Siết tín dụng đầu tư chứng khoán, bất động sản, tăng cơ hội vốn cho doanh nghiệp
Nếu không kiểm soát tốt dòng tiền từ các ngân hàng thương mại vào bất động sản (BĐS) và chứng khoán, thì nguy cơ chao đảo hệ thống tín dụng và lạm phát phi mã hoàn toàn có thể xảy ra...
Kiểm soát tín dụng chặt chẽ
Theo khảo sát điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng tháng 12/2021 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện mới đây, trong 6 tháng cuối năm 2021, các tổ chức tín dụng đã thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất cho vay và chi phí vốn bình quân, giảm phí phi lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và thắt chặt hơn yêu cầu về tài sản bảo đảm, các điều khoản bổ sung trong hợp đồng, yêu cầu điểm xếp hạng tín nhiệm tối thiểu của khách hàng và hạn mức tín dụng đối với khách hàng để đảm bảo an toàn tín dụng.
Các ngân hàng dự kiến sẽ giảm dòng vốn đổ vào lĩnh vực bất động sản, xuống còn khoảng 23,8% trong 6 tháng đầu năm 2022 từ mức 29,7% của 6 tháng đầu năm 2021 (ảnh minh hoạ)
|
Xu hướng này dự kiến tiếp tục diễn ra trong 6 tháng đầu năm 2022 khi các tổ chức tín dụng tiếp tục thu hẹp chênh lệch lãi suất biên, gia tăng quy mô khoản vay hoặc hạn mức tín dụng tối đa để hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong khi dự kiến tiếp tục thắt chặt mạnh hơn với lĩnh vực cho vay có rủi ro cao như đầu tư kinh doanh chứng khoán, đầu tư kinh doanh bất động sản và sử dụng thẻ tín dụng.
Cụ thể, các ngân hàng dự kiến sẽ giảm dòng vốn đổ vào lĩnh vực bất động sản, xuống còn khoảng 23,8% trong 6 tháng đầu năm 2022 từ mức 29,7% của 6 tháng đầu năm 2021 do là lĩnh vực được dự báo mức độ rủi ro tăng cao nhất.
Đồng thời, các ngân hàng cũng dự báo, nhu cầu tín dụng của khách hàng doanh nghiệp cao hơn khách hàng cá nhân; tín dụng ngắn hạn cao hơn tín dụng trung dài hạn. Nhu cầu vay phục vụ đời sống và tiêu dùng sau khi tăng thấp nhất trong năm 2021 sẽ hồi phục và tăng cao vào năm 2022. Các ngân hàng tiếp tục ưu tiên dòng vốn đổ vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh như công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh xuất nhập khẩu, mua nhà để ở, sản xuất, phân phối điện và xây dựng…
TS, Nguyễn Ngọc Tú, Giảng viên trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ cho rằng: “Nếu không kiểm soát tốt dòng tiền từ các ngân hàng thương mại vào BĐS và chứng khoán thì nguy cơ chao đảo hệ thống tín dụng và lạm phát phi mã hoàn toàn có thể xảy ra. Khi ấy, người lao động trực tiếp làm công ăn lương chịu thiệt nhiều nhất và không biết chống đỡ bằng cách nào”.
Trước đó, tại họp báo thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2021, định hướng nhiệm vụ năm 2022, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, năm 2021, NHNN đã tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. NHNN cũng chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông; tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng; tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết thêm: “Tín dụng năm qua tiếp tục chảy mạnh 5 lĩnh vực ưu tiên, tăng trưởng cao hơn năm 2020. Đáng chú ý có các ngành xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ,... tăng trưởng tín dụng ở mức 2 con số. Ngân hàng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,96 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng. Tổng số tiền lãi lũy kế đến nay các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34.900 tỷ đồng. Cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 7,4 triệu tỷ đồng cho khoảng trên 1,3 triệu khách hàng”.
