Thứ Năm, 17/03/2022 15:38

Nhịp đập Thị trường 17/03: Chịu ảnh hưởng từ yếu tố đáo hạn phái sinh, VN30 chọc thủng dưới tham chiếu

Nhìn biểu đồ diễn biến chỉ số VN-Index trong phiên chiều, ai cũng thấy là kịch tính khác hẳn phiên sáng. Diễn biến chứng khoán thế giới không có mấy thay đổi, vẫn là tư thế tích cực, như vậy có thể nói diễn biến trên sàn chứng khoán Việt là do yếu tố nội tại, mà yếu tố đó có thể gọi là “đáo hạn phái sinh”.

Ngay khi bước vào phiên chiều, VN30-Index đã kéo VN-Index, cùng rơi sát về tham chiếu. dù trong khoảng thời gian sau đó cả 2 chỉ số đều hồi phục, thậm chí VN-Index còn quay trở lại mức gần như là cao nhất trong ngày, bất chấp cùng lúc VN30-Index chọc thủng xuống dưới tham chiếu, nhưng cuối cùng đến đợt ATC, VN-Index lại một lần nữa bị VN30 kéo xuống, may thay vẫn còn cách bên trên tham chiếu vỏn vẹn chừng 2 điểm.

Với 12 mã tăng và 13 mã giảm, không ai ngờ chỉ số nhóm VN30 lại lần thứ 3 chọc thủng dưới tham chiếu, lần này vào đúng đợt ATC. Trong nhóm VN30 này, đa số cổ phiếu ngân hàng tụ lại ở chiều tăng giá, trong đó BID tăng mạnh nhất, tới 4.6%, kết tiếp là CTG (+2.2%). Tuy nhiên ở chiều giảm giá, có hàng loạt các cổ phiếu vốn hóa khủng, bao gồm GAS, MSN, VJC, VHM, HPG, VNM, NVL, VPB, và những mã này đã kéo tụt chỉ số nhóm.

Với diễn biến tại đợt ATC như vậy, về tổng thể sàn HOSE, chỉ có 50% số lượng cổ phiếu tăng giá, so với 36% giảm giá. Nhóm Large Cap trở nên cân bằng, tuy nhiên may thay tương quan tăng – giảm giá ở 2 nhóm Mid và Small Cap vẫn còn nghiêng về hướng tích cực. Trong số này, có không ít tên tuổi vẫn đạt được mức tăng giá ấn tượng, ví dụ như DGW, HQC, KHG, YEG, FRT, OGC, QCG, FLC, HAG, RDP, FDC, RIC, BBC, NVT

Trên sàn phái sinh, dù diễn biến của hợp đồng tương lai sắp đáo hạn – VN30F2203 bám rất sát diễn biến chỉ số VN30, nhưng khác biệt lại vẫn xảy ra vào phút cuối, tức là đợt ATC. Cụ thể, hợp đồng này đóng cửa vẫn tăng giá nhẹ, và cao hơn chỉ số cơ sở 2,3 điểm. Lưu ý là trước đó hầu như thời gian là gap âm. Tương tự, cả 3 hợp đồng còn lại cũng chuyển từ gap âm sang dương, trong đó hợp đồng kế tiếp có chênh lệch lên đến hơn 5 điểm, dù trước đó từng thấp hơn 3 điểm.

Diễn biến của 2 chỉ số quan trọng của sàn HOSE cũng ảnh hưởng lên 2 chỉ số 2 sàn HNX và UPCoM. Chốt thời điểm cuối ngày, cả HNX-Index và UPCoM-Index đều rơi vào sắc đỏ, thậm chí HNX-Index chỉ chớm đỏ (giảm 0,01 điểm) trong phút cuối. Điều đáng tiếc nữa là nhiều largecap sàn HNX vẫn giữ được sắc xanh kéo từ ban sáng đến cuối phiên chiều, như IDC, MBS, CEO, THD, SHS, VNR, PVI… Ngược lại, diễn biến nhóm Large Cap trên UPCoM vốn đã xấu đi từ cuối phiên sáng, đến cuối phiên chiều cũng ít có cải thiện, ví dụ như tại KLB, ACV, SNZ, SIP, TVN

Xét ở góc độ nhóm ngành, ngân hàng vẫn là nhóm giữ được sắc xanh ổn định và khá toàn diện, dù mức tăng giá bình quân nhìn chung vẫn không lớn. Cụ thể ở nhóm này, có 16 mã tăng giá lúc đóng cửa, so với 7 mã giảm giá. VCB vẫn tăng nhẹ, nhưng BIDCTG nâng được đà tăng rất khá vào cuối ngày.

