Cơn khát dầu buộc Mỹ phải làm thân lại với Saudi Arabia?
Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như đang miễn cưỡng xây dựng một mối quan hệ gần gũi hơn với nhà vua tương lai của Saudi Arabia. Nguyên nhân ở đây là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine khiến giá dầu leo thang chóng mặt, buộc Mỹ phải thay đổi phương pháp tiếp cận với cường quốc xuất khẩu dầu lửa ở vùng Vịnh...
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia - Ảnh: CNN.
|
Nhưng theo hãng tin Bloomberg, vấn đề là thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia có thể chưa sẵn sàng với sự nhích lại gần này của Washington.
ÔNG BIDEN THAY ĐỔI QUAN ĐIỂM VỀ SAUDI ARABIA
Quan điểm trở nên mềm mỏng hơn của chính quyền ông Biden với Riyadh đã được nhiều nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Bloomberg. Vài tháng qua, một số quan chức cấp cao trong Chính phủ Mỹ đã cố gắng thuyết phục vị Tổng thống với nhiều hoài nghi về Saudi Araiba rằng việc phớt lờ nhà lãnh đạo không chính thức của nước này sẽ gây tổn hại cho các mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ. Giờ đây, mục tiêu cô lập Nga đã tạo ra động lực mới để ông Biden thay đổi quan điểm. Một quan chức Mỹ đã miêu tả cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine như một sự kiện mang tính bước ngoặt, khiến Mỹ thay đổi cách nhìn về Saudi Arabia.
Saudi Arabia là đầu tàu kinh tế của khu vực Trung Đông và trong suốt nhiều năm đã giữ vai trò “hòn đá tảng” chính trị trong các vấn đề về khu vực. Không chỉ vậy, nước này là một thủ lĩnh không chính thức của OPEC+, liên minh hùng mạnh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga. Ngoài ra, Saudi Arabia cũng là một trong những khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Mỹ.
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Biden đã không ít lần chỉ trích Saudi Arabia vì vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi – một người phê bình các chính sách của Chính phủ Saudi Arabia. Sau khi lên cầm quyền, ông Biden đảo ngược chính sách nồng ấm với Riyadh mà người tiền nhiệm Donald Trump đã theo đuổi. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Trump đã cử con rể là ông Jared Kushner làm việc trực tiếp với thái tử Mohammed, thường không thông qua nhà ngoại giao cấp cao nhất của vị thái tử.
Các nguồn tin từ Riyadh và Washington tiết lộ những thông tin cho thấy chính quyền ông Biden nhận ra rằng Mỹ cần duy trì mối quan hệ đối tác đã tồn tại nhiều thập kỷ giúp đảm bảo ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới. Nhưng bên cạnh đó, Mỹ vẫn muốn gây sức ép với thái tử Mohammed, 36 tuổi, trong vấn đề nhân quyền. Nguồn tin nói rằng hai bên đang cố gắng sắp xếp cuộc điện đàm đầu tiên giữa ông Biden và thái tử, nhưng mối quan hệ song phương vẫn còn căng thẳng, nên việc này cần thời gian.
Đầu tuần này, phát ngôn viên Emily Horne của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nói “hoàn toàn sai sầm” khi cho rằng Nhà Trắng chính thức đề nghị tổ chức điện đàm với thái tử Saudi Arabia và bị đối phương từ chối.
“Tổng thống điện đàm với nhà vua Salman vào hôm 9/2. Trong cuộc gọi đó, họ vạch ra một chương trình nghị sự song phương về các vấn đề khí hậu, an ninh và hợp tác năng lượng. Kể từ sau cuộc gọi quan trọng đó, các nhóm của chúng tôi giữ liên lạc với họ ở mọi cấp. Chưa có bất kỳ cuộc thảo luận nào về các cuộc gọi tiếp theo ở cấp Tổng thống, xét tới sự tương tác thường xuyên vẫn duy trì”.
