng chỉ có 2 công ty định mức tín nhiệm cho nên tăng cường cấp phép thêm các công ty định mức tín nhiệm, và yêu cầu việc phát hành trái phiếu này phải có xác định của công ty định mức tín nhiệm.
Hàn Đông
FILI
|