Ở các nhóm lớn khác, tích cực có BĐS, chứng khoán, xây dựng, nhựa – cao su… nhưng dầu khí, thực phẩm, sắt thép… lại có nhiều sắc đỏ.

Diễn biến ở các chỉ số lớn không hoàn toàn phản ánh diễn biến tích cực ở nhiều nhóm ngành nhỏ khác, ví dụ như nhóm vận tải hành khách, giải trí, truyền thông, tư vấn tài chính, phân phối ô tô… Tuy nhiên, hóa chất, phân bón, cảng và kho bãi, thủy sản, dược, gỗ, phân phối xăng dầu lại chi phối bởi nhiều sắc đỏ.

Nhóm BĐS tiếp tục có rất nhiều mã tăng giá, và điểm chung là những mã tăng tốt nhất lại là các mã nhỏ, thậm chí từng là hàng nóng trong thời gian qua hay có thông tin mới đây, như DRH, FDC, FLC, HQC, KHG, QCG, NVT, VPH, TIG, MH3, PVL… ở các tên tuổi lớn hơn, nổi bật có NLG. SCR, NTL

Dầu khí nhà PVN kéo dài chuỗi thời gian buồn bã suốt cả ngày, thậm chí dù trong thời gian phiên chiều, giá dầu Brent future đã quay lại lên trên 100 USD/thùng. Điều này khá khó hiểu, khi mà giá cổ phiếu nhóm này thường được neo khá sát với diễn biến giá dầu, và gần đây nhất là giảm khá sâu, không ít biểu đồ cổ phiếu dẫn đến lòng tham bắt đáy. GAS vào cuối ngày giảm tới gần 3%, các tên tuổi khác cũng có mức giảm tương tự hoặc còn lớn hơn, như PVC, PVB, PGD, PVG, PVD… và 2 đại gia phân bón DCMDPM.

Ngoại trừ MWG, các cổ phiếu khác có cùng kinh doanh mặt hàng ĐTDĐ và đồ công nghệ đều tăng giá tích cực cho đến cuối ngày, bao gồm DGW, FRT, PETPSD.

Phiên sáng: Cổ phiếu dầu khí lại giảm sâu, VN-Index có dấu hiệu chùng xuống 

VN-Index có dấu hiệu lùi bước sau giữa phiên sáng nay, và trước khi bước vào phiên chiều, chỉ số chỉ còn cao hơn tham chiếu chưa đến 4 điểm. Dù tăng điểm, nhưng rõ ràng diễn biến của VN-Index không đồng pha với các sàn châu Á khác, mà có thể chịu tác động từ yếu tố nội tại, gọi là “đáo hạn phái sinh” diễn ra chiều nay.

Hiện tại trên sàn phái sinh (HNX), cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng giá, nhưng đều thấp hơn điểm số của chỉ số cơ sở VN30. Đối với hợp đồng sắp đáo hạn VN30F2203, giá hợp đồng luôn thấp hơn điểm chỉ số bình quân khoảng 2-2,5 điểm. Diễn biến gần như là đi ngang của hợp đồng này, đồng dạng với diễn biến chỉ số VN30, mang lại cảm giác an bình, khó mà dự đoán liệu sẽ có bất ngờ nào trong phiên chiều nay?

