Nhịp đập Thị trường 16/03: Tăng trên nền thanh khoản thấp
VN-Index đi lên vào cuối phiên chiều và kết thúc với điểm số 1,459.33, tương ứng tăng 6.59 điểm. Tuy nhiên, điều đáng nói là thanh khoản của thị trường thấp hơn đáng kể so với mức trung bình.
Ngân hàng là trụ lực chính cho thị trường trong phiên hôm nay, với sự đóng góp nổi bật từ mức tăng (+1.73%) của mã vốn hóa lớn nhất là VCB. Các ngành đóng góp nhiều tiếp theo gồm có bất động sản, tiện ích và hóa chất.
Bảo hiểm là nhóm ngành để lại ấn tượng trong ngày giao dịch hôm nay. Các mã vốn hóa đứng đầu như BVH (+2%), PTI (+5%) tăng mạnh trong khi sắc xanh cũng bao phủ toàn ngành.
Thị trường đóng cửa với giá trị giao dịch tại HOSE đạt 18.7 ngàn tỷ đồng, thấp nhất kể từ ngày 07/02 và thấp hơn nhiều so với mức trung bình (26.1 ngàn tỷ đồng) của năm 2022.
Các giao dịch diễn ra cầm chừng và theo đó các mức biến động cổ phiếu xét theo tổng thể từng ngành là không lớn. Việc VN-Index vẫn duy trì sắc xanh xuyên suốt ngày hôm nay đã là một điểm tích cực khi xét đến bối cảnh phức tạp mà thị trường tài chính toàn cầu đang chứng kiến.
Trên toàn thị trường, lượng mã tăng trần về cuối phiên tăng lên con số 59 mã, trong khi đó chỉ có 15 mã giàm sàn.
Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng bán ròng VIC trong phiên chiều (từ 51 tỷ đồng lên mức 96 tỷ đồng) và qua đó chính thức nối dài chuỗi ngày bán ròng trên sàn sang phiên thứ 8 liên tiếp.
14h: Xuất hiện giao dịch ngàn tỷ tại LPB
Thanh khoản giao dịch phiên chiều vẫn không có quá nhiều tiến triển. Đáng chú ý, nhóm VN30 đạt giá trị giao dịch chỉ 4.3 ngàn tỷ đồng dù đồng hồ đã bước qua 14h18.
Cổ phiếu VCB tăng 2.1% tính đến 14h13 và vẫn là mã đóng góp lớn nhất (2.2 điểm) vào mức tăng của VN-Index. Tính tổng thể toàn ngành ngân hàng góp gần 3.2 điểm cho chỉ số.
Xét trên toàn thị trường, hầu hết các ngành đều thể hiện bộ mặt khả quan. Dù vậy, các chỉ số cho thấy không có nhóm ngành nào biến động thực sự mạnh trong phiên hôm nay.
Xuất hiện khối giao dịch thỏa thuận trị giá gần 1,052 tỷ đồng, tương ứng gần 47 triệu cp sang tay tại giá 22,400 đồng/cp. Đến 14h20, LPB được giao dịch quanh mốc giá 22,100 đồng/cp.
Khối ngoại có lẽ sẽ nối dài chuỗi bán ròng sang 8 phiên liên tiếp sau khi kết thúc giờ giao dịch. Tính đến 14h22, nhóm nhà đầu tư này đã bán ròng gần 190 tỷ đồng trên cả ba sàn.
Phiên sáng: Thanh khoản mất hút
Thị trường tăng điểm cầm chừng trong phiên sáng. Dù không hề chạm vào vùng giá đỏ vào bất cứ thời điểm nào nhưng sự tích cực đã hạ nhiệt dần về cuối phiên, thể hiện thông qua mức tăng điểm VN-Index co hẹp.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 3 điểm, VN30-Index nhích lên 0.16 điểm, HNX-Index tiến 3.1 điểm.
Giới giao dịch tỏ ra không mặn mà đặt lệnh. Giá trị giao dịch tại HOSE thậm chí chưa đạt đến 10 ngàn tỷ đồng trong phiên sáng nay. Viễn cảnh về phiên giao dịch có thanh khoản thấp nhất tháng đang dần mở ra với giới quan sát.
Các nhóm cổ phiếu nổi bật như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, thép đều có mức tăng nhẹ. Trong khi đó, cổ phiếu khai thác dầu khí sụt giá: PVD giảm 1.8%, PVS sụt 1.14%, PVC rớt giá 2.4%.
Ngành thủy sản sau khi hứng khởi vào đầu phiên thì cũng nhanh chóng đánh mất đà tăng. Các cổ phiếu đại diện như VHC hay ANV đều quay trở lại giao dịch quanh vùng giá tham chiếu.
Khối ngoại bán ròng 138 tỷ đồng trên HOSE. Trong đó, mã bị bán ròng mạnh nhất là VIC (gần 51 tỷ đồng).
Phiên sáng nay cũng chứng kiến một diễn biến thú vị là số lượng mã tăng trần (47 mã) áp đảo so với số mã giảm sàn (14 mã). Phần lớn số mã tăng trần (26 mã) là cổ phiếu giao dịch tại sàn UPCoM.
10h30: Cổ phiếu bất động sản kéo lùi chỉ số
Các chỉ số không thể tiến xa hơn tính đến 10h52, hay nói một cách chính xác là chúng đã giảm điểm trở lại dù vẫn giữ được sắc xanh.
Ngành bất động sản kéo lùi thị trường, với bộ đôi VIC - VHM chính là hai mã tạo áp lực giảm điểm lớn nhất lên VN-Index. Trong khi đó, ngân hàng và tài nguyên cơ bản là hai ngành trụ đỡ của chỉ số trong sáng nay. VCB và HPG là hai mã đóng góp nhiều nhất về mặt điểm số cho VN-Index.
Thanh khoản thị trường tính đến 10h54 khá èo uột. Tại HOSE, giá trị giao dịch chưa đạt đến 8 ngàn tỷ đồng trong khi tại HNX chỉ là hơn 1.1 ngàn tỷ đồng. Người tham gia thị trường cho thấy họ dù không có ý định tháo chạy nhưng cũng chưa hề sẵn sàng giao dịch nhiều hơn khi hàng tá rủi ro và sự bất định vẫn bao quanh.
Đáng chú ý trong phiên sáng nay là mức tăng trần của FRT, theo đó cổ phiếu này leo lên mốc cao kỷ lục. FRT hiện đạt mức vốn hóa đến gần 11 ngàn tỷ đồng sau đà tăng liên tục kéo dài từ cuối tháng 1/2022.
Độ rộng thị trường đang dần bớt đi sự tích cực. Tính đến 11h, tỷ lệ số mã tăng giá so với số mã giảm giá đang là 524/329.
Sắc xanh bao phủ, ngân hàng khởi đầu tích cực
Thị trường khởi đầu lạc quan khi các chỉ số đại diện đều phủ màu xanh. Đến 9h28, VN-Index tăng 5.9 điểm, VN30-Index tiến 3.74 điểm, HNX-Index đi lên 3.66 điểm.
Không chỉ là lực tăng nhờ các cổ phiếu vốn hóa lớn ngành ngân hàng, sự tích cực cũng lan tỏa trên khắp thị trường thể hiện qua việc số mã tăng giá (504 mã) nhiều áp đảo so với số mã giảm giá (199 mã).
Tình hình căng thẳng giữa Nga – Ukraine khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo những tuần qua, nhưng hai ngày gần đây các thị trường đã có sự phục hồi khả quan, đặc biệt là ở thị trường Mỹ. Diễn biến này là sự khích lệ và đồng thời là liều thuốc giảm lo ngại rủi ro địa chính trị quốc tế đối với nhà đầu tư hoạt động tại Việt Nam.
Trở lại với phiên 16/03, ngành ngân hàng chứng kiến màn diễu hành tăng giá của hầu hết các mã, trong đó nổi bật nhất là MBB (+2.37%). Cổ phiếu duy nhất giảm giá là STB (-0.15%).
Ngành thủy sản tiếp tục giữ phong độ tích cực, với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu cá tra. Mới đây, VHC cũng đã công bố kết quả kinh doanh tháng 2 với mức tăng trưởng ấn tượng về doanh thu xuất khẩu cá tra, đặc biệt là hoạt động thương mại với thị trường Mỹ.
Khối ngoại bán ròng 20.6 tỷ đồng tính đến 9h44. Hành động của nhóm nhà đầu tư này đang được giới quan sát chú ý, giữa bối cảnh họ đã bán ròng liên tiếp đến phiên thứ 7 (07-15/03).
Thừa Vân
FILI
|