Các lệnh trừng phạt và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm nhiều mặt hàng cơ bản, qua đó trực tiếp làm giá đầu vào của các doanh nghiệp tăng cao...
Căng thẳng Nga – Ukraine tiếp tục leo thang với diễn biến gần nhất là Tổng thống Nga Putin ngày 24/2 tuyên bố mở chiến dịch quân sự nhằm vào khu vực miền Đông của Ukraine. Động thái này đã làm chao đảo thị trường tài chính toàn cầu, gồm cả chứng khoán Việt Nam.
VIỆT NAM CHỊU ẢNH HƯỞNG GIÁN TIẾP
Theo Thương vụ Việt Nam tại Liên Bang Nga (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga trong năm 2021 đạt 7,14 tỷ USD tăng 25,9% so với năm 2020 và đứng thứ 21 trong số các đối tác thương mại chính của Liên Bang Nga. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong khu vực ASEAN và là đối tác lớn thứ 5 trong các nền kinh tế APEC (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản).
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Liên Bang Nga sang Việt Nam đạt 2,24 tỷ USD tăng 38,3% (đứng thứ 39 trong số các đối tác thương mại của Nga); kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam đạt 4,89 tỷ USD, tăng 20,9% so với năm 2020 (đứng thứ 12 trong các đối tác nhập khẩu chính của Nga). Việt Nam xuất siêu sang Nga 2,65 tỷ USD trong năm 2021.
Năm 2020, xuất khẩu từ Việt Nam sang Ukraine đạt 284,8 triệu USD (tăng 15,04%), nhập khẩu từ Ukraine đạt 193,5 triệu USD (tăng 58,81%), tổng kim ngạch đạt 478,33 triệu USD (tăng 29,48%).
Về đầu tư, cho đến nay, Ukraine có 27 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn khoảng 30,1 triệu USD (theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài tính đến tháng 9 năm 2020), đứng thứ 67 trên tổng số 138 nước và vùng lãnh thổ đầu tư và Việt Nam.
Theo Tổng cục Hải quan, tính cả năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 668,55 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, tương ứng tăng 123,23 tỷ USD. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 336,31 tỷ USD, tăng 19%, tương ứng tăng 53,68 tỷ USD và nhập khẩu đạt 332,23 tỷ USD, tăng 26,5%, tương ứng tăng 69,54 tỷ USD.
Như vậy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ukraina hay Nga chỉ vào khoảng 7,6 tỷ USD, chiếm khoảng 1,2% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước năm 2021.
Đánh giá về căng thẳng Nga - Ukraine ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Việt Nam? Bà Nguyễn Hoài Thu - Giám đốc Điều hành Khối Đầu tư Chứng khoán và Trái phiếu của VinaCapital cho rằng, rủi ro vĩ mô thế giới nhìn chung cũng có thể gián tiếp ảnh hưởng đà phục hồi chung của nền kinh tế Việt Nam.
Dưới góc nhìn của một nhà đầu tư, theo bà Thu, rủi ro dễ thấy nhất có thể ảnh hưởng danh mục đầu tư của VinaCapital từ sự kiện này là rủi ro lạm phát. Ở phía nguồn cung, các lệnh trừng phạt và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm nhiều mặt hàng cơ bản, qua đó trực tiếp làm giá đầu vào của các doanh nghiệp tăng cao.
Ở phía nguồn cầu, lạm phát còn có thể làm cho tiêu dùng và tiến độ giải ngân đầu tư trong nền kinh tế bao gồm cả đầu tư công chậm lại, do mặt bằng giá tăng cao và biến động khó lường.
Các công ty chịu ảnh hưởng trực tiếp có thể bao gồm các doanh nghiệp lệ thuộc vào giá hàng hóa cơ bản làm nguyên liệu đầu vào nhưng không có khả năng tăng giá bán bù lại chi phí nguyên liệu/vận chuyển tăng cao. Rất nhiều các doanh nghiệp này là những doanh nghiệp thuần túy xuất khẩu.
Đặc biệt, các doanh nghiệp lệ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu đầu vào sẽ có rủi ro khan hiếm nguồn cung trực tiếp do căng thẳng Ukraine-Nga gây ra, ví dụ như than - một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Nga, có thể bị ảnh hưởng lớn về lợi nhuận. Các hãng hàng không có thể chịu ảnh hưởng kép, khi chi phí giá dầu tăng cao và các đường bay bị gián đoạn.
Bà Nguyễn Hoài Thu - Giám đốc Điều hành Khối Đầu tư Chứng khoán và Trái phiếu của VinaCapital.
|
"Ngoài các rủi ro cụ thể nói trên, rủi ro vĩ mô thế giới nhìn chung cũng có thể gián tiếp ảnh hưởng đà phục hồi chung của nền kinh tế Việt Nam. Danh mục đầu tư của các quỹ mở do VinaCapital quản lý khó tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn của sự kiện trên, chủ yếu do thị trường chứng khoán thường sẽ biến động và nhạy cảm với các tin tức liên quan. Tuy nhiên, những rủi ro đề cập phía trên không ảnh hưởng nhiều đến triển vọng của các doanh nghiệp mà VinaCapital đang đầu tư vào", bà Thu nhấn mạnh.
Chuyên gia của VinaCapital cũng khuyến nghị các nhà đầu tư nên giữ bình tĩnh và suy xét kỹ các dự định rút tiền ra khỏi thị trường. Khi thị trường giảm sâu sẽ là cơ hội để mua vào những cổ phiếu tốt với giá rẻ hơn vì quỹ này vẫn luôn tin tưởng vào triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam trong dài hạn.
FDI CÓ THỂ DỊCH CHUYỂN SANG VIỆT NAM?
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập của FIDT, tác động tới nền kinh tế và doanh nghiệp là rất thấp, bởi giao thương giữa Việt Nam với Ukraine và Nga chưa tới 8 tỷ đô, tức chỉ đâu đó 1% kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021.
Ngược lại, các lệnh trừng phạt kinh tế từ phía EU – Mỹ sẽ đẩy giá các mặt hàng tăng cao và tạo cơ hội cho các nước xuất khẩu khác. Điển hình, Nga là một trong những cường quốc xuất khẩu phân bón lớn, và với một đất nước sản xuất và xuất khẩu phân bón tốt như Việt Nam thì đây là một cơ hội rất sáng.
Ngoài ra, cũng không tác động kinh tế hay chính trị nên cần bình tĩnh và nhìn nhận đây là cơ hội bởi sự lo ngại về tâm lý.
FIDT giữ nguyên quan điểm đây là cơ hội đầu tư dài hạn chất lượng. Vì cơ bản trong ngắn hạn, tài sản rủi ro đều giảm bởi tâm lý. Tổng thể, cuộc chiến này không ảnh hưởng nhiều tới toàn cầu, chỉ khoanh vùng ở đây.
"Trong bối cảnh này cần giữ cái đầu lạnh và có nước đi quản trị danh mục hợp lí thay vì lo lắng. Không ai muốn cuộc chiến xảy ra vì thiệt mạng tới dân thường. Nhìn dưới góc độ nhà tư vấn, đây là cơ hội đầu tư rất tốt. Nhìn rộng hơn, chúng ta còn được hưởng lợi từ việc EU có thể dời hoạt động kinh doanh đến nơi có chính sách hợp lý và chính trị ổn định. Nên sau câu chuyện này có thể dẫn đến 1 điểm xoay chuyển gia tăng đầu tư FDI vào khu vực như Đông Nam Á, Đông Bắc Á", ông Tuấn nhấn mạnh.