Thứ Tư, 23/02/2022 10:16

Giá vật liệu xây dựng tăng mạnh

Theo khảo sát của phóng viên tại một số cửa hàng vật liệu xây dựng (VLXD) ở quận 12 (TPHCM) ngày 22/2, giá hầu hết các loại VLXD như thép, cát, đá xanh, xi măng đã tăng so với cuối năm 2021.

Trong đó, giá cát tăng khoảng 10.000 đồng/m3, từ 290.000 đồng/m3 lên 300.000 đồng/m3 với cát xây tô, cát bê tông vàng tăng lên 420.000 đồng/m3; xi măng tăng từ 3.000-5.000 đồng/bao 50kg; gạch ống tăng khoảng 100 đồng/viên; các loại sắt thép cũng tăng gần 500 đồng/kg…

Ông Nguyễn Thanh Huy, chủ cửa hàng VLXD Huy Phát (quận 12), nói rằng, giá xăng dầu tăng khiến giá cước vận tải tăng theo nên buộc ông phải tăng giá VLXD để bù vào chi phí vận chuyển. “Sắt thép từ nhà máy tăng giá ngay sau khi xăng dầu tăng giá vào ngày 11/2. Mới đây, xăng dầu tiếp tục tăng nên chi phí thuê xe chở VLXD cũng tăng thì tôi phải tăng giá mỗi thứ một ít để bù lỗ”, ông Huy nói.

Giá thép tăng mạnh sau Tết Nguyên đán. Ảnh: Như Ý

Trong khi đó, ông Lê Hoài Nam (thầu xây dựng) cho hay, từ cuối năm 2021 đến nay, giá VLXD tiếp tục tăng cao khiến các nhà thầu không dám ký các hợp đồng trọn gói (bao VLXD) mà chỉ nhận làm công hoặc đàm phán với chủ đầu tư chia sẻ rủi ro. “Trong năm 2021, giá thép tăng gần 50%, kéo theo các loại VLXD khác tăng theo từ 20% trở lên. Đặc biệt là mỗi lần xăng dầu tăng, tất cả các loại VLXD đều tăng theo khiến nhà thầu phải ngậm đắng nuốt cay, bỏ tiền túi ra trả lương công nhân vì lỗ vốn”, ông Nam chia sẻ.

Tương tự, anh Ngô Văn Dũng (thầu xây dựng) nhận công trình nhà ở 4 tầng ở quận Bình Tân, TPHCM từ đầu năm 2021 và thỏa thuận giá VLXD với một cửa hàng ở gần đó. Đến nay đã xây thô đến tầng 3 nhưng mới đây, chủ cửa hàng VLXD gọi điện báo sẽ tăng giá VLXD sau khi xăng tăng giá. Dù không đồng tình nhưng anh Dũng cũng phải chấp nhận trả thêm tiền VLXD vì tất cả các cửa hàng trong khu vực đồng loạt tăng giá từ giữa tháng. “Nhận nhà từ cuối năm 2021, đã thỏa thuận giá và ký hợp đồng với chủ nhà rồi nên tôi không thể tăng tiền công. Trong khi đó, VLXD lại đội giá lên, giờ tôi chỉ hy vọng không phải mang tiền nhà đi trả lương công nhân, chứ không dám nghĩ sẽ có lời”, anh Dũng ngao ngán.

Anh Duy Linh, quản lý công trình tại An Giang và TPHCM, cho biết, kể từ khi có lệnh cấm khai thác cát trái phép để hạn chế sạt lở, giá cát san lấp tăng và trở nên khan hiếm. Theo anh Linh, cát nói chung đều khai thác được trong nước nhưng không hiểu vì sao vẫn khan hiếm và tăng giá bất thường. Do giá vật liệu xây dựng tăng cao nên giá thầu công trình cũng phải tăng theo giá thị trường thêm 25-30% khiến người có nhu cầu xây, sửa chữa nhà ngao ngán.

Ngay cả doanh nghiệp (DN) sản xuất có sử dụng nguyên vật liệu thép cũng gặp khó khi giá sản phẩm này đang tăng phi mã. Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí điện TPHCM, cho biết, không ít DN nhóm ngành cơ khí kết cấu thép đang chịu lỗ vì các đơn hàng ký trước đó là lúc giá thép chưa tăng. Cũng do giá tăng liên tục nên DN e dè trong việc ký đơn hàng vì không có lời, còn nếu muốn tăng giá thì phải đàm phán lại hợp đồng với đối tác.

“Trong thời gian tới, DN tiếp tục gặp khó vì giá thép có thể sẽ lại tăng lên do nhiều dự án thu hút đầu tư tại Việt Nam được triển khai”, ông Tống nói.

Một lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, do chi phí vật liệu xây dựng chiếm 65-70% giá trị dự toán xây dựng công trình nên việc tăng giá trong những tháng đầu năm đã ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu tư xây dựng công trình cũng như hiệu quả của các dự án. Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tham mưu Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung ban hành các quy định của pháp luật có liên quan hoặc hướng dẫn theo thẩm quyền các nội dung liên quan đến việc sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng, giải pháp bình ổn giá vật liệu xây dựng.

Ngọc Mai

Ngô Bình Uyên Phương

Tiền phong

Các tin tức khác

>   Tắc nghẽn cảng biển, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu điều gì? (23/02/2022)

>   Bỏ hình thức thu phí thủ công từ 1/6 (22/02/2022)

>   Giá nguyên liệu và cước vận tải tăng cao cản trở doanh nghiệp đồ gỗ (22/02/2022)

>   Các dự án BOT giao thông thu được hơn 11.000 tỉ đồng (22/02/2022)

>   Phát triển đội tàu container quốc tế, tạo sức bật cho tăng trưởng hàng hóa qua cảng biển (22/02/2022)

>   Thực hiện “giấc mơ” về Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM (22/02/2022)

>   Muốn FDI chất lượng, thể chế phải hoàn chỉnh và ổn định (21/02/2022)

>   CLB xuất khẩu trên 10 tỷ USD: Tham vọng và thách thức (21/02/2022)

>   Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế bị bắt vì liên quan đến vụ Việt Á (21/02/2022)

>   Xuất siêu đầu năm: Mừng ít lo nhiều? (21/02/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật