Hơn 3.700 xe hàng đang tập trung chờ xuất sang Trung Quốc
“Cận Tết, lượng xe chờ xuất khẩu đã trở lại con số bình thường, nhưng tình trạng ùn tắc đang có xu hướng xuất hiện trở lại”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết.
Theo báo cáo của Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía bắc tại cuộc họp chiều 25/2, đến sáng hôm qua, tổng số xe chờ xuất khẩu tại cửa khẩu là 3.728 chiếc, tập trung tại Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, và Cao Bằng.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhất trí với đề xuất bố trí bãi tập kết phương tiện gần cửa khẩu, sau đó hợp tác với phía Trung Quốc để cùng tiến hành khử khuẩn cho hàng hóa và phương tiện cũng như lấy mẫu xét nghiệm cho lái xe.
Tài xế đã được 2 bên xác nhận âm tính có thể đi thẳng qua biên giới để vào bãi sang tải, không phải qua khử khuẩn hoặc xét nghiệm lần 2.
Xe vẫn dồn về cửa khẩu
“Đến cận Tết, lượng xe chờ xuất khẩu đã trở lại con số bình thường; tuy nhiên, tình trạng ùn tắc đang có xu hướng xuất hiện trở lại”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh báo cáo tại cuộc họp.
Ông Khánh cho rằng tình trạng ùn tắc như hiện nay do Trung Quốc kiên trì chính sách “Zero Covid”, từ đó áp dụng biện pháp mạnh chưa từng có để phòng chống dịch bệnh. Ngoài ra, trước và sau Tết, năng lực bốc dỡ phía nước bạn cũng hạn chế. Đồng thời, lượng xe chở hàng hóa lên cửa khẩu vẫn liên tục tăng nhanh.
Về giải pháp, Thứ trưởng Bộ Công Thương đề xuất UBND tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng và Lào Cai bố trí bãi tập kết phương tiện gần cửa khẩu, sau đó cùng phía Trung Quốc khử khuẩn và lấy mẫu xét nghiệm cho lái xe tại các bãi này. “Phương tiện và lái xe đã được 2 bên xác nhận âm tính có thể đi thẳng qua biên giới để vào bãi sang tải, không phải qua khử khuẩn hoặc xét nghiệm lần 2 nữa”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.
Ông Khánh lý giải nếu phát hiện phương tiện, hàng hóa nhiễm SARS-CoV-2, phía Trung Quốc sẽ ngừng hoạt động thông quan để khử khuẩn toàn bộ khu vực cửa khẩu 1-2 ngày. Trong khi đó, nếu phát hiện phương tiện, hàng hóa, lái xe nhiễm SARS-CoV-2 trên đất Việt Nam thì chỉ cần không cho phương tiện đó ra cửa khẩu là đủ.
Dự kiến các cửa khẩu tại Lạng Sơn sẽ nâng năng lực thông quan lên 150-200 xe/ngày. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.
|
Phó chủ tịch UBND Lạng Sơn Đoàn Thu Hà cho biết hiện ôtô vẫn ùn khoảng 1.700 chiếc, trong đó 70% là xe chở nông sản. Giải tỏa lượng xe ùn tắc này phải mất 15 ngày. Tỉnh đã khuyến cáo không đưa xe lên cửa khẩu nhưng hàng ngày vẫn có 50-70 chiếc lên Lạng Sơn.
Bà Hà cũng cho biết nhiều trường hợp âm tính tại Việt Nam, nhưng lại dương tính theo chỉ số của Trung Quốc. Do đó cần nghiên cứu, trao đổi, thống nhất với phía bạn về thực hiện công nhận một lần đối với kết quả xét nghiệm Covid-19 và khử khuẩn hàng hóa.
Đề ra giải pháp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho rằng cần thống nhất với phía bạn về thí điểm phương thức giao nhận hàng hóa hạn chế tiếp xúc, từ đó cửa khẩu Tân Thanh có thể nâng năng lực thông quan lên 150-200 xe/ngày và có thể cao hơn nữa (hiện khoảng 30-40 xe/ngày).
Phương thức giao nhận mới sẽ áp dụng chính thức từ ngày 26/2 tại cửa khẩu Tân Thanh. Với cửa khẩu Hữu Nghị sẽ áp dụng phương thức giao nhận mới từ ngày 1/3.
Kiên quyết chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá những chính sách đã triển khai thời gian qua là kịp thời, nhưng chưa căn cơ, chưa giải quyết tận gốc, triệt để tình trạng ùn tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu.
Thời gian tới, Phó thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh thông tin về tình trạng ùn tắc, hạn chế phương tiện dồn về cửa khẩu và phối hợp chặt chẽ với phía bạn để đẩy nhanh tốc độ thông quan.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp với các bộ và địa phương phía bắc ngày 25/2. Ảnh: Đức Tuân.
|
Ông Thành cũng yêu cầu UBND các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng và Lào Cai huy động lực lượng tại chỗ, phối hợp với các cơ quan hữu quan của Trung Quốc để thiết lập mô hình vùng xanh chung của hai nước.
“Bố trí bãi tập kết phương tiện gần cửa khẩu, sau đó hợp tác với phía Trung Quốc để cùng tiến hành khử khuẩn cho hàng hóa và phương tiện cũng như lấy mẫu xét nghiệm cho lái xe”, Phó thủ tướng nói.
Về dài hạn, Phó thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan trong 15 ngày trình Chính phủ các cơ chế quy định rõ về tiêu chuẩn hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu tiểu ngạch để thống nhất thực hiện; đồng thời đề xuất các cơ chế khuyến khích chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch đối với nông sản.
Hồng Quang
ZING
|