Thứ Sáu, 21/01/2022 13:55

Việt Nam, Trung Quốc, Nam Phi được đặt hàng sản xuất thuốc điều trị Covid-19 dạng viên Molnupiravir

27 nhà sản xuất thuốc gốc tại 11 quốc gia, bao gồm Việt Nam, Trung Quốc, Bangladesh, Ai Cập, Kenya và Nam Phi... đã được cấp phép sản xuất thuốc điều trị Covid-19 dạng viên Molnupiravir của Merck...

Molnupiravir là thuốc kháng virus được bào chế dạng viên, có thể dùng được tại nhà - Ảnh: AP

Tổ chức Bằng sáng chế Thuốc (Medicine Patent Pool - MPP) – một tổ chức y tế cộng đồng được Liên hợp quốc (UN) hậu thuẫn - ngày 20/1 cho biết đã ký hợp đồng với 27 nhà sản xuất thuốc gốc tại 11 quốc gia để sản xuất các phiên bản thuốc điều trị Covid-19 Molnupiravir dạng viên của hãng dược Merck. Các phiên bản này sẽ có giá thành rẻ hơn và được dùng để cung cấp cho 105 quốc gia đang phát triển.

Theo Medicines Patent Pool, đây là các hợp đồng sản xuất cả vật liệu thô Molnupiravir và thuốc thành phẩm.

“Đây là bước đi quan trọng nhằm đảm bảo các nước trên thế giới được tiếp cận với loại thuốc điều trị Covid-19 cấp thiết này”, Charles Gore, Giám đốc điều hành của Medicines Patent Pool, cho biết.

Tổ chức này cho biết 27 nhà sản xuất thuốc trên nằm ở 11 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Ai Cập, Kenya và Nam Phi…

Kết quả các cuộc thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn cho thấy thuốc kháng virus Molnupiravir, do hai hãng