Kịch bản lãi suất 2022: khó có sự thay đổi đáng kể
Áp lực tăng mạnh lãi suất trong năm 2022 là không lớn, đồng thời dư địa giảm lãi suất cũng đã thu hẹp đáng kể.
Doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng vào gói hỗ trợ lãi suất. Ảnh minh họa: TTXVN
|
Mặt bằng lãi suất huy động đã tạo đáy
Trong tuần cuối của năm, thanh khoản trên thị trường ngân hàng có dấu hiệu căng thẳng. Theo Công ty chứng khoán SSI, Ngân hàng Nhà nước trong tuần cuối bơm ròng 10.540 tỉ đồng trên thị trường mở. Tín dụng cũng được đẩy mạnh vào dịp cuối năm với ước tính có khoảng 202.000 tỉ đồng chảy vào nền kinh tế. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có biến động trái chiều, khi tăng mạnh ở kỳ hạn ngắn và giảm ở kỳ hạn trên 2 tuần.
Tuy nhiên, sự thiếu hụt này được cho là mang tính mùa vụ, khi nền kinh tế tăng tốc sản xuất vào cuối năm. Dù vậy, trong năm 2022, diễn biến lãi suất ngân hàng được nhiều người dân và doanh nghiệp quan tâm để xây dựng kế hoạch kinh doanh cho năm sau.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch, doanh nghiệp cũng kỳ vọng giảm lãi suất. Đặc biệt, sự kỳ vọng này còn đến từ gói hỗ trợ phục hồi nền kinh tế đang được Quốc hội thảo luận, trong đó có nhiều giải pháp liên quan đến câu chuyện lãi suất như cơ cấu nợ, cho vay ưu đãi hay cấp bù lãi suất.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và tổ chức, lãi suất vẫn sẽ phải giữ ở mức phù hợp để hỗ trợ phục hồi kinh tế, chống chịu trước những rủi ro tiềm ẩn từ dịch Covid-19, tuy nhiên dư địa giảm thêm cũng sẽ là rất khó.
Trong báo cáo chiến lược mới đây, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng mặt bằng lãi suất năm 2022 sẽ khó giảm thêm so với cuối năm 2021. Lãi suất nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ trở lại (quanh mức 0,25-0,5 điểm phần trăm), nhất là trong nửa cuối của năm 2022.
Theo Công ty chứng khoán SSI, dư địa cho việc giảm mạnh lãi suất huy động là không còn. Ước tính lãi suất huy động có thể sẽ tăng 20-25 điểm cơ bản trong năm 2022 tại các ngân hàng lớn, mức tăng có thể cao hơn tại các ngân hàng có bảng cân đối kế toán kém lành mạnh hơn. Còn trong trung hạn, trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế phục hồi, lãi suất huy động có xu hướng tăng lên, theo Công ty chứng khoán MB (MBS).
Tương tự, trong báo cáo khảo sát điều tra mới đây về tình hình kinh doanh quí 1-2022, các tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng lãi suất sẽ được giữ ổn định trong quí 1 này và có thể tăng nhẹ trở lại vào cuối năm 2022.
Một yếu tố ảnh hưởng lớn đến lãi suất là câu chuyện lạm phát. Trong năm ngoái, chỉ số CPI chỉ ở mức 1,84%, mức thấp nhất từ năm 2016 và điều này cho phép cơ quan quản lý tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ kinh tế phục hồi. Còn trong năm nay, chỉ số CPI mục tiêu đặt ra là khoảng 4%, đi cùng với áp lực tăng giá chi phí đầu vào trên thế giới, sẽ là một thách thức lớn đối với lãi suất huy động của các nhà băng. “Lãi suất có thể sẽ biến động trong biên độ hẹp nếu không có áp lực lạm phát bất ngờ”, SSI đánh giá.
Hiện nay, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng khoảng dưới 4% và lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng dao động trong khoảng 4,4 -5,0% tại các ngân hàng thương mại quốc doanh, và khoảng 4,5 -5,2% tại các ngân hàng cổ phần tư nhân. Trong năm qua, mặt bằng lãi suất huy động giảm trong chín tháng đầu năm có xu hướng tạo đáy và duy trì ở mức thấp cho đến hết năm 2021 trong bối cảnh ngân hàng dồi dào thanh khoản, MBS đánh giá.
Doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng vào gói hỗ trợ lãi suất. Ảnh minh họa: TTXVN
|
Kỳ vọng vào sự hỗ trợ của ngân hàng
Tại phiên họp bất thường của Quốc hội thảo luận về gói hỗ trợ phục hồi kinh tế mới đây, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết dư địa chính sách tiền tệ trong gói hỗ trợ ít hơn chính sách tài khoá, dù vậy hệ thống sẽ “phấn đấu” giảm lãi suất từ 0,5-1% trong vòng 2 năm tới. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tập trung vào trọng điểm, hỗ trợ đối tượng phù hợp và khắc phục những hạn chế của các gói hỗ trợ trước.
Lãi suất điều hành trong năm 2021 đã tiếp tục được giữ ở mức thấp, sau khi đã cắt giảm 3 lần trong năm 2020 khi dịch Covid-19 lần đầu xuất hiện. Từ đó đến nay, doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất tiếp tục giảm nhưng chỉ có lãi suất huy động giảm nhanh, còn lãi suất cho vay thì giảm chậm hơn.
Việc đề nghị ngân hàng giảm lãi vay đã từng được đưa ra thảo luận nhiều lần và trở thành chủ đề gây tranh cãi. Phía doanh nghiệp và người dân cho rằng ngân hàng báo lãi cao nhưng chưa thể hiện trách nhiệm đầy đủ với nền kinh tế. Phía ngân hàng thì lo ngại về bảng cân đối kế toán với nguy cơ nợ xấu từ Covid-19.
Phía cơ quan quản lý cho biết sẽ tiếp tục khuyến nghị các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí từ nhiều nguồn khác nhau để tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng câu chuyện ở đây là “phấn đấu” chứ không phải là bắt buộc.
Đến giữa tháng 7 năm ngoái, 16 ngân hàng (chiếm 75% thị phần) đồng thuận giảm lãi suất cho vay. Con số cập nhật từ phía NHNN cho biết tính đến 20-12-2021, tổng số tiền lãi lũy kế đến nay tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34.900 tỉ đồng.
Trong năm 2022, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được đặt ra ở mức 14%, tương đương với mức mục tiêu mà NHNN đặt ra trước dịch Covid-19. Theo SSI, điều này cho thấy kỳ vọng về sự phục hồi tín dụng cũng như tín hiệu NHNN tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ nới lỏng.
Một điểm tích cực là áp lực tăng lãi suất trong năm 2022 không lớn, theo VCBS. Thanh khoản hệ thống sẽ được hỗ trợ từ hoạt động mua ngoại tệ của NHNN, lượng tiền đồng được bổ sung vào hệ thống ngân hàng ở nửa cuối năm theo kênh này ước tính vào khoảng 200.000-300.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, các chỉ số liên quan đến huy động vốn và cho vay trung, dài hạn vẫn ở mức an toàn, các ngân hàng hiện cũng đang tăng cường vốn vay quốc tế để thay thế cho việc huy động trong nước, từ đó giúp giảm chi phí vốn, là cơ sở quan trọng để giảm lãi suất đầu ra.
Dũng Nguyễn
TBKTSG
|