Tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam 2 tháng đầu năm 2022 đạt gần 5 tỷ USD
Tuy Việt Nam đã dần mở cửa trở lại sau khi kiểm soát được đợt bùng phát dịch lần thứ 3 nhưng dòng vốn từ nước ngoài vẫn chưa thể hồi phục nhưu thời điểm trước dịch.
Theo Báo cáo của Tổng Cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/02/2022 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 5 tỷ USD, giảm 8.5% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/02 các năm 2018-2022
Nguồn: Tổng Cục Thống kê
|
Đối với phần vốn đăng ký cấp mới, có 183 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 631.8 triệu USD, tăng 45.2% về số dự án và giảm 80.9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 346.8 triệu USD, chiếm 54.9% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 186.9 triệu USD, chiếm 29.6%; các ngành còn lại đạt 98.1 triệu USD, chiếm 15.5%.
Trong số 28 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2022, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 222.8 triệu USD, chiếm 35.3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) 112.7 triệu USD, chiếm 17.8%; Trung Quốc 78.9 triệu USD, chiếm 12.5%; Hàn Quốc 63.4 triệu USD, chiếm 10%; Đài Loan 43.9 triệu USD, chiếm 7%.
Đối với vốn đăng ký điều chỉnh, có 142 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 3.59 tỷ USD, tăng 123.8% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2.9 tỷ USD, chiếm 68.7% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.16 tỷ USD, chiếm 27.5%; các ngành còn lại đạt 160.4 triệu USD, chiếm 3.8%.
Còn đối với vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN), có 400 lượt đăng ký với tổng giá trị góp vốn 769.6 triệu USD, tăng 41.7% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 174 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 91.5 triệu USD và 226 lượt NĐTNN mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 678.1 triệu USD. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của NĐTNN, vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 357.8 triệu USD, chiếm 46.5% giá trị góp vốn; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 228.7 triệu USD, chiếm 29.7%; ngành còn lại 183 triệu USD, chiếm 23.8%.
Bên cạnh vốn đăng ký, vốn thực hiện của NĐTNN tại Việt Nam cũng ghi nhận mức tăng đáng kể. Cụ thể, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 2 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 2.68 tỷ USD, tăng 7.2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 2.02 tỷ USD, chiếm 75.4% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 324.3 triệu USD, chiếm 12.1%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 210 triệu USD, chiếm 7.8%.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 2 tháng đầu năm các năm 2018-2022 (Tỷ USD)
Nguồn: Tổng cục Thống kê
|
Ở chiều ngược lại, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 2 tháng đầu năm 2022 ghi nhận 21 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 51.7 triệu USD, gấp 2.4 lần so với cùng kỳ năm trước; có 2 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh giảm 7.2 triệu USD.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 44.5 triệu USD, gấp 2.1 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Hoạt động khai khoáng đạt 33.5 triệu USD; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe động cơ khác đạt 15.1 triệu USD; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 9.2 triệu USD; riêng lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo điều chỉnh giảm 16.4 triệu USD.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, có 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Lào là nước dẫn đầu với 48.2 triệu USD; Singapore 7.4 triệu USD; Hoa Kỳ 2.9 triệu USD; Trung Quốc 1.3 triệu USD; Hàn Quốc 575 ngàn USD; Myanmar điều chỉnh giảm 16.4 triệu USD.
Thượng Ngọc
FILI
|