SỰ PHỤ THUỘC CỦA MỸ VÀO DẦU SAUDI ARABIA
Giới phân tích nhận định rằng ông Biden đã tự “làm khó” mình khi nhậm chức vào tháng 1/2021 với lời hứa dịch chuyển trọng tâm chính sách đối ngoại khỏi khu vực Trung Đông và đưa vấn đề nhân quyền trở thành một ưu tiên lớn hơn. Ở thời điểm đó, người phát ngôn của ông Biden nói rằng đối tác của Tổng thống Mỹ là nhà vua Salman (chứ không phải thái tử Mohammed) và sự dịch chuyển chính sách này là “hiệu chỉnh” lại mối quan hệ giữa hai nước.
Nhưng dù sao đi chăng nữa, Saudi Arabia vẫn chiếm 7% nhập khẩu dầu thô của Mỹ - một con số sẽ không có nhiều ảnh hưởng nếu Mỹ đẩy mạnh khai thác dầu trong nước, nhưng tăng sản lượng dầu nội địa lại là một vấn đề mà phái cấp tiến trong Đảng Dân chủ của ông Biden không muốn.
Saudi Arabia cũng là một đối trọng ở khu vực để tạo thế cân bằng với Iran – quốc gia được cho là hậu thuẫn những tổ chức phiến quân mở các cuộc tấn công gần như hàng ngày nhằm vào các đồng minh của Mỹ ở khắp Trung Đông. Mới hôm Chủ nhật vừa rồi, lực lượng Houthi ở Yemen do Iran hậu thuẫn đã tấn công 6 khu vực của Saudi Arabia, trong đó có một số mỏ dầu của hãng dầu lửa quốc doanh Saudi Aramco. Vụ việc này đã góp phần khiến giá dầu tăng hơn 7% trong phiên đầu tuần.
Trong bối cảnh như vậy, việc ông Biden giảm quan hệ với Saudi Arabia không được đánh giá cao, nhất là khi ông tìm cách khôi phục thoả thuận hạt nhân 2015 với Iran. Nếu thoả thuận này được khôi phục, xuất khẩu dầu lửa của Iran sẽ hưởng lợi, trong khi những vấn đề an ninh nói trên có thể vẫn không được giải quyết.
Hôm thứ Hai, Saudi Arabia nói rằng nước này từ chối chịu trách nhiệm cho bất kỳ sự thiếu hụt nguồn cung nào trên thị trường dầu lửa toàn cầu chừng nào các cơ sở dầu lửa của mình còn bị tấn công bởi phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn. Riyadh cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động mạnh mẽ hơn để đảm bảo nguồn cung dầu.
Giờ đây, cuộc chiến của Nga ở Ukraine khiến tình hình càng phức tạp hơn. Xung đột vũ trang này đẩy giá dầu thế giới leo thang chóng mặt và giá xăng ở nhiều nước, trong đó có Mỹ, lên mức cao kỷ lục. Chính quyền ông Biden đang cố gắng kéo giá xăng xuống trước khi diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào cuối năm nay – cuộc bầu cử mà Đảng Dân chủ có thể mất quyền kiểm soát lưỡng viện Quốc hội vào tay phe Cộng hoà.
Điều đó có nghĩa là Mỹ cần trở nên thân thiện với Saudi Arabia – nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Nhưng việc xây dựng lại mối quan hệ sẽ không dễ dàng. Quyết định của ông Biden “bỏ qua” thái tử Mohammed và chỉ làm việc với cha của thái tử là nhà vua Salman bị Riyadh xem là một sự xúc phạm cá nhân, không thể được bỏ qua trong một sớm một chiều.
Giới chức Saudi Arabia cũng không hài lòng khi chứng kiến Mỹ thân thiện với Qatar – đất nước láng giềng nhỏ bé của Saudi Arabia – và cho rằng Mỹ chỉ gọi Saudi Arabia khi có việc cần.
Lần này, Saudi Arabia, cùng với Israel và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), muốn Mỹ giải quyết vấn đề dài hạn về việc Iran hậu thuẫn các nhóm vũ trang và đưa ra sự dảm bảo an ninh dài hạn, thì mới đứng về phía Mỹ để cô lập Nga và giải toả sức ép nguồn cung trên thị trường năng lượng toàn cầu.
Trong một dấu hiệu cho thấy thông điệp trên đã được đón nhận, Mỹ lên tiếng chỉ trích vụ tấn công vào cuối tuần vừa rồi của phiến quân Houthi. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cam kết Mỹ sẽ “hoàn toàn ủng hộ các đối tác của chúng tôi trong việc bảo vệ lãnh thổ của họ”. Những tuần gần đây, Mỹ đã gấp rút chuyển giao một số lượng lớn hệ thống đánh chặn tên lửa Patriot cho Saudi Arabia – nguồn thạo tin cho hay.
Một quan chức Mỹ tiết lộ rằng Mỹ và Saudi Arabia đang có các cuộc thảo luận về giá dầu và Washington tin rằng các cuộc thảo luận đang đi đúng hướng và sẽ dẫn tới hợp tác nhằm giải quyết áp lực giá dầu.
MỐI LO CỦA ÔNG BIDEN
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ báo Mỹ Atlantic khi được hỏi liệu ông Biden có hiểu lầm ông không, thái tử Mohammed đáp “tôi chẳng quan tâm chuyện đó”, và nói thêm rằng “có nghĩ đến lợi ích của nước Mỹ hay không là tuỳ ông ấy”. Về ý tưởng cho rằng Mỹ đang xa lánh Saudi Arabia, thái tử nói “cứ thử xem”.
Giới chức Mỹ đang tranh luận xem những phát biểu đó chỉ là điệu bộ của vị thái tử hay một sự dịch chuyển thực sự trong quan điểm của Saudi Arabia về Mỹ, trong bối cảnh Riyadh đang xây dựng mối quan hệ khăng khít hơn với Nga và Trung Quốc còn Mỹ cố gắng dịch chuyển trọng tâm trở lại vùng Vịnh. Cho dù quan hệ giữa Riyadh với Moscow và Bắc Kinh được tăng cường, phần lớn quan chức Mỹ tin rằng Saudi Arabia nhận thấy Trung Quốc không thể thay thế được Mỹ.
“Mọi chuyện đang không tốt và sẽ khó mà tốt lên được”, chuyên gia Kori Schake – một người nghiên cứu về chính sách đối ngoại và quốc phòng thuộc Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AEI) – phát biểu. “Chính sách đối ngoại của Mỹ có khuynh hướng mong muốn tất cả mọi quốc gia khác từ bỏ ngay việc họ đang làm để quay sang giúp Mỹ giải quyết các mối lo của Mỹ”.
Nguồn thạo tin nói rằng hai nhân vật chần chừ nhất trong vấn đề xích lại gần Saudi Arabia là ông Biden và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Theo nguồn tin, ông Biden lo vấp phải sự phản đối ở Washington, bao gồm từ các nghị sỹ Dân chủ - những người cho rằng ông quá yếu đuối – và từ Washington Post – tờ báo có ảnh hưởng lớn đã xuất bản những bài báo của nhà báo Khashoggi.
Về phần mình, ông Blinken lo ngại về vấn đề nhân quyền ở Saudi Arabia. Nước này mới đây xử tử 81 người và thương vong của dân thường vẫn xảy ra ở Yemen – nơi Saudi Araiba liên tục tiến hành các cuộc không kích nhằm vào phiến quân Houthi kể từ khi lực lượng này lật đổ chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen vào năm 2015.
Cũng giống như đối với việc việc ông Biden đã quá cứng rắn với Saudi Arabia vào đầu nhiệm kỳ, nhiều chính trị gia ở Washington giờ đây lo ngại rằng ông quá mềm mỏng trong nỗ lực tập hợp đồng minh để chống lại Nga.
An Huy
VnEconomy
|