VDSC: Thị trường chứng khoán sẽ “nhạy cảm” hơn trong 2022
Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá thị trường chứng khoán năm 2022 có thể sẽ “nhạy cảm” hơn và biến động mạnh trước thông tin tiêu cực, đặc biệt khi định giá cổ phiếu đã lên mặt bằng cao hơn rất nhiều so với giai đoạn trước khi xuất hiện Covid-19 lần đầu tiên (tháng 3/2020).
Tăng nguồn margin từ việc phát hành vốn ở công ty chứng khoán
Theo báo cáo chiến lược đầu tư năm 2022, VDSC chỉ ra nhiều công ty chứng khoán đang tăng cường huy động vốn để tăng nguồn cho vay margin. Nếu điều đó xảy ra, sẽ có thêm nguồn tiền mới chảy vào thị trường. Dư nợ cho vay ký quỹ 2021 đạt 144,400 tỷ đồng là mức cao nhất trừ trước đến nay. Đồng nghĩa với việc tăng trưởng nguồn cầu cho vay ký quỹ ngày càng tăng, phù hợp với sự gia tăng của các nhà đầu tư F0 và thanh khoản.
Trong đó, SSI, Mirae Asset, VNDirect là các công ty có kế hoạch tăng vốn mạnh. Với kế hoạch tăng vốn của các công ty chứng khoán, VDSC kỳ vọng dư nợ cho vay ký quỹ sẽ tăng trong năm 2022, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ thúc đẩy thị trường tiến xa hơn.
VN-Index dao động trong khoảng 1,340 – 1,730 điểm
Các chuyên gia dự báo VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1,340 – 1,730 điểm, dựa trên mức PE dự phóng 2022 là 16.4 lần.
Mức sinh lời cao của kênh đầu tư chứng khoán trong năm 2020 – 2021 đã thu hút sự quan tâm của một bộ phận lớn nhà đầu tư cá nhân Việt Nam. VDSC cho rằng điều này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2022, với ước tính bình quân mỗi tháng sẽ có thêm khoảng 150,000 tài khoản mở mới.
Thanh khoản khớp lệnh bình quân toàn thị trường có thể dao động ở mức 30,000 - 35,000 tỷ đồng/phiên(tăng 36%).
Thị trường có thể sẽ “nhạy cảm” hơn và biến động mạnh trước thông tin tiêu cực, đặc biệt khi định giá cổ phiếu đã lên mặt bằng cao hơn rất nhiều so với giai đoạn trước khi xuất hiện Covid-19 lần đầu tiên (tháng 3/2020). Những thông tin có thể xem là tiêu cực bao gồm: (1) Lạm phát; (2) xác suất lây nhiễm đối với các chủng virus kháng vắc-xin sẽ góp phần gia tăng tính bất định của quá trình phục hồi kinh tế; (3) các biến động về địa chính trị toàn cầu, xu hướng thu hẹp chính sách nới lỏng tiền tệ gây ra biến động tiêu cực trên thị trường chứng khoán quốc tế.
Những rủi ro khó lường từ biến thể Omicron, lo ngại về thời gian và quy mô gói hỗ trợ kinh tế tại Việt Nam. VDSC không chắc chắn về tác động của Omicron khi số ca tử vong vẫn ở mức thấp nhưng tốc độ lây lan nhanh của Omicron so với các biến chủng khác là điểm cần theo dõi, vì vậy quan điểm thận trọng là phù hợp trước những diễn biến khó lường của thị trường trong quá khứ.
Mặt khác, tăng trưởng cung tiền bắt đầu đi xuống ở các nước phát triển trong bối cảnh lạm phát cao có thể tác động đến chính sách của Chính phủ về quy mô và thời gian thi hành gói hỗ trợ kinh tế.
Duy Na
FILI
|