Thứ Hai, 21/02/2022 11:18

CLB xuất khẩu trên 10 tỷ USD: Tham vọng và thách thức

Năm 2021 Việt Nam có thêm 2 nhóm ngành mới xuất hiện trong câu lạc bộ (CLB) xuất khẩu trên 10 tỷ USD, kéo dài danh sách này lên con số 8. Bước qua năm 2022, CLB tiếp tục được kỳ vọng mang về nhiều thành tích mới. Song cùng với những mục tiêu đầy tham vọng là thách thức không thể xem nhẹ.

Thương hiệu giày Nike có đến 51% được sản xuất tại Việt Nam.

Dấu ấn 2021

Năm 2021, xuất nhập khẩu (XNK) trở thành một trong những điểm sáng của nền kinh tế khi đạt kỷ lục gần 670 tỷ USD, tăng 23% so với năm trước. Trong đó, kim ngạch XK hàng hóa đạt hơn 336 tỷ USD, tăng 19%. Có 35 mặt hàng XK trên 1 tỷ USD, đặc biệt có 8 mặt hàng XK trên 10 tỷ USD là điện thoại và linh kiện, điện tử máy tính và linh kiện, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác, dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng.

Như vậy sắt thép cùng phương tiện vận tải và phụ tùng là 2 “lính mới” trong CLB xuất khẩu trên 10 tỷ USD, trong đó sự bứt phá của nhóm ngành sắt thép đã gây nhiều ngạc nhiên khi tăng trưởng xuất khẩu hơn 100%.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, năm 2021 XK thép mang về hơn 12,7 tỷ USD, tiêu thụ 14 triệu tấn cho toàn ngành, tăng 124,3% so với năm 2020. Đây cũng là năm ngành thép ghi dấu sự chuyển dịch mạnh mẽ trong cơ cấu XK khi giảm dần tỷ trọng XK sang các thị trường ASEAN, Trung Quốc… đẩy mạnh xuất qua các thị trường khó tính Mỹ, EU.

Ngành thép có mức tăng trưởng XK ấn tượng trong năm 2021 do nhiều quốc gia đang đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, đã tạo cơ hội XK cho các quốc gia xung quanh trong đó có Việt Nam. Các doanh nghiệp (DN) Việt đã tận dụng rất tốt cơ hội này.

Các hội viên khác trong CLB cũng tạo nhiều bứt phá ngoạn mục trong năm 2021. Như ngành da giày - túi xách, quý III-2021 XK giảm mạnh do 80% nhà máy tại khu vực phía Nam (chiếm 70% sản lượng cũng như kim ngạch XK toàn ngành) phải tạm ngưng hoạt động vì dịch.

Lúc ấy, chia sẻ với ĐTTC, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso), cho biết toàn ngành cố hết sức kim ngạch XK cũng chỉ bằng 2020. Song với sự tăng tốc, làm đêm ngày để kịp giao hàng trong quý IV, ngành da giày - túi xách vẫn đạt kim ngạch XK 20,78 tỷ USD (tăng 4,6% so với 2020), trong đó riêng giày dép đạt 17,9 tỷ USD.

Tương tự, ngành dệt may cũng có năm nhiều sóng gió. Trước những ảnh hưởng nặng nề của dịch, trong quý III-2021 ngành dệt may liên tục điều chỉnh giảm mục tiêu XK. Thế nhưng trong 3 tháng cuối năm, các DN đã lội ngược dòng để toàn ngành cán đích mục tiêu 39 tỷ USD (tăng 12% so với 2020 và tăng 0,3% so với 2019).

Đáng chú ý, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đạt kết quả nằm ngoài các dự báo trước đó. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của Vinatex cán mốc 1.200 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ, cao hơn năm 2019 (thời điểm trước dịch) tới 70%. Gỗ và các sản phẩm gỗ cũng khép lại năm 2021 đầy ấn tượng khi cán đích 14,8 tỷ USD xuất khẩu, tăng 19,7%.

Tham vọng 2022

Bước qua năm 2022 ngành da giày - túi xách đặt mục tiêu tăng trưởng 10-15% (tương đương 23-25 tỷ USD). Theo Lefaso, đến thời điểm này các DN đã có đơn hàng đến hết quý I, thậm chí có DN có đơn hàng đến hết tháng 8.

Quan trọng hơn, các nhà mua hàng toàn cầu ngày càng tin tưởng vào đối tác Việt Nam nhờ giá nhân công hợp lý, chất lượng sản phẩm đáp ứng các đòi hỏi khắt khe.

