Thứ Bảy, 01/01/2022 14:40

Năm 2022: Lạm phát, tăng trưởng GDP và khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế

Theo TS. Võ Đình Trí (Đại học Kinh tế TP. HCM và IPAG Business School Paris), năm 2022, cảnh báo bong bóng tài sản chứng khoán ở Việt Nam sẽ khó xảy ra, trong khi chính sách tiền tệ còn dư địa...

Tiến sĩ Võ Đình Trí nhận định, năm 2022, lạm phát không cao, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo nhiều khả năng sẽ rơi vào kịch bản tích cực. Từ Pháp, ông đã dành thời gian trò chuyện đầu năm cùng chúng tôi.

Phụ thuộc các biến số tăng trưởng, lạm phát toàn cầu

-Thưa Tiến sĩ (TS), dự báo kịch bản kinh tế Việt Nam 2022 như trong 4 kịch bản TS. cùng các tác giả nghiên cứu, thì khả năng cao sẽ rơi vào kịch bản nào? Vì sao?

TS. Võ Đình Trí: Lạm phát, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 dự báo nhiều khả năng sẽ rơi vào kịch bản 2 hoặc 3. Các số liệu dự báo này cũng trùng với nhiều tổ chức và các chuyên gia khác, gần nhất là TS. Võ Trí Thành cũng có dự báo tương tự.

TS. Võ Đình Trí

Điều quan trọng là trong các kịch bản dự báo tôi và nhóm nghiên cứu đưa ra, chúng tôi dựa trên một mô hình nghiên cứu định lượng với các dữ liệu thông số đầu vào một khi điều chỉnh hoặc thay đổi, sẽ cho ra những kết quả dự báo điều chỉnh tương ứng.

Sở dĩ tôi cho rằng lạm phát và tăng trưởng GDP 2022 của Việt Nam có thể rơi vào kịch bản 2 và 3 là bởi theo dõi lại cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là từ giai đoạn 1998-2017, chúng ta phụ thuộc khá nhiều vào kinh tế thế giới (tức có độ mở rất cao). Theo đó, thế giới một khi có biến số ví dụ lạm phát cao ảnh hưởng tăng trưởng, thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Còn nếu tăng trưởng thế giới tích cực, lạm phát không cao, thì tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng sẽ rất tích cực.

-Ông có nhận định rằng lạm phát Việt Nam hiện tại chưa có gì phải lo và nó có thể phụ thuộc các biến số tương lai. Đó là những biến số nào và theo ông, nếu lạm phát cao, Việt Nam nên và sẽ làm gì để ứng phó?

Nói đến lạm phát, phải so sánh với lạm phát mục tiêu. Trong thời gian qua, Việt Nam đã kiểm soát lạm phát rất tốt, trong đó bao gồm sự phối hợp với Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên chỉ có yếu tố do đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 dẫn đến giãn cách xã hội kéo dài khiến khủng hoảng nguồn cung, điều này cũng tương tự với tình hình thế giới, tạo “nút thắt cổ chai” dẫn đến lạm phát. Dù vậy, lạm phát kéo dài sẽ không được mong đợi do đó, các quốc gia lớn trên thế giới chắc chắn sẽ có chính sách để kiềm chế lạm phát.

Như chúng ta biết vào 15/12, cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra chính sách giữ nguyên lãi suất tạm thời, thu hẹp gói nới lỏng định lượng (QE) và sẽ nâng lãi suất lên trong 3 lần vào năm 2022.

Quay trở lại với Việt Nam, so với lạm phát mục tiêu vẫn còn thấp hơn 4%, và do giãn cách xã hội thời gian qua nên giá cả hàng hóa cũng giảm, dẫn đến lạm phát giảm. Còn nếu nói những biến số ảnh hưởng sẽ bao gồm bên trong và bên ngoài. Về mặt lý thuyết, trong nước là do lượng cung tiền và vòng quay của tiền (MV), quan trọng nữa là sản lượng sản xuất, năng suất… Những yếu tố này tạo ra mặt chung của giá sản phẩm. Tuy vậy cũng vẫn khó nói chắc chắn bởi lại còn phụ thuộc mặt hàng nào sẽ được chọn đưa vào rổ tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI), nên chỉ có nói về lạm phát dựa trên rổ hàng hóa đã chọn và tỷ trọng trong rổ hàng hóa đã chọn.

Một điểm như đề cập ở trên, Việt Nam có sự phụ thuộc vào thị trường thế giới, do đó, nếu nguồn cung bên ngoài, giá cả hàng hóa tăng thì Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng và có thể lạm phát. Bởi tuy Việt Nam xuất khẩu nhiều nhưng lại nhập khẩu cũng rất lớn, nhất là hàng hóa nguyên vật liệu, thiết bị mà Việt Nam chưa tự chủ được. Do đó nếu mặt bằng giá các mặt hàng đó tăng thì sẽ ảnh hưởng đến giá hàng hóa trong nước.

Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng không kém còn phụ thuộc vào chính sách tiền lương của Chính phủ. Nếu không khéo mà điều chỉnh chính sách tiền lương vào thời điểm không phù hợp thì có thể đưa lại hiệu ứng xấu. Ví dụ hiện chúng ta đã có lộ trình tăng lương, nhưng nếu triển khai ngay 2022, người dân có thể hiểu thông điệp sai đây là một giải pháp ứng phó khi lạm phát tăng thì điều chỉnh tăng lương, qua đó càng tác động lên lạm phát kỳ vọng.

Gói hỗ trợ đến từ đâu?

Cấu trúc nền kinh tế có sự phụ thuộc khá nhiều vào kinh tế thế giới, do đó sẽ chịu tác động từ thế giới. Trong ảnh: Lên hàng container xuất khẩu tại nhà máy của Phúc Sinh Group (ảnh: Lê Mỹ)

-Nếu chương trình dự kiến 800.000 tỷ được “bơm ròng” chứ không phải dùng tiền đang có, trong chương trình hỗ trợ khác… thì tác động của gói lên lạm phát là như thế nào, thưa ông?

Điều này đã được một số chuyên gia diễn giải. Ngoài chuyện chương trình giả định là 800.000 tỷ đồng được triển khai để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, thì đó không phải là giá trị tiền bơm ròng thêm; còn có yếu tố sự khác biệt về cơ cấu. Ở 2011, nền kinh tế Việt Nam thực sự khan tiền, hệ thống ngân hàng có vấn đề, còn bây giờ bối cảnh nền kinh tế đã khác, sức khỏe hệ thống ngân hàng cải thiện và cũng không khan hiếm lượng tiền như khi đó, nên việc “bơm” gói hỗ trợ sẽ tác động khác nhau.

Vấn đề chúng ta băn khoăn vẫn là gói hỗ trợ 800.000 tỷ này cụ thể tiền đến từ đâu. Nếu là hỗ trợ từ ngân sách qua tài khóa thì sẽ là bao nhiêu và hỗ trợ gián tiếp qua chính sách tiền tệ thì bao nhiêu. Chúng ta cần có sự rõ ràng, không “tính gộp”, dù ở Việt Nam thì Ngân hàng Nhà nước không phải là Ngân hàng Trung ương như các nước nên việc cụ thể sẽ khó rõ ràng hơn.

- Vậy theo TS, nên cơ cấu như thế nào?

Điều này phải dựa trên những nghiên cứu độc lập của các tổ chức, các nhóm nghiên cứu và của chính nhóm nghiên cứu thuộc các tổ chức Chính phủ, trên cơ sở đó thì các nhà hoạch định chính sách các cơ quan của Chính phủ sẽ đưa ra quyết định. Bởi vì mỗi một quyết định như vậy, nên dựa trên cơ sở nghiên cứu cụ thể để cho thấy một đồng từ chính sách tài khóa hay một đồng từ chính sách tiền tệ đưa ra, sẽ tác động như thế nào, bao nhiêu, như thế nào, có khác biệt ra sao… đối với tăng trưởng GDP của nền kinh tế.

- Có quan điểm cho rằng trong thời buổi mà lạm phát không còn là “tạm thời” trên toàn cầu, thì đó vừa là lo lắng của các quốc gia nhưng vừa là cơ hội để đầu tư, tăng huy động vốn, tăng nguồn lực cho Nhà nước. Điều này có ứng với Việt Nam?

Ở một góc độ nào đó, một số Chính phủ cũng “thích” lạm phát, nói cách khác là về mặt lý thuyết, trong bình thường, khủng hoảng hay lạm phát, các Chính phủ đều triển khai huy động vốn, sử dụng các giải pháp để cân đối củng cố tài chính quốc gia, tuy nhiên trong lạm phát thì việc triển khai vay ngân sách, tăng huy động vốn có thể có một số cơ hội khác đi. Ví dụ như khi có lạm phát, nhiều khoản nợ có thể sẽ được giảm/mất giá (gồm nợ gốc + lãi vay), thậm chí còn giảm thấp hơn giá trị vay ban đầu. Chưa kể về mặt danh nghĩa, lạm phát tăng thì thu ngân sách danh nghĩa cũng sẽ tăng (bởi lương, giá, thuế… đều tăng). Theo đó, nếu lúc này mà tăng huy động qua các kênh vay mượn, thì sẽ có lợi hơn.

Với Việt Nam, giai đoạn qua đã được các tổ chức, định chế đánh giá rất tích cực về năng lực tài chính quốc gia và đảm bảo nghĩa vụ trả nợ, và mặc dù chúng ta còn có các nghĩa vụ trả nợ nhưng cũng phải nhìn trong tổng thể, như đánh giá lại GDP điều chỉnh tăng lên 25%, và không chỉ có chuyện trả nợ mà tỷ lệ trần nợ công cũng có thể nới thêm, các khoản thu ngân sách cũng sẽ tăng lên...

Thời điểm cần để khơi thông các kênh dẫn vốn

-Vậy theo ông, nên đẩy mạnh huy động từ đâu, trong nước hay quốc tế, hay cả 2?

Tôi nghĩ là khơi thông các kênh dẫn vốn trong và ngoài nước đều phù hợp. Quan trọng là việc nên đa dạng hóa, phát triển các sản phẩm đầu tư. Ví dụ hiện nay thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn tiềm năng phát triển, nhưng các sản phẩm linh hoạt chưa có, ví dụ như dạng mua chung – sản phẩm mà nhà đầu tư ít tiền nhưng vẫn có thể “chung” mua và sở hữu một phần bất động sản thông qua mua chứng chỉ, góp vốn vào quỹ ủy thác đầu tư.

Hay như Chính phủ Mỹ thì có sản phẩm trái phiếu bảo vệ lạm phát, nhà đầu tư có thể mua với lãi suất coupon đã tính bao gồm lạm phát. Hoặc với chính sách thuế khuyến khích đầu tư, giúp dòng vốn đầu tư luân chuyển mạnh hơn thị trường. Với thị trường chứng khoán, có thể đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng, sớm bỏ giao dịch T+3, cho short sell (bán khống), cho liên thông với TTCK thế giới, mình “chịu ra” để hút nhà đầu tư “đi vào”… đi kèm là các rào cản kỹ thuật như khống chế mức trần nhà đầu tư trong nước mua cổ phiếu nước ngoài, còn nhà đầu tư nước ngoài không phải thông qua quỹ nào hay phải có mặt, mở tài khoản ở Việt Nam mới được đầu tư ở Việt Nam. Tôi cho rằng quan điểm là “mình có chịu ra thì người ta mới chịu vào” và dòng vốn vào sẽ tích cực hơn nhiều cho thị trường.

- Cuối cùng, ông đánh giá như thế nào về các kênh đầu tư hiện nay và dự báo của ông về chính sách tiền tệ của Việt Nam năm 2022?

Năm 2022, về TTCK trong nước, tôi dự báo sẽ phát triển mạnh như dự báo của các tổ chức quốc tế, trong bối cảnh là kinh tế thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng, Fed như được biết sẽ tăng lãi suất và Omicron sẽ không quá đáng lo ngại vì thế giới cũng đã thích ứng với dịch bệnh. Cảnh báo bong bóng tài sản chứng khoán ở Việt Nam theo đó cũng không xảy ra, trong khi chính sách tiền tệ Việt Nam thực tế vẫn còn các giải pháp sử dụng do chúng ta chưa phải “vét cạn” các giải pháp để “cứu” nền kinh tế như nhiều quốc gia khác. Tôi cho rằng lãi suất sẽ có điều chỉnh tăng nhẹ, chậm vào năm tới. Điều lo ngại chung duy nhất là kinh tế Việt Nam, do quy mô còn nhỏ nên có thể đi sau, lệch nhịp so với diễn biến đồng nhịp chung của các nền kinh tế lớn trên toàn cầu.

Xin cảm ơn ông!

Lê Mỹ

Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Các tin tức khác

>   Việt Nam: Từ đối phó đại dịch đến sân chơi toàn cầu (01/01/2022)

>   Năm của phục hồi và tăng trưởng kinh tế (01/01/2022)

>   Tư duy mới cho kinh tế 2022 (31/12/2021)

>   Thủ tướng Phạm Minh Chính: Doanh nghiệp là “trái tim” của nền kinh tế (31/12/2021)

>   Kinh tế Việt Nam - một hành trình kiên cường (31/12/2021)

>   TP.HCM đưa dự báo kinh tế phục hồi, phát triển hình chữ V năm 2022 (30/12/2021)

>   10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2021  (31/12/2021)

>   Toàn cảnh những 'thăng trầm' của kinh tế xã hội Việt Nam năm 2021 (30/12/2021)

>   CPI năm 2021 tăng 1.84%, lạm phát tăng 0.81% (29/12/2021)

>   GDP năm 2021 của Việt Nam tăng 2.58% (29/12/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật