Giám đốc Đầu tư Võ Văn Cường (TPS): Chờ dòng vốn từ các quỹ ETFs mới
Ông Võ Văn Cường, Giám đốc Đầu tư CTCP Chứng khoán TPS kỳ vọng xu hướng tích cực của TTCK sẽ thu hút dòng tiền của các quỹ ETFs mới tham gia đầu tư vào, giúp tăng giá trị giao dịch trong năm 2022. Giá trị giao dịch bình quân có thể đạt mức 40,000 tỷ đồng/phiên.
VN-Index có thể chạm 1,750 điểm trong 2022
Chia sẻ với người viết, ông Võ Văn Cường dự báo trong kịch bản cơ sở với lợi nhuận của các công ty niêm yết tăng trưởng khoảng 8% cho năm 2022, VN-Index có thể chạm mốc 1,750 điểm, tương ứng mức tăng khoảng 18%. Trong điều kiện lạc quan với cộng hưởng làn sóng nhà đầu tư tiếp tục gia tăng và trở thành một xu hướng đầu tư mới và lợi nhuận của các công ty tiếp tục duy trì mức tăng hơn 2 chữ số, theo đó VN-Index có thể vượt mốc 1,900 điểm tương ứng mức tăng hơn 30% so với cuối năm 2021.
Ông Võ Văn Cường
|
Ngược lại, kịch bản xấu nhất nếu các doanh nghiệp niêm yết không thể duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022 và ghi nhận mức sụt giảm 5%-10% khả năng VN-Index cũng sẽ biến động trong trạng thái tiêu cực và sụt giảm khoảng 5%-7%.
Hiện tại mức định giá theo PE toàn thị trường 17.5 lần là hợp lý. Tuy nhiên, nếu loại trừ 7 ngân hàng niêm yết mới từ 2018 đến nay, hệ số PE (trailing 4 quý gần nhất) tiệm cận mốc 22 là mức cao kỷ lục và khá đắt.
Thanh khoản bình quân năm 2022 dự phóng 40,000 tỷ đồng/phiên
Hiện tại, giá trị giao dịch mỗi phiên tăng hơn 3 lần so với cuối năm 2020 và tăng 10 lần so với cuối năm 2019. Điều này nhờ: (1) tăng trưởng thị thường chứng khoán, (2) khả năng tạo ra lợi nhuận vượt trội cho các nhà đầu tư tham gia thị trường và (3) làn sóng nhà đầu tư mới tham gia thị trường kéo theo dòng tiền từ các nhà đầu tư này cùng với đó là sự tham gia tích cực của từ dòng vốn của các công ty chứng khoán thông qua nghiệp vụ cho vay ký quỹ.
Dự phóng giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022 nhờ lực lượng nhà đầu tư mới tiếp tục gia tăng, bổ sung nguồn vốn của nhóm các công ty chứng khoán và xu hướng tích cực của TTCK cũng thu hút dòng tiền của các quỹ ETFs mới tham gia đầu tư vào, giúp tăng giá trị giao dịch trong năm 2022. Giá trị giao dịch bình quân có thể đạt mức 40,000 tỷ đồng/phiên.
Nói thêm về làn sóng nhà đầu tư mới (F0), vị chuyên gia khẳng định đây là xu hướng chung theo sự phát triển của TTCK Việt Nam, ngoài ra do ảnh hưởng dịch bệnh cũng kích hoạt sự tham gia của F0 ngày càng nhiều trên thị trường. Xu hướng này trong giai đoạn phát triển của thị trường cùng với sự hỗ trợ về công nghệ sẽ tiếp tục thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới không những trong năm 2022 và có thể còn kéo dài thêm nhiều năm nữa. Điều thúc đẩy xu hướng này là do nhà đầu tư tìm thấy những cơ hội tích cực, khả năng sinh lời vượt trội khi đầu tư vào chứng khoán với sự lạc quan trên thị trường trong dài hạn.
