Giải pháp gì để giảm giá cước vận tải biển tăng cao gấp 3-5 lần?
Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách để vận tải biển đáp ứng tốt nhu cầu của toàn xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Sản lượng hàng container thông qua cảng biển liên tục tăng dù có dịch COVID-19. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
|
Liên quan đến việc giá thuê vỏ container và giá cước vận tải biển tăng cao (gấp 3-5 lần) so với trước đây, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra các giải pháp giảm giá cước vận tải biển, phát triển đội tàu biển nhằm nâng cao tính chủ động cho hoạt động xuất nhập khẩu, tăng thị phần.
Để kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm giá cước vận tải biển, giảm chi phí logistics, Bộ Giao thông Vận tải đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai ngay các giải pháp chính như thành 2 lập Tổ công tác liên ngành (với Bộ Công thương, Bộ Tài chính) kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá cước, phụ thu ngoài giá và các vấn đề khác liên quan đến dịch vụ vận chuyển container bằng đường biển của các hãng tàu nước ngoài vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu đi châu Âu, châu Mỹ; giải quyết tình trạng ùn tắc hàng tại cảng.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đẩy nhanh thủ tục ra, vào cảng cho tàu thuyền; tăng hiệu suất khai thác cảng; kiểm tra, rà soát, quản lý chặt về giá, phụ phí; giảm giá dịch vụ hoa tiêu, lai dắt đối với tàu hoạt động nội địa; gia hạn các chứng chỉ chuyên môn, giấy chứng nhận cấp cho thuyền viên đang đảm nhận chức danh trên biển bị hết hạn được sử dụng tiếp; phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sản xuất container rỗng…
Vì vậy, toàn bộ hệ thống cảng biển của Việt Nam cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu vận tải hàng hóa trong nước và hàng hóa xuất, nhập khẩu. Cục Hàng hải Việt Nam đã làm việc với các hãng tàu và hãng tàu đã có thông báo không tăng giá cước.
Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh lĩnh vực vận tải biển và phát triển đội tàu biển Việt Nam, trong những năm qua, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển như hỗ trợ vay vốn đóng tàu, miễn thuế thu nhập cho thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển nước ngoài, hạn chế tuổi tàu hỗ trợ ngành công nghiệp đóng tàu, cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác quốc tế nâng cao vị thế đội tàu và vận tải biển Việt Nam...
Trước bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, đặc biệt lĩnh vực hàng hải có tính quốc tế cao, hoạt động toàn cầu, cạnh tranh theo cơ chế thị trường rất gay gắt, ngày 12/11/2021, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Cục Hàng hải Việt Nam nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển đội tàu biển quốc tế của Việt Nam (dự kiến ban hành trong năm 2022) để giảm chi phí và nâng cao tính chủ động cho hoạt động xuất nhập khẩu, tăng thị phần vận tải của đội tàu biển Việt Nam.
Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách để vận tải biển đáp ứng tốt nhu cầu của toàn xã hội, với chất lượng dịch vụ ngày càng nâng cao, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia./.
Hiện nay quy mô đội tàu của Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 28 trên thế giới. Đội tàu biển Việt Nam có khoảng 1.494 tàu với tổng trọng tải trên 11,6 triệu DWT, tổng dung tích 7,1 triệu GT.
Năm 2021, mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19 nhưng tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam vận chuyển vẫn tăng trưởng, ước đạt 156,5 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020; đặc biệt, sản lượng hàng container của đội tàu biển Việt Nam ước đạt 3,04 triệu Teus, tăng 12% so với năm trước. Đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam hiện vẫn đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển.
|
Việt Hùng
Vietnam+
|