Toàn cảnh những 'thăng trầm' của kinh tế xã hội Việt Nam năm 2021
Kinh tế – xã hội năm 2021 của Việt Nam đã gặp những thử thách cam go từ làn sóng dịch Covid-19 bùng phát hồi cuối tháng Tư với biến chủng Delta. Biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các địa phương kinh tế trọng điểm như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, an toàn của người dân và phát triển kinh tế – xã hội.
Trước tình hình diễn biến phức tạp và khó lường của đại dịch Covid-19, dưới sự lãnh đạo thống nhất của cả hệ thống chính trị và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành những quyết sách kịp thời để phòng, chống dịch và phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt, Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, cùng với các chính sách bảo đảm an sinh xã hội; sự đồng lòng, nhất trí của các cấp, các ngành, các địa phương; sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế – xã hội nước ta đã đạt được kết quả đáng khích lệ.
Bỏ lại đằng sau những nỗi buồn về quý 3 tăng trưởng âm tới 6.02%, GDP trong quý 4/2021 đã quay trở lại tăng khá mạnh (5.22%) khi Nghị quyết 128 của Chính phủ được ban hành. Tổng sản phẩm trong nước năm 2021 ước tính tăng 2.58% so với cùng kỳ năm trước, đây là một thành công lớn của nước ta trong việc phòng chống dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh.
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2021 ước tính tăng 4.82% so với năm trước. Bên cạnh đó số doanh nghiệp được thành lập mới cũng đạt trên 116 ngàn với tổng số vốn đăng ký là 1,611.1 ngàn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 854 ngàn lao động. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mốc kỷ lục với 668.5 tỷ USD, tăng 22.6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19%.
Tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế vẫn đạt 12.97%. Thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận nhiều kỷ lục mới: Chỉ số VN-Index chạm mốc 1,500 điểm; làn sóng gia nhập của nhà đầu tư tăng cao (đến cuối tháng 11/2021, số lượng tài khoản của nhà đầu tư đạt 4.08 triệu tài khoản, tăng 47.3% so với cuối năm 2020).
Chỉ số giá tiêu dùng năm 2021 tăng 1.84% so với bình quân năm 2020, mức tăng bình quân năm thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2021 tăng 0.81% so với bình quân năm 2020. Đây là mức lạm phát vẫn nằm trong dự báo và kiểm soát của Chính phủ.
Về tình hình xã hội, năm 2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống dân cư. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương ưu tiên cho công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh với nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm công tác an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người dân ở các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, bảo đảm người dân có đủ ăn, đủ mặc.
Theo kết quả tổng hợp nhanh báo cáo của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến ngày 15/12/2021, cả nước có khoảng 2.2 triệu người trở về địa phương do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư. Trong tổng số người di cư, nữ là 839.5 ngàn người, chiếm 37.5% tổng số; người từ 15 tuổi trở lên là gần 1.6 triệu người, chiếm 70.9%. Số người về các tỉnh, thành phố từ Hà Nội là 447.1 ngàn người; từ Thành phố Hồ Chí Minh là 524 ngàn người; từ các tỉnh phía Nam là 594 ngàn người và từ các tỉnh, thành phố khác là 676 ngàn người.
Nhật Quang
FILI
|