Cơ hội cho doanh nghiệp
Hiện nay, Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế trong hai năm 2022-2023 đang được thông qua. Nhiều chuyên gia cùng đưa ra quan điểm rằng, việc dẫn vốn phải trúng vào khu vực cấp bách, cần thiết và có khả năng hấp thụ được vốn. Do đó, xây dựng chương trình quản lý rủi ro, phân bổ nguồn lực phải công khai minh bạch, tránh thất thoát, với 3 điểm mấu chốt đó là: Năng lực thực thi, kịp thời và đúng đối tượng.
Việc siết dòng vốn đi đúng địa chỉ sẽ giúp khoản hỗ trợ cho doanh nghiệp dù còn “khiêm tốn” này phát huy hiệu quả hơn (ảnh minh hoạ)
|
Trả lời báo chí, ông Jacques Morisset - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đã triển khai rất hiệu quả việc khôi phục các khu vực sản xuất, tất nhiên không phải toàn bộ công nhân đã quay lại nhà máy và vẫn còn những hạn chế trên thị trường lao động nhưng có thể thấy khả năng khôi phục ấn tượng. Các lĩnh vực như xuất khẩu và sản xuất đang tăng trưởng mạnh mẽ trở lại tại Việt Nam, thậm chí còn hơn cả năm 2020.
“Có thể nói, phía cung có những tín hiệu tích cực, tuy nhiên vấn đề nằm ở phía cầu. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế khi GDP giảm tới 6% trong quý 3/2021, nhiều người dân mất việc làm, bị giảm thu nhập và đã cạn sạch tiền tiết kiệm, họ không thể tiêu dùng hay mua sắm hàng hóa. Bên cạnh đó, giờ đây họ cũng lo lắng hơn về tương lai, kết quả là họ sẽ giữ tiền và chờ đợi. Đó là lý do vì sao phía cầu không đạt được mức như cùng kỳ năm ngoái.
Do đó, cần triển khai các biện pháp kích cầu và Chính phủ cũng đang xem xét các biện pháp triển khai mạnh mẽ hơn, ví dụ ban hành các gói tài khóa mạnh mẽ hơn như nhiều quốc gia khác đã thực hiện. Tin tốt là việc triển khai gói tài khóa này hoàn toàn khả thi vì Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa, cụ thể tỉ lệ nợ công mới chỉ ở mức 44% trong khi trần nợ công được Quốc hội thông qua ở mức hơn 60%, như vậy vẫn còn dư địa để vay vốn”, vị chuyên gia phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia, khi nói về chính sách tài khóa, là nói đến việc bơm tiền vào nền kinh tế, có thể thông qua đầu tư cho các dự án, tạo công ăn việc làm, mua bán nguyên vật liệu, hỗ trợ cho các tổ chức nhà nước để tiêu dùng và đưa vào nền kinh tế hoặc hỗ trợ tiền mặt cho người dân để kích cầu tiêu dùng.
Việt Nam đã triển khai tất cả các hoạt động này, trong năm 2020 đã bơm tiền vào các hoạt động đầu tư, hỗ trợ tiền cho người dân, tuy nhiên, việc thực hiện còn khá rụt rè trong năm 2020 và rụt rè hơn nữa trong năm 2021. Trong khi đó, Chính phủ vẫn còn tiền và chính sách tài khóa có thể là một công cụ rất hiệu quả. Nhưng cũng không nên sử dụng công cụ này mãi, hãy chỉ sử dụng nó khi cần để kích thích tăng trưởng kinh tế và để quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng đã có từ trước đại dịch. Vì vậy, việc siết dòng vốn đi đúng địa chỉ sẽ giúp khoản bơm tiền dù còn “rụt rè” này đi đúng địa chỉ và hiệu quả hơn.
Nhiều chuyên gia đồng thời khuyến nghị, các doanh nghiệp cần cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với quy mô, năng lực và tài chính hiện có. Về phía ngân hàng cũng cần cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp, chú trọng các doanh nghiệp có khả năng sản xuất và thị trường tiêu thụ ổn định để xem xét áp dụng lãi suất cho vay phù hợp, giảm lãi suất các khoản vay cũ để giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.
Diễm Ngọc
Diễn Đàn Doanh Nghiệp
|