Sàn HOSE cuối phiên sáng có khoảng 55% số cổ phiếu tăng giá, rải đều trên nhiều nhóm ngành lớn nhỏ. Ở các nhóm ngành lớn, diễn biến tích cực thể hiện ở ngân hàng, BĐS, chứng khoán, xây dựng, bán lẻ, thực phẩm, sản xuất và phân phối điện… Dầu khí vẫn là nhóm có nhiều sắc đỏ, và sắt thép đang có phân hóa mạnh hơn. Ở các nhóm ngành vốn hóa nhỏ hơn, nổi bật có dệt may, ô tô, tư vấn tài chính, tư vấn BĐS, giấy, xi măng…, tuy nhiên cảng biển kho bãi, bảo hiểm, hàng không đang là những nhóm ngành xấu đi so với đầu phiên sáng.

Tính cả 3 sàn, khá nhiều nhóm ngành lớn đang có dấu hiệu chùng xuống, thậm chí phân hóa, tức xuất hiện nhiều cổ phiếu giảm giá hơn, ví dụ như sắt thép, thực phẩm, kho bãi hầu cần, phân phối xăng dầu. Ngay cả BĐS dù vẫn đa số cổ phiếu tăng giá, nhưng ở nhiều mã, mức tăng đang không còn mạnh mẽ như hồi giữa phiên sáng. Về tổng thể, số lượng cổ phiếu tăng giá đã lùi về dưới 50%.

Diễn biến của 2 chỉ số HNX Index và Upcom Index cho thấy ảnh hưởng từ HOSE. 2 chỉ số này cũng đang lùi dần về tham chiếu trong nửa cuối phiên sáng nay. Trên HNX, bất chấp đa số largecap sàn này vẫn tăng giá, nhưng chỉ số lùi dần về tham chiếu có lẽ do tác động từ 1 số mã như THD, PVS, CEO… Riêng trên Upcom, largecap sàn này đang phân hóa rõ hơn nhiều.

Ngân hàng tiếp tục duy trì sắc xanh trên diện rộng, nhưng mức tăng bình quân dưới 1%, có lẽ đây là yếu tố góp phần kìm chân không cho chỉ số tăng mạnh hơn được. Trong nhóm này, VCB tăng nhẹ chưa đến 1% dù được khối ngoại mua ròng, CTG dường như là mã tăng giá tốt nhất nhì nhóm. Ngược lại, KLB vẫn giảm 3.5%, EIB giảm gần 3%, đây là 2 mã tăng nóng trong những phiên vừa qua.

Nhóm cổ phiếu dầu khí nhà PVN tiếp tục ảm đạm trong nửa cuối phiên sáng nay, thậm chí ở nhiều mã, tình trạng còn tệ hơn nhiều so với đầu phiên. GAS đã quay lại mức giảm giá 1,4%, và điều này có thể khiến những ai mới bắt đáy 1-2 phiên vừa qua đâm lo. Nhiều cổ phiếu khác còn giảm giá mạnh hơn GAS, bao gồm PVC, PGS, PGD, PVS, PVG, PVD, PVB, thậm chí cả 2 đại gia phân bón là DCMDPM giảm tới hơn 6,8% mỗi cổ phiếu.

10h30: VN-Index đi ngang khiêm tốn

VN-Index đi ngang trong nửa đầu phiên sáng nay, cao hơn tham chiếu khoảng 6-7 điểm, tức chỉ 0.6%, đây là mức tăng khiêm tốn so với các chỉ số lớn khác của châu Á. Tuy vậy mức tăng của chỉ số hiện không bao quát hết các mặt tích cực của thị trường, cụ thể hơn là do cổ phiếu lớn chỉ tăng nhẹ, trong khi các mã vừa và nhỏ hơn thì tăng mạnh hơn hẳn.

Trên sàn HOSE hiện nay có đến gần 2/3 số cổ phiếu tăng giá, rải đều trên mọi nhóm vốn hóa, và dĩ nhiên mức tăng giá bình quân của các nhóm mid/small cap cao hơn so với Large Cap. Ở góc độ nhóm ngành, ngoại trừ dầu khí, các nhóm ngành lớn đều có diễn biến tích cực. Ở các nhóm ngành nhỏ hơn, nổi bật có thủy sản, lâm sản, phân phối ô tô… Ngược lại, khai thác than và cấp thoát nước vẫn có nhiều cổ phiếu giảm giá nhẹ.

