Khi nào giấc mơ trung tâm tài chính của TP.HCM thành hiện thực?
Để thực hiện trung tâm tài chính quốc tế, TP.HCM sẽ cần kiến nghị sửa đổi rất nhiều quy định, luật pháp, đòi hỏi một quá trình dài hơi.
20 năm là thời gian mà giấc mơ trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế của TP.HCM trễ hẹn. Những phân tích xung quanh đề án phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế cho thấy rất nhiều trở lực mà thành phố phải đối mặt, đòi hỏi sửa nhiều quy định hiện hành và có một quy phạm pháp luật mới về tài chính.
TP.HCM đã vạch ra một lộ trình phát triển với các bước đi rõ ràng. Nhưng quá trình này có rất nhiều thách thức, đặc biệt trong thay đổi thể chế, chính sách. Lợi ích thì rất nhiều, nhưng quan ngại lớn nhất của các chuyên gia khi xây dựng trung tâm tài chính là cần có một lộ trình để thành phố đủ năng lực kiểm soát rủi ro.
Lần này, liệu quyết tâm chính trị của chính quyền TP.HCM nhiệm kỳ 2021-2026 có thể biến giấc mơ 20 năm này thành hiện thực?
Cuối nhiệm kỳ mới có thể thông qua đề án
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam (trưởng nhóm tư vấn nghiên cứu đề án xây dựng TTTC quốc tế TP.HCM), một trong những rào cản lớn nhất hiện nay của Việt Nam trong xây dựng trung tâm tài chính là tự do hóa tài chính.
Hiện, trên thế giới chỉ có TTTC của Trung Quốc là không cần tự do hóa tài chính theo hướng quốc tế, tức đồng nhân dân tệ không có khả năng chuyển đổi, dòng vốn ra - ngoài đều bị kiểm soát chặt chẽ. Nhờ quy mô thị trường nội địa lớn, các tổ chức tài chính toàn cầu vẫn phải đến Trung Quốc xin cấp phép, hoạt động kinh doanh để khai thác thị trường này.
Nhưng với các TTTC còn lại, đặc biệt tại Đông Nam Á, bắt buộc phải có lộ trình tự do hóa tài chính.
Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam. Ảnh: Thu Hằng.
|
Theo nghiên cứu, ít nhất đến năm 2030, Việt Nam vẫn chưa thể thực hiện mạnh mẽ việc này nhằm tự do hóa khả năng chuyển đổi của đồng tiền hay tháo bỏ hầu hết kiểm soát về dòng vốn chảy vào cũng như chảy ra. Tại Việt Nam, trong chiến lược phát triển tài chính của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cũng chưa đề cấp đến lộ trình tự do hóa tài chính.
Trước thực tế đó, đánh giá khách quan về tính khả thi của đề án trung tâm tài chính TP.HCM, ông Thành cho rằng từ nay đến 2030 cũng chưa thể "mạnh tay" tự do hóa tài chính.
"Chúng tôi nhận định đề án này làm nhanh nhất để trình thì cũng phải đến cuối nhiệm kỳ mới có được bước thông về các chính sách đột phá và chuẩn bị. Và có thông thì cũng chưa áp dụng chính thức mà là đột phá mang tính chất thí điểm để đưa vào triển khai giai đoạn 2026-2030", ông Thành phân tích.
3 giai đoạn phát triển TTTC của TP.HCM
Giai đoạn 2021-2025: Củng cố vị thế là TTTC quốc gia
Giai đoạn 2026-2030: Phát triển TP.HCM thành TTTC khu vực
Giai đoạn sau 2030: Phát triển TP.HCM thành TTTC toàn cầu
|
Theo kế hoạch, từ 2026, TTTC quốc tế TP.HCM được tự do hóa tài chính mạnh hơn để trở thành một TTTC toàn cầu. Mô hình gồm ba cấu phần sau: Thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng; thị trường vốn; và thị trường hàng hóa phái sinh.
Chia sẻ về khó khăn của mô hình này, TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho biết ông được giao nhiệm vụ hỗ trợ hình thành sàn giao dịch hàng hóa phái sinh ở phía bắc từ 2019, thế nhưng đến nay đã 3 năm vẫn không xin được giấy phép vì nhiều khó khăn.
"Không cấp phép thì ai đi làm cũng sai, ai sờ vào cũng thấy bị sai phạm. Mà sai phạm bây giờ thì nặng nề lắm", ông nêu ra khó khăn.Lối ra nào cho TP.HCM?
Từ dẫn chứng đó, ông Kiên chung nhận định rằng để thực hiện hóa đề án này sẽ phải sửa rất nhiều luật.