Minh chứng rõ nét là thương hiệu giày Nike (Mỹ), năm 2021 có tới 51% sản phẩm giày của hãng này được sản xuất tại Việt Nam, so với 21% tại Trung Quốc. Hay thương hiệu giày nổi tiếng khác là Adidas có tới 40% sản lượng được sản xuất tại Việt Nam.

Hiện Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép, đạt 1,23 tỷ đôi trong năm 2020 và tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 trong năm 2021 với hơn 10% tổng số lượng giày dép XK của thế giới.

Ngành dệt may đưa ra 3 kịch bản trong năm 2022, trong đó kịch bản tích cực nhất nếu dịch được kiểm soát tốt trong quý I, kim ngạch XK có thể đạt 42-43,5 tỷ USD. Hiện hầu hết DN ngành dệt may có đơn hàng đến hết quý I, nhiều DN có đến hết tháng 5.

Các nhà mua hàng cũng rất hài lòng với chất lượng và tính cam kết của DN Việt. Trong khi đó, 6 thành viên còn lại của CLB xuất khẩu trên 10 tỷ USD cũng có những mục tiêu không nhỏ trong năm nay.

Như ngành gỗ và các sản phẩm gỗ muốn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng 20% và cán mốc 17,5-18 tỷ USD. Còn với thép, dự báo ngành sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công trên thế giới, khi trong quý I nhu cầu thép tiếp tục ở mức cao do các nền kinh tế lớn thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt là Mỹ.

Dự luật đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD ở Mỹ sẽ làm tăng nhu cầu thép khoảng 5 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2022-2025. Đây sẽ là cơ hội cho DN thép Việt Nam.

Thách thức không thể bỏ qua

Thách thức được xem là lớn nhất, nằm ngoài tầm kiểm soát của DN là vấn đề logistics. Tại hội thảo giải quyết khó khăn cho DN XNK TPHCM hồi giữa tháng 1 vừa qua, hầu hết DN cho biết chi phí logistics tăng cao trong khi thời gian vận chuyển kéo dài đang bào mòn lợi nhuận, khiến DN không dám nhận đơn hàng mới.

Chia sẻ tại hội thảo này, ông Huỳnh Văn Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TPHCM, cho biết: “Chi phí vận tải biển đã tăng 3-10 lần trong 2 năm qua, áp lực lên các DN XNK rất lớn. Trước đây, hàng từ cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đi Mỹ có thể mất 18-30 ngày giờ lên 3 tháng”.

Hiện các công ty logistics tại Việt Nam mới chỉ cung cấp các dịch vụ phổ thông cơ bản do chưa đủ tiềm lực, kinh nghiệm, vì vậy 65% và 73% hàng hóa NK/XK được thực hiện bởi DN FDI, hầu hết gói logistics đều được chỉ định từ các gói thầu quốc tế.

Theo ông Cường, Việt Nam cần hình thành mạng lưới DN logistics lớn và có cơ chế đặc biệt cho các DN này phát huy vai trò dẫn dắt thị trường, giảm chi phí logistics, giúp ngành logistics Việt Nam phát triển, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm và hàng hóa Việt, đáp ứng nhu cầu logistics ngày càng cao không chỉ của thị trường trong nước mà thu hút được sự quan tâm và sử dụng của DN FDI.

Một thách thức nữa cũng cần được quan tâm với các nhóm ngành XK lớn là việc phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Theo thống kê, 10 năm qua thép Việt Nam là một trong những mặt hàng có số lượng vụ kiện do nước ngoài khởi xướng tăng mạnh. Với đà tăng trưởng nhanh như năm 2021 và dự báo lạc quan của 2022, DN sẽ không thể chủ quan.

Thanh Lâm

SGĐTTC

Các tin tức khác

>   Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế bị bắt vì liên quan đến vụ Việt Á (21/02/2022)

>   Xuất siêu đầu năm: Mừng ít lo nhiều? (21/02/2022)

>   Standard Chartered tin kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 (20/02/2022)

>   Giải pháp gì để giảm giá cước vận tải biển tăng cao gấp 3-5 lần? (18/02/2022)

>   Định hình rõ mô hình trung tâm tài chính quốc tế ở TP. Hồ Chí Minh (18/02/2022)

>   Đà Nẵng sẽ đón chuyến bay chở khách quốc tế đầu tiên vào 27/3 (18/02/2022)

>   Cửa khẩu Kim Thành tạm dừng xuất khẩu hàng hóa (18/02/2022)

>   Bộ Tài chính đề xuất nới lỏng điều kiện mở casino (17/02/2022)

>   Trung Quốc xuất siêu gần 7 tỉ đô la vào Việt Nam trong tháng đầu năm (17/02/2022)

>   Các dự án casino trong nước thu hàng nghìn tỷ mỗi năm (17/02/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật