Thứ Tư, 23/03/2022 13:22

Ai hưởng lợi khi giá dầu tăng cao?

Trong khi người tiêu dùng lao đao vì hóa đơn nhiên liệu, các công ty dầu mỏ đều công bố lãi gấp nhiều lần.

Ai hưởng lợi nhờ giá dầu ảnh 1

Theo CNN, tình trạng giá dầu thô tăng cao đang giúp các công ty dầu mỏ trên thế giới kiếm bộn tiền dù không phải bỏ thêm bất cứ khoản đầu tư nào.

Mới đây, nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới Saudi Aramco công bố kết quả kinh doanh cả năm 2021 với mức lợi nhuận ròng đạt 110 tỷ USD, tăng gấp đôi năm ngoái. Tuy lợi nhuận tăng 124%, Aramco chỉ phải chi đầu tư 31,9 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ.

Đối với ExxonMobil, lợi nhuận của hãng đạt 23 tỷ USD, mức cao nhất trong vòng 7 năm. Với tình trạng giá dầu tiếp tục leo thang, ExxonMobil dự kiến thu về gần 33 tỷ USD trong năm nay.

Tương tự, BP lãi 12,8 tỷ USD trong năm 2021 và được dự báo kiếm về 15,6 tỷ USD trong năm 2022.

Cần giải pháp

Những khoản lợi nhuận khổng lồ của ngành dầu mỏ đang là cơn đau đầu với giới chức hai bờ Đại Tây Dương. Trong khi lợi nhuận vẫn đều đều về tay các nhà sản xuất, người tiêu dùng mặt khác phải đối mặt với chi phí năng lượng cao chưa từng thấy.

Để hỗ trợ người dân, nhiều cuộc thảo luận đang hướng tới giải pháp đánh thuế lợi tức phụ thu (windfall tax) đối với nhóm các công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới (Big Oil).

Windfall tax là thuật ngữ miêu tả khoản thuế phụ thu một lần đánh vào một hoặc nhóm công ty phát sinh lợi nhuận bất ngờ nhờ điều kiện thị trường.

Lợi nhuận của 25 công ty dầu mỏ hàng đầu thế giới trong năm 2021

Công ty

Lợi nhuận (tỷ USD)

Shell

21,1

BP

12,8

ExxonMobil

23,04

Chevron

15,6

ConocoPhillips

8,1

Equinor

9,3

Enbridge

4,56

Ovintiv

1,4

Saudi Aramco

110

Occidental Petroleum

11

Technip FMC

0,087

Plains All American

0,593

APA Corporation

0,973

Chesapeake Energy

5,38

Hess Corp

0,559

Devon Energy

2,8

Halliburton

1,468

Coterra

1,158

Marathon Oil

0,946

Noble Corpotation

0,352

Pioneer

2,1

Marathon Petroleum

11

Murphy Oil

0,396

Phillips 66

1,522

TC Energy

1,8

Giải pháp gây nhiều tranh cãi

Trong quá khứ, cả Mỹ và Anh đều từng áp thuế lợi tức và nhận được sử hưởng ứng rộng rãi. Tuy nhiên, sự ủng hộ lần này hầu như chỉ giới hạn ở một nhóm chức trách nhất định.

Tại Washington, những người ủng hộ Đảng Dân chủ coi giải pháp là cách công bằng nhất để giúp những người gặp khó khăn khi chi trả nhiên liệu hoặc khí đốt.

“Chúng ta cần hạn chế sự trục lợi của Big Oil và hỗ trợ người dân ngay tại cây xăng. Điều này chỉ có thể khả thi khi chúng ta đảm bảo các tập đoàn này phải trả giá”, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, một trong 12 người ủng hộ giải pháp, lên tiếng.

Dự luật của Mỹ sẽ đánh thuế lợi nhuận mà các Big Oil kiếm được nhờ giá dầu thô thế giới tăng cao. Giải pháp này có thể chi trả hàng trăm USD mỗi năm cho những người đóng thuế có thu nhập thấp và trung bình.

Ai hưởng lợi nhờ giá dầu ảnh 2

Người dân đang phải gánh chi phí năng lượng cao trong khi công ty dầu mỏ lãi lớn. Ảnh: CNN.

Tuy nhiên, bên kia Đại Tây Dương, Thủ tướng Anh Boris Johnson phản đối ý tưởng này. Trong khi đó, Đảng Lao động đối lập của Anh đang kêu gọi đánh thuế đối với lợi nhuận phát sinh của các công ty sản xuất dầu khí ở Biển Bắc trong một năm để giải tỏa áp lực tài chính.

Dự kiến trong tuần này, Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak sẽ công bố kế hoạch giúp người dân đối phó với tình trạng giá năng lượng tăng cao.

Song, dự luật đánh thuế lợi tức dựa trên kịch bản giá dầu trung bình vượt mốc 120 USD/thùng. Do vậy, việc giá dầu biến động liên tục và từng rớt xuống dưới 100 USD/thùng vào tuần trước cho thấy những thách thức không nhỏ với người hoạch định.

Giới lập pháp nên tập trung vào các chính sách gia tăng nguồn cung của Mỹ, từ đó cải thiện tình hình hiện tại hơn là đưa ra những quan điểm chính trị thiếu khuyến khích vào thời điểm ngành đang cần nhất.

