“Trong kịch bản tích cực, VN-Index có thể chạm 2,000 điểm”
Đó là nhận định của ông Tạ Nguyên Vũ, Trưởng phòng Phân tích Đầu tư Chứng khoán Đông Á (DAS). Ông Vũ đánh giá chứng khoán vẫn đang là kênh đầu tư hấp dẫn, thu hút làn sóng nhà đầu tư mới tham gia. Trong kịch bản tích cực nhất, chỉ số VN-Index dự báo có thể chạm đến 2,000 điểm.
Chứng khoán vẫn là kênh hút tiền trong 2022
Tính đến cuối tháng 11/2021, đã có hơn 4.04 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán được mở, trong đó có gần 99% tài khoản do nhà đầu tư trong nước nắm giữ (hơn 4 triệu tài khoản), khoảng 1% còn lại là do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ (39,204 tài khoản). Lũy kế 11 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong và ngoài nước mở mới hơn 1.3 triệu tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm 2017-2020 cộng lại (1.04 triệu tài khoản).
Tuy nhiên, theo ông Tạ Nguyên Vũ nhận thấy, tỷ lệ dân cư có tài khoản chứng khoán còn thấp (gần 4.1% dân số), chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất, nên làn sóng nhà đầu tư mới sẽ tiếp tục duy trì trong các năm tiếp theo.
Cùng với sự gia nhập mới của đội ngũ F0 vào chứng khoán, thanh khoản thị trường đi lên và liên tục lập kỷ lục mới trong thời gian vừa qua chủ yếu do các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng… đều bị tắc nghẽn do giãn cách xã hội, lãi suất tiết kiệm ở mức thấp, nhiều người đã quyết định chuyển tiền tiết kiệm sang đầu tư chứng khoán với kỳ vọng lợi nhuận cao hơn. Việc triển khai hệ thống giao dịch mới của FPT giúp sàn HOSE hết tắc nghẽn cũng là một yếu tố làm tăng thanh khoản của thị trường.
Dù vậy, bước sang năm 2022, ông Vũ dự báo thanh khoản thị trường sẽ duy trì trên dưới 1 tỷ USD (23-24 ngàn tỷ đồng)/phiên, thấp hơn so với năm 2021 do nguy cơ lạm phát, lãi suất tăng, dòng tiền rút ra khỏi thị trường nhằm đầu tư phát triển phục hồi kinh tế...
Năm 2022 dòng tiền thông minh dự báo sẽ tìm đến các cổ phiếu mang tính cơ bản nhiều hơn. Nhà đầu tư nên tập trung vào các ngành được hưởng lợi từ đầu tư công, giá cổ phiếu ở mức chiết khấu hợp lý để đón đầu dòng tiền.
Hiện tại P/E bình quân các cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE khoản 16.5 lần, theo ông Vũ là tương đối hợp lý. Trong kịch bản tích cực nhất, chỉ số VN-Index dự báo có thể chạm đến 2,000 điểm sau đó giảm trở lại.
Thanh khoản năm 2022 dự báo dao động ở mức 1 tỷ USD/phiên
|
Dòng vốn ngoại kỳ vọng sẽ sớm trở lại
Năm qua, khối ngoại bán ròng rất mạnh, có thể do lo ngại rằng các thị trường cận biên (trong đó có Việt Nam) sẽ phản ứng tiêu cực hơn với diễn biến của đại dịch Covid-19 so với các thị trường phát triển như Mỹ và Châu Âu. Ngoài ra việc các chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục xác lập đỉnh mới cũng thúc đẩy khối ngoại có động thái chốt lời.
Tuy nhiên, với cái nhìn khả quan về các yếu tố cơ bản tích cực trong dài hạn trên thị trường chứng khoán Việt Nam, dòng vốn các nhà đầu tư nước ngoài được kỳ vọng sẽ sớm quay trở lại.
Để phục hồi và phát triển kinh tế hậu Covid-19, Chính phủ đã xác định thúc đẩy đầu tư công là một trong những trụ cột chính, từ đó tạo tác động lan tỏa tới các ngành, nghề lĩnh vực liên quan hồi phục và phát triển.
Do đó, ông Vũ cho rằng các ngành nghề sau sẽ hưởng lợi và thu hút dòng tiền mạnh mẽ: Nhóm xây dựng, vật liệu xây dựng do tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng; nhóm ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn như điện tử, dệt may, thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ, cao su, sắt thép, lương thực... do nhu cầu tiêu dùng của thế giới tăng; nhóm ngành đồ uống, bán lẻ, hàng không, du lịch; nhóm thương mại điện tử và logistics do người dân đẩy mạnh mua sắm trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh.
Xuân Nghĩa
FILI
|