Bất động sản, năng lượng, thực phẩm và đồ uống có khả năng thu hút dòng tiền mạnh
Dự báo về nhóm ngành, ông Cường cho rằng bất động sản, năng lượng, thực phẩm và đồ uống (thuộc ngành hàng tiêu dùng) là 3 ngành có khả năng thu hút mạnh dòng tiền trong năm 2022 nhờ dự báo tăng trưởng lợi nhuận vượt trội với mức tăng lần lượt 31%, 29% và 26% so với năm 2021.
Điều này nhờ vào 5 yếu tố chính. Thứ nhất, lãi suất vay ở mức thấp giúp nhu cầu bất động sản tăng mạnh. Thứ hai, kết nối cơ sở hạ tầng giao thông metro, đường cao tốc, dự án sân bay, cảng biển giúp như cầu nhà ở, nhà cho thuê tăng mạnh. Thứ ba, làn sóng dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn đến Việt Nam cũng giúp nhu cầu thuê văn phòng và khu công nghiệp tăng mạnh.
Thứ tư, giá dầu phục hồi và triển khai các dự án dầu khí và khí hóa lỏng mới. Cuối cùng, tiêu dùng nội địa dự báo hồi phục nhanh hơn các lĩnh vực khác, đặc biệt là thực phẩm và đồ uống và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Nhà đầu tư nên đánh giá triển vọng của từng ngành, tác động tích cực từ các chính sách nới lỏng tiền tệ và mở rộng tài khóa nhằm hỗ trợ nền kinh tế hồi phục và cuối cùng là khả năng tạo ra lợi nhuận của từng ngành.
Năm 2022, ngoài chính sách nới lỏng tiền tệ và mở rộng tài khóa, nhà đầu tư còn cần lưu tâm đến tình hình thúc đẩy giải ngân đầu tư công thông qua các dự án cơ sở hạ tầng và sự hồi phục mạnh mẽ trong lĩnh vực tiêu dùng nội địa.
Nhà đầu tư cần theo dõi chính sách nới lỏng tiền tệ, mở rộng tài khóa và tình hình thúc đẩy đầu tư công trong 2022
|
Chờ đón dòng vốn từ những quỹ ETFs mới
Tính đến thời điểm hiện tại, khối ngoại đã bán ròng hơn 62,500 tỷ đồng, tương ứng khoảng 2.7 tỷ USD. Đây năm thứ 3 bán ròng của khối ngoại tính năm 2007 đến nay, và là mức bán ròng kỷ lục trên thị trường, gấp 9 lần mức bán ròng năm 2016 và hơn 3.3 lần mức bán ròng năm 2020.
Có một vài nguyên nhân lý giải cho hoạt động này của khối ngoại. Đó là việc các quỹ ngoại đến thời hạn thoái vốn, các nhà quản lý quỹ phân bổ lại các khoản mục đầu tư cho các thị trường phát triển hơn, hay các quỹ ETFs ngoại mô phỏng theo các chỉ số trên thị trường Việt Nam cũng bị rút ròng dòng tiền. Ngoài ra, các thương vụ đầu tư tư nhân vào các tập đoàn lớn đến ngày đáo hạn và cần phải thoái vốn, và việc thị trường tăng tích cực trong năm 2021 cũng thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài chốt lời và ghi nhận lợi nhuận.
Theo xu hướng lạc quan và tích cực trên thị trường, ông Cường cho rằng khả năng dòng vốn của các quỹ ngoại có thể sẽ phân bổ lại nguồn vốn vào các thị trường như Việt Nam trong vài năm tới. Điều này do một phần tại các thị trường phát triển các yếu tốt rủi ro nổi lên và khó khăn hơn trong việc tìm kiếm lợi nhuận của các quỹ đầu tư truyền thống và các quỹ đầu tư mô phỏng theo chỉ số ETFs.
Dòng vốn từ các quỹ ETFs mới, các nhà đầu tư đến từ Mỹ được kỳ vọng sẽ tìm kiếm cơ hội nhiều hơn ở thị trường Việt Nam, một khi thị trường tiếp tục gia tăng về quy mô và chất lượng cũng như khả năng được xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi trong vài năm tới.
Xuân Nghĩa
FILI
|