Với quân số đông, nhóm BĐS (nhà ở lẫn khu CN) đang phủ khá kín sắc xanh, trong đó nổi bật nhất là các mã vốn hóa nhỏ như QCG, HQC, SCR. Ở nhóm largecap ngành này, NLG từng có phút lóe sáng, vọt lên trên 60k/cp. 2/3 cổ phiếu của bộ ba nhà Vin cũng tăng giá loanh quanh 1%, mã còn lại giảm nhẹ… không có gì bất ngờ, vẫn là VIC.

Giá dầu Brent future đang tăng trở lại hơn 1% và áp sát mức 100 USD/thùng, tuy nhiên nhóm cổ phiếu dầu khí nhà PVN vẫn đa phần chìm trong sắc đỏ, trong đó giảm đáng kể có PVC, PGS, PVG, DCM. May thay, GAS đầu phiên giảm nhẹ, nhưng hiện tại được kéo hồi về tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu nhà Masan đang có dấu hiệu hồi trở lại, sau những phiên giảm gần đây. Trong nhóm này, MSR đang tăng 3.3%, MML tăng tới hơn 6.3%. MSN tăng nhẹ 500 đồng/cp, và đang tiếp tục tạo đáy thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.

Nhóm cổ phiếu hàng không, cụ thể là ACV, VJC và 1 vài công ty dịch vụ hàng không đang giảm giá nhẹ, ngược với diễn biến chung. HVN đang nhỉnh hơn tham chiếu một chút, nhưng muốn tăng có vẻ cũng khó.

Chỉ số HNX-Index tiếp tục đồng pha với VN-Index, thậm chí duy trì mức tăng % cao hơn. Trên sàn HNX, cổ phiếu nhỏ và vừa vẫn tranh thủ chạy nhanh hơn những mã vốn hóa lớn, tuy nhiên ở nhóm vốn hóa lớn này, cũng có 1 số mã tăng đáng chú ý, như CEO IDC, NTP, NVB, MBS, SHS

Chỉ số Upcom index ngược lại dù tăng điểm, nhưng đường đi gập ghềnh hơn so với 2 chỉ số kia. Trong số Large Cap sàn UPCoM, đáng lưu ý là KLB vẫn đang bị giảm hơn 3%, nhiều khả năng là bị chốt lời, sau khi cổ phiếu này tăng không hiểu nổi chỉ trong vài phiên vừa qua. Tuy nhiên điểm sáng nằm ở nhóm cổ phiếu nhà Masan, trong đó MML duy trì mức tăng hơn 6%, MSR tăng hơn 3%.

Tin tức không bất ngờ, thị trường mở cửa tích cực

VN-Index mở cửa tăng nhẹ hơn 6 điểm trong bối cảnh đón nhận thông tin từ Fed (Mỹ), hay đúng hơn là nương theo diễn biến của các chỉ số quan trọng trên sàn chứng Mỹ, cũng như các sàn châu Á sáng nay, sau khi Fed công bố quyết định nâng lãi suất của mình.

Sáng nay (theo giờ Việt Nam), Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) đã công bố quyết định nâng lãi suất 25 điểm cơ bản lên 0.25%-0.5%. Đây là đợt nâng lãi suất đầu tiên kể từ tháng 12/2018, và dự báo sẽ còn nâng thêm 6 lần trong năm nay. Mức tăng lãi suất lần này không còn là tin tức mới, cũng như không bất ngờ so với dự đoán trước đó, cho nên các chỉ số quan trọng trên TTCK Mỹ đều phản ứng tích cực. Điều này đang tác động không nhỏ lên chứng khoán Việt đầu phiên sáng nay.