Ông gợi ý TP.HCM có thể đề xuất Quốc hội cho nghị quyết thí điểm trong giai đoạn 1 (đến năm 2025). Sau đó, TP.HCM tổng kết để đưa vào văn kiện Đại hội Đảng XIV. Đến năm 2026, nếu cần sửa gì thêm thì TP.HCM tiếp tục đề xuất.
Quận 1 hiện là trung tâm tài chính sôi động của TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.
|
Có câu chuyện tương tự, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, kể lại Việt Nam từng có chiến lược chuyển đổi tiền đồng tới năm 2020. Thế nhưng đến nay, kế hoạch này vẫn chưa thực hiện. "Tôi cũng không dám chắc tới 2030 là được", ông nói.
Nhấn mạnh thời gian không còn nhiều, ông cho rằng TP.HCM phải hoàn thiện đề án này rất nhanh. Đầu tiên, thành phố phải có nghị quyết của Bộ Chính trị, sau đó trình Chính phủ, lấy ý kiến các bộ, ban, ngành. Tiếp đó, TP.HCM phải trình đề án lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tốt nhất là trong tháng 11 tới phải trình Quốc hội.
Một lưu ý nữa là đề án này cần nằm trong chương trình hành động của Chính phủ năm tới để có thể đẩy nhanh quá trình hoàn thiện.
"Hãy dám chơi nhưng phải biết chơi và đằng sau là một quyết tâm chính trị rất cao. Đồng thuận thì rất tốt, nhưng cái gì đột phá thì không có 100% đồng thuận, mà có 100% đồng thuận thì không phải đột phá", ông đưa lời khuyên.
Trong khi đó, GS.TS Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TP.HCM, bày tỏ quan điểm không đồng thuận với cách tiếp cận chờ Trung ương.
"Ta chờ 20 năm nay rồi, lập luận như thế thì trung tâm này không bao giờ ra đời", ông nói.
Vị này gợi ý kinh nghiệm từ TTTC quốc tế Thiên Tân được Trung Quốc đặt tên là Khu trình diễn tài chính sáng tạo và cho cơ chế đặc thù. Ông cho rằng khu Thủ Thiêm cũng có thể áp dụng phương thức tương tự.
Tranh cãi về thời điểm xây dựng casino trong TTTC
Một trong những vấn đề được giới chuyên gia chú ý trong đề án của TP.HCM là có phần xây dựng dịch vụ giải trí phụ trợ như casino, khu phí thuế quan, khu mua sắm và giải trí đẳng cấp... Điều khiến các chuyên gia tranh cãi không phải là nên có dịch vụ hỗ trợ hay không, mà là nên làm ở giai đoạn nào.
Lý giải đề xuất đưa dịch vụ giải trí vào trung tâm tài chính, bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) - đơn vị phối hợp nghiên cứu đề án, chia sẻ IPPG mong muốn cho phép nhà đầu tư chiến lược được phát triển các dịch vụ bổ trợ khác (được quy hoạch khu vực riêng biệt với TTTC). Mục tiêu là tạo sức hấp dẫn thu hút các định chế tài chính hàng đầu thế giới và các nhà đầu tư, qua đó gia tăng khả năng cạnh tranh cho TP.HCM.
TP.HCM mong muốn phát triển cả khu vui chơi giải trí trong TTTC để thu hút du khách, nhà đầu tư. Ảnh: Phạm Ngôn.
|
Chia sẻ quan điểm, TS Trần Ngọc Thơ cho rằng phải có TTTC quốc tế rồi mới xây dịch vụ hỗ trợ như casino... Trung tâm tài chính quốc tế cần nhất là "tiền chạy quanh" và tài năng hội tụ về. Các tài năng này phải tập trung vào các lĩnh vực như bệnh viện, trường học... giải trí chỉ là phụ. Do đó, TP.HCM cần cân nhắc xem vốn đầu tư bao nhiêu và tạo lợi ích như thế nào để ra quyết định.
"Cần suy nghĩ kỹ xem đây có phải tình trạng 'bia kèm đậu phộng' không. TP.HCM được gì, mất gì? Tôi cho rằng trong TTTC thì dịch vụ tài chính chọn dịch vụ phụ trợ, chứ không phải ngược lại", ông nói.
Có quan điểm khác, bà Lê Ngọc Thùy Trang, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước (HFIC) - đơn vị thực hiện đề án, cho rằng trong một hệ sinh thái cần có cả dịch vụ tài chính lẫn dịch vụ hỗ trợ và không thể tách rời. Hai loại này nên phát triển đồng thời bởi các dịch vụ giải trí sẽ giúp thu hút dòng tiền, nhà đầu tư, từ đó mới có thể thu hút dòng tiền, tạo nên các giao dịch về tài chính.
Thu Hằng
Zing.vn
|