Góc nhìn tuần 14-18/03: Có thể rơi về vùng 1,400-1,420 điểm?
Theo PHS, hiện thị trường vẫn đang thể hiện nỗ lực hồi phục. Nếu vùng 1,470- 1,480 điểm bị phá vỡ thì chỉ số có thể rơi về đường MA200 (vùng 1,400-1,420 điểm).
Tạm thời mất xu hướng tăng trong trung hạn
CTCK Tân Việt (TVSI): Sau nhiều lần thử nghiệm, VN-Index kết tuần 11/03 giảm điểm và tạm mất vùng hỗ trợ ngắn quanh 1,470 điểm. Cụ thể, VN-Index giảm 12.54 điểm, tương đương mức giảm 0.85% so với chỉ số hôm 10/03.
VN-Index giảm điểm với mẫu nến Bearish Enguffling đóng cửa ở mức thấp và tạm mất hỗ trợ tại vùng 1,470 điểm, đi kèm khối lượng gia tăng mạnh cho tín hiệu tiêu cực. Việc các phiên gần đây khi giảm điểm đi kèm khối lượng lớn là một tín hiệu xấu, cho thấy áp lực bán đang mạnh dần trở lại.
Về khung đồ thị tuần, chỉ số kết tuần với mẫu nến giảm dạng Bearish Enguffling và chấm dứt 4 tuần đi ngang, thủng hỗ trợ MA(20) tuần cho thấy đà tăng trung hạn đã phần nào bị ảnh hưởng, nhất là khi kênh tăng giá trung hạn từ tháng 11 đến hiện tại cũng đã tạm thời bị xuyên thủng.
Nhìn chung, xu hướng giai đoạn vừa qua của chỉ số vẫn là đi ngang và vùng biên độ dao động đang lớn dần trở lại. Hỗ trợ mạnh của chỉ số kế tiếp là đỉnh tháng 7 năm ngoái tại quanh 1,425 điểm.
TVSI đánh giá rằng VN-Index tạm thời mất xu hướng tăng trong trung hạn. Trong ngắn hạn, VN-Index dự báo sẽ có nhịp kiểm tra lại đỉnh tháng 7 năm ngoái tại vùng quanh 1,425 điểm.
Tận dụng nhịp điều chỉnh giảm để giải ngân
CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS): Trong bối cảnh nhiều chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới bắt đầu cho thấy những tín hiệu hồi phục đầu tiên thì tâm lý giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vẫn chưa có sự cải thiện nào đáng kể. Thanh khoản từng phiên và cả tuần đều sụt giảm cho thấy dòng tiền vẫn đang lựa chọn đứng ngoài quan sát.
Nhìn chung, sự phân hóa trên thị trường vẫn đang diễn ra với việc nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ sự leo thang của giá cả các loại hàng hóa trên thị trường quốc tế tiếp tục đi ngược lại diễn biến của chỉ số chung cũng như nhóm vốn hóa lớn.
Theo đó, nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp điều chỉnh giảm để giải ngân với tỷ trọng nhỏ nhằm tích lũy dần những mã cổ phiếu mục tiêu đang được giao dịch ở các vùng giá chiết khấu cho danh mục trung – dài hạn trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời cũng cần chú trọng quản trị rủi ro một cách chặt chẽ và tránh lạm dụng đòn bẩy trong những thời điểm thị trường xuất hiện biến động mạnh.
Cần đánh giá tác động của rủi ro lạm phát lên thị trường chứng khoán
CTCK Đông Á (DAS): Nhóm cổ phiếu dầu khí, vốn là động lực hỗ trợ thị trường trong tuần qua, nhưng phiên cuối tuần 11/03 đồng loạt bị bán mạnh do giá dầu thô sụt giảm trên thị trường thế giới, ngược lại cổ phiếu ngân hàng, hóa chất và gỗ tăng điểm tích cực. Thanh khoản thị trường tăng lên mức cao hơn trung bình 10 phiên, với điểm số giảm mạnh thì khối lượng giao dịch tăng là một tín hiệu tiêu cực cho VN-Index trong ngắn hạn. DAS cho biết, VN-Index vẫn vận động trong vùng 1,470-1,500 điểm, tuy nhiên nhà đầu tư cần đánh giá tác động của rủi ro lạm phát lên thị trường chứng khoán hiện nay trước khi mở trạng thái mua mới.
Cũng theo DAS, nhà đầu tư có thể quan tâm nhóm cổ phiếu xuất khẩu như dệt may, thủy sản và gỗ nội thất đang thuận lợi về sản lượng và giá bán. Đối với cổ phiếu ngân hàng và bảo hiểm có thể mua cho vị thế trung hạn khi đang tạo nền giá tích lũy.
Giảm thiểu vị thế nắm giữ
CTCK KB Việt Nam (KBSV): Sau những nỗ lực hồi phục bất thành đầu phiên 11/03, VN-Index trải qua một nhịp lao dốc trong phiên trước khi hồi phục một phần vào cuối phiên. Tín hiệu gia tăng của thanh khoản tại các nhịp sụt giảm phá đáy trong phiên cho thấy xu hướng giảm điểm vẫn đang có phần lấn át và trạng thái thị trường đang trở nên tiêu cực hơn. Mặc dù vậy, chỉ số đang dần lùi về điểm đỡ quan trọng tại quanh 145x, mốc then chốt quyết định đến khả năng rơi vào nhịp điều chỉnh cấp trung, nên có thể kỳ vọng vào kịch bản sẽ xuất hiện một nhịp hồi phục tại đây.
KBSV khuyên nhà đầu tư có thể gia tăng một phần tỷ trọng vị thế trading tại vùng hỗ trợ với các cổ phiếu mục tiêu, nhưng cần giảm thiểu vị thế nắm giữ nếu vùng hỗ trợ đã đề cập bị thủng sau đó.
Đi ngang trong trung hạn
CTCK Mirae Asset (Mirae Asset): Trải qua 1 tuần tiêu cực với áp lực bán chiếm ưu thế thể hiện ở việc VN-Index xuất hiện đến 5 nến đỏ, VN-Index đã rơi vào trạng thái giảm điểm ngắn hạn. Tuy nhiên xu hướng đi ngang trong trung hạn (1-3 tháng) vẫn được duy trì khi chỉ số vẫn đang dao động trên vùng 1,400-1,430 điểm.
Có thể rơi về vùng 1,400-1,420 điểm
CTCK Phú Hưng (PHS): Theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index có phiên tăng điểm nhẹ. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch sụt giảm, hàm ý dòng tiền có phần thận trọng. Hình ảnh bóng nến trên xuất hiện tại đường MA5 và MA50 chứng tỏ áp lực từ bên bán tại các mức kháng cự này đang khá lớn. Bên cạnh đó, đường MA5 đã cắt xuống dưới đường MA50, do vậy áp lực điều chỉnh trong ngắn hạn vẫn còn hiện hữu. Quan sát trong phiên, chỉ số vẫn đang test lại biên dưới của kênh đi ngang từ vùng 1,470-1,480 điểm (MA100 ngày) đến vùng 1,520-1,530 điểm (đỉnh cũ). Hiện thị trường vẫn đang thể hiện nỗ lực hồi phục. Nếu vùng 1,470- 1,480 điểm bị phá vỡ thì chỉ số có thể rơi về đường MA200 (vùng 1,400-1,420 điểm).
Đối với sàn Hà Nội, HNX-Index có phiên tăng điểm trở lại, khối lượng giao dịch duy trì trên mức 20 phiên gần đây. Chỉ số vẫn đang phục hồi và có cơ hội thoát khỏi vùng tích lũy với ngưỡng kháng cự 475 điểm. Nhìn chung, thị trường vẫn chưa thoát được kênh đi ngang trước đó nên xu hướng tiếp theo vẫn chưa thể xác định rõ ràng, vì thế nhà đầu tư vẫn nên thận trọng và giữ tỷ trọng danh mục ở mức cân bằng.
Khang Di
FILI
|