Giá nguyên liệu và cước vận tải tăng cao cản trở doanh nghiệp đồ gỗ
Giá gỗ nguyên liệu cùng với chi phí vận chuyển đường biển quốc tế tăng phi mã khiến cho doanh nghiệp ngành gỗ xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn.
Sản xuất của một doanh nghiệp đồ gỗ. Ảnh minh họa: TL
|
Đại diện một công ty chuyên làm đồ gỗ ngoài trời ở Bình Định cho biết hiện đang có doanh nghiệp chào gỗ nhập khẩu với mức giá 215 đô la Mỹ/m3 gỗ bạch đàn xẻ, trong khi mức giá cao nhất trước đó mà doanh nghiệp này mua chỉ là 172-175 đô la/m3.
Tương tự, một doanh nghiệp khác tại tỉnh miền Trung này cũng chia sẻ, có những lô gỗ bạch đàn nhập về cảng giá đã lên tới 300 đô la/m3, mức cao nhất trong lịch sử. Giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu cao trong khi giá sản phẩm đầu ra không đổi làm cho lợi nhuận của doanh nghiệp giảm mạnh.
Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách, Tổ chức Forest Trends, cũng xác nhận rằng hiện nay nhiều nhà cung cấp gỗ nguyên liệu đang chào gỗ cho các doanh nghiệp Việt Nam với mức giá cao hơn rất nhiều so với trước đó.
Theo chuyên gia này, đại dịch với các hoạt động giãn cách tạo ra sự khan hiếm nguồn cung gỗ tại một số quốc gia cung gỗ chính cho Việt Nam. Nhất là đối với các nguồn cung rủi ro thấp như Mỹ và các nước châu Âu.
“Các gói kích cầu và nguồn vay lãi suất thấp tại các quốc gia này làm bùng nổ nhu cầu xây dựng có sử dụng gỗ nguyên liệu tại đây”, ông Phúc nói, và cho rằng: “Nguồn gỗ xuất khẩu càng trở nên khan hiếm, đẩy giá gỗ nguyên liệu tăng cao”.
Bên cạnh giá nguyên liệu gỗ tăng cao, theo các doanh nghiệp trong ngành, giá cước vận chuyển cũng tăng cao khiến doanh nghiệp khó khăn.
Thông tin về chỉ số giá cước vận tải toàn cầu Drewry World Container cho thấy cước phí vận chuyển đối với 1 container 40 feet đã tăng từ khoảng dưới 1.500 đô la vào tháng 7-2019 lên tới gần 8.500 đô la vào tháng 7-2021.
“Giá cước vận chuyển và giá gỗ nguyên liệu đầu vào tăng làm cho ngành gỗ Việt Nam giảm lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế”, ông Phúc nói, và cho biết: “Do thiếu container rỗng, thời gian vận chuyển bây giờ kéo dài hơn 4-5 lần so với trước thời điểm dịch. Điều này làm nhiều doanh nghiệp không chủ động được nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào và trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và kế hoạch giao hàng”.
Một doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ tại tỉnh Bình Dương chia sẻ rằng do giá gỗ nhập khẩu cùng với cước phí vận chuyển tăng cao làm lợi nhuận của doanh nghiệp giảm từ 7-8% xuống còn 3-4%, thậm chí một số dòng hàng hóa chỉ hòa vốn.
Sản xuất của một doanh nghiệp đồ gỗ. Ảnh minh họa: TL
|
Nguồn gỗ rừng trồng trong nước đã được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng là một trong những nguồn cung quan trọng để thay thế nguồn cung nhập khẩu. Tuy nhiên cho đến nay vẫn còn rất nhiều hạn chế để tạo ra nguồn cung gỗ rừng trồng trong nước có chất lượng cao.
Bởi lẽ phần lớn gỗ rừng trồng của Việt Nam là gỗ nhỏ, với 60-70% được đưa vào làm dăm gỗ và viên nén. Lượng gỗ lớn, đặc biệt là gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) vẫn rất hạn chế.
Thời gian tới, để tạo được nguồn gỗ nguyên liệu trong nước phục vụ tiêu dùng nội địa và chế biến xuất khẩu, chuyên gia Tô Xuân Phúc nhấn mạnh đòi hỏi các cơ chế, chính sách về liên kết chuỗi và về đất đai có những thay đổi mang tính đột phá.
Cụ thể, các chính sách về đất đai, liên kết hợp tác kinh doanh trong ngành cần thay đổi theo hướng tạo môi trường thúc đẩy hình thành liên kết, “cởi trói” và giải phóng tiềm năng về đất đai thông qua các mô hình liên kết.
Đại diện Tổ chức Forest Trends cũng kiến nghị cần siết chặt kiểm soát gỗ rủi ro nhập khẩu, quản lý và minh bạch hóa thị trường nội địa sẽ giúp giảm lượng cung gỗ rủi ro nhập khẩu, từ đó tạo cơ hội cho các nguồn gỗ rừng trồng trong nước, bao gồm cả gỗ tạo ra bởi các mô hình liên kết phát triển. Mặt khác, theo tổ chức này cần đa dạng hóa các loài cây nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng về chủng loại sản phẩm.
“Các cơ chế chính sách này sẽ tạo ra động lực nhằm giúp ngành giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, giúp nâng hình ảnh và vị thế ngành gỗ Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời trực tiếp thúc đẩy mở rộng các diện tích rừng chất lượng cao tại Việt Nam trong tương lai”, ông Phúc nói.
Hùng Lê
TBKTSG
|