Đồng loạt các nhóm ngành lớn nhỏ trên 3 sàn chứng Việt đều phản ứng tích cực với thông tin từ bên kia bán cầu. Đối với nhóm ngân hàng, có đến 19 trên 27 cổ phiếu tăng giá. Các nhóm lớn khác như BĐS, sắt thép, chứng khoán, xây dựng, thực phẩm, bán lẻ… đều có đa số cổ phiếu tăng giá. Tuy nhiên nhóm dầu khí PVN lại mở cửa hơi ảm đạm, và 2 nhóm tăng mạnh gần đây là than đá và cấp thoát nước lại có nhiều sắc đỏ, có vẻ như chốt lời sớm.

Với thông tin tích cực liên quan đến chiến sự Nga – Ukraine, giá dầu Brent future đêm qua đã quay trở lại xuống dưới mức 100 USD/thùng, và có lẽ thông tin này đang khiến giá cổ phiếu dầu khí nhà PVN sáng nay mở cửa trong nỗi bất an. Dù chưa có hiện tượng giảm giá hàng loạt trên diện rộng như đã từng diễn rát chỉ cách đây vài phiên, nhưng đầu phiên sáng nay lực cầu khá yếu, nhiều mã không còn nối tiếp được đà tăng giá của phiên chiều qua, thậm chí đỏ từ sớm như tại PGS, PVC, PVS, PVT… hay thậm chí cả GAS. Tuy nhiên vẫn đang có 1 số mã khác tăng nhẹ như BSR, OIL, PVG…, nhưng mức tăng cũng thật là mong manh.

Chỉ số HNX-Index đã sớm tăng trước khi HOSE khớp lệnh ATO, và cho đến lúc này, mức tăng cũng cao hơn không ít so với VN-Index. Rõ ràng chỉ số sàn HNX đang được đỡ bởi các Large Cap như THD, IDC, MBS, SHS, CEO, NTP, BAB… cũng như đa số Mid và Small Cap khác.

Tương tự, chỉ số UPCoM-Index cũng sớm tăng cùng HNX-Index, nhưng đến thời điểm HOSE mở cửa, chỉ số này lại có dấu hiệu chùng xuống, lùi nhẹ về tham chiếu. Chưa rõ những cổ phiếu nào đang tác động lên chỉ số, dù trong nhóm large cap sàn này, 2 mã tăng nóng gần đây là KLB đang giảm tới 5%, VEF giảm 1%.

Sáng sớm nay, có vẻ như khối ngoại đang mua ròng, trong đó đáng kể nhất là ở 2 cổ phiếu ngân hàng HDBMBB. Lưu ý rằng khối ngoại đã bán ròng 8 phiên liên tiếp, thậm chí nếu chỉ tính riêng khớp lệnh, thì là 9 phiên liên tiếp. VHM vẫn đang bị khối ngoại bán ròng, và sáng nay LPB cũng bất ngờ bị bán hơn 700,000 cp ngay từ sớm.

Hoàng Nam

FILI

Các tin tức khác

>   Vietstock Daily 17/03/2022: Chờ đợi một xu hướng rõ ràng hơn (16/03/2022)

>   Chứng khoán phái sinh Ngày 17/03/2022: Dòng tiền trở nên thận trọng (16/03/2022)

>   Thị trường chứng quyền 17/03/2022: CPDR2201 và CPDR2103 đang được định giá hấp dẫn (16/03/2022)

>   Nhịp đập Thị trường 16/03: Tăng trên nền thanh khoản thấp (16/03/2022)

>   Vietstock Daily 16/03/2022: Xu hướng vẫn chưa rõ ràng (15/03/2022)

>   Thị trường chứng quyền 16/03/2022: Thanh khoản tiếp tục xuống thấp? (15/03/2022)

>   Chứng khoán phái sinh Ngày 16/03/2022: Khối lượng giao dịch đang thận trọng (15/03/2022)

>   Nhịp đập Thị trường 15/03: Dầu khí “quay xe” vào cuối phiên (15/03/2022)

>   Vietstock Daily 15/03/2022: Mẫu hình Head and Shoulders đã hình thành? (14/03/2022)

>   Chứng khoán phái sinh Ngày 15/03/2022: VN30-Index về vùng 1,350-1,370 điểm? (14/03/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật