IMF: “Zero Covid là một gánh nặng đối với kinh tế Trung Quốc”
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nói rằng chiến lược chống dịch zero Covid (triệt tiêu Covid) ngày càng giống như một “gánh nặng” đối với nền kinh tế Trung Quốc...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.
|
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nói rằng chiến lược chống dịch zero Covid (triệt tiêu Covid) ngày càng giống như một “gánh nặng” đối với nền kinh tế Trung Quốc nói riêng và cả kinh tế thế giới nói chung.
Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến trong khuôn khổ chuỗi sự kiện thường niên The Davos Agenda của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), bà Georgieva nói rằng cách thức kiểm soát Covid nghiêm ngặt của Trung Quốc đã đạt một số thành công ban đầu, nhưng chiến lược này giờ đây đang đặt ra nhiều rủi ro hơn là lợi ích.
Chiến lược zero Covid của Trung Quốc đặt mục tiêu xoá bỏ hoàn toàn virus Sars-CoV 2 thông qua các biện pháp y tế công cộng như phong toả, xét nghiệm diện rộng và kiểm dịch ngặt nghèo tại các cửa khẩu.
“Trong một thời gian, chính sách này thực sự kiểm soát được lây nhiễm ở Trung Quốc”, bà Georgieva nói, nhấn mạnh rằng biến chủng Omicron với tốc độ lây lan cao khiến cho các biện pháp kiểm soát lây nhiễm này khó phát huy tác dụng.
“Những hạn chế được áp dụng đang giống như một gánh nặng đối với nền kinh tế, đặt ra rủi ro không chỉ đối với Trung Quốc nói riêng mà còn đối với Trung Quốc với vai trò nguồn cung ứng cho phần còn lại của thế giới”, người đứng đầu IMF phát biểu.
Đã gần 2 năm trôi qua kể từ khi đại dịch bắt đầu và với sự nổi lên của Omicron, bà Georgieva nhấn mạnh rằng vấn đề quan trọng lúc này là các quốc gia cần đánh giá lại để xác định đâu là cách tốt nhất để ứng phó với Sars-CoV-2. Trong trường hợp của Trung Quốc, việc kiểm soát làn sóng dịch bệnh hiện nay sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực về kinh tế - bà Georgieva nói.
“Điều mà Omicron đang dạy cho chúng ta là rất khó để kiểm soát một biến chủng có độ lây lan nhanh của Covid mà không gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt kinh tế.
Hiện tại, Trung Quốc đã có nhiều động thái để kích thích tăng trưởng, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều dấu hiệu giảm tốc. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) có hai lần cắt giảm lãi suất.
Bà Georgieva nhận định Trung Quốc có thể có thêm các biện pháp vì “chính sách kinh tế trong đại dịch” tiếp tục là một vấn đề ưu tiên hàng đầu của Chính phủ nước này và các quốc gia khác trong năm 2022.
“Trừ phi chúng ta tạo dựng được sự bảo vệ ở khắp nơi trên thế giới, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến sự gián đoạn và tương lai có thể không tươi sáng như những gì chúng ta mong muốn”, bà Georgieva phát biểu.
Điệp Vũ
VnEconomy
|