Frank Macchiarola, Phó chủ tịch cấp cao về chính sách, kinh tế và quản lý của Viện Dầu khí Mỹ

Greg Valliere - chiến lược gia mảng chính sách Mỹ của AGF Investments - cho biết chính quyền ông Biden vẫn chưa lên tiếng ủng hộ đề xuất thuế lợi tức và Thượng viện cũng không có đủ số phiếu tán thành để thông qua.

Bên cạnh đó, hàng loạt nhóm thương mại đại diện ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ và Anh cho rằng đề xuất áp thuế phụ thu có thể khiến các nhà sản xuất không mặn mà tăng sản lượng, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung dầu thế giới bị gián đoạn.

“Giới lập pháp nên tập trung vào các chính sách gia tăng nguồn cung của Mỹ, từ đó cải thiện tình hình hiện tại hơn là đưa ra những quan điểm chính trị thiếu khuyến khích vào thời điểm ngành đang cần nhất”, Frank Macchiarola, Phó chủ tịch cấp cao về chính sách, kinh tế và quản lý của Viện Dầu khí Mỹ, phản bác.

Đồng quan điểm, Deirdre Michie - Giám đốc điều hành Offshore Energies UK - tin rằng các công ty dầu mỏ sẽ cắt giảm đầu tư và nâng sản lượng nếu lợi nhuận của họ bị đánh thuế. Đây là thời điểm nhạy cảm khi chính phủ các nước cần nguồn cung năng lượng nhất.

Chiêu trò của ngành dầu mỏ

Tuy vậy, các công ty dầu mỏ vốn không thực sự háo hức đầu tư hoạt động sản xuất ở Mỹ và Anh.

“Họ không muốn khoan thêm. Các công ty dầu đang chịu áp lực từ cộng đồng tài chính để thanh toán nhiều cổ tức hơn, mua lại nhiều cổ phiếu hơn thay vì mở rộng việc khoan mỏ. Đó là cách họ đang làm từ 10 năm trở lại đây, chiếc lược về cơ bản đã thay đổi”, Pavel Molchanov, nhà phân tích của Raymond James, nhận định.

Song, Molchnov tin rằng các đề xuất đánh thuế lợi tức là quan điểm chính trị đơn giản và dễ hiểu, nhất là vào thời điểm người tiêu dùng không hài lòng về giá nhiên liệu cao.

Ai hưởng lợi nhờ giá dầu ảnh 3

Các công ty dầu mỏ không còn mặn mà đầu tư mở rộng sản lượng. Ảnh: New York Times.

Năm ngoái, khi người Mỹ gặp khó khăn khi thanh toán các loại hóa đơn sưởi ấm và xăng dầu đắt đỏ, những Big Oil như Shell, Chevron, BP, ExxonMobil đã công bố lợi nhuận hơn 75 tỷ USD.

Chia sẻ với Guardian, Robert Reich - cựu Bộ trưởng Lao động Mỹ, Giáo sư về chính sách công tại Đại học California – cho rằng ngành dầu mỏ không còn ngó ngàng đến việc đầu tư vào năng lượng tái tạo, thậm chí không tăng sản lượng dầu.

Tháng 9/2021, Mike Wirth - Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm CEO của Chevron - cho biết công ty đủ khả năng đầu tư nhiều hơn, song, thị trường chứng khoán không gửi “tín hiệu” ủng hộ kế hoạch đó.

“Tuyên bố này tạm dịch là: Phố Wall cho rằng cách để tối đa lợi nhuận là hạn chế nguồn cung và đẩy giá lên”, Reich nói.

Các hãng dầu mỏ đang chủ động mua lại cổ phiếu công ty để kéo giá lên cao. Năm 2021, nhóm này chi 38 tỷ USD để mua lại cổ phiếu, mức cao nhất kể từ năm 2008. Năm nay, các đại gia dầu mỏ có kế hoạch mua lại ít nhất 22 tỷ USD cổ phiếu nữa.

Minh Khiết

ZINg

Các tin tức khác

>   Cơn khát dầu buộc Mỹ phải làm thân lại với Saudi Arabia? (23/03/2022)

>   Dầu quay đầu giảm, xóa sạch đà tăng trong phiên (23/03/2022)

>   Ấn Độ muốn tăng mua dầu thô giá rẻ từ Nga (22/03/2022)

>   Nga cảnh báo giá dầu lên 300 USD/thùng nếu EU cấm vận dầu từ Nga (22/03/2022)

>   Vì sao giá xăng liên tục tăng mạnh nhưng giảm lại nhỏ giọt? (22/03/2022)

>   Dầu vọt hơn 7% khi EU cân nhắc cấm vận dầu Nga (22/03/2022)

>   EU cân nhắc áp lệnh cấm vận với dầu từ Nga (21/03/2022)

>   Giá dầu tăng 3% khi IEA kêu gọi giảm tiêu thụ năng lượng (21/03/2022)

>   Giá xăng giảm hơn 600 đồng/lít từ 15h ngày 21/3 (21/03/2022)

>   Thế giới cần giảm tiêu thụ cần 3 triệu thùng dầu/ngày để giá dầu “hạ nhiệt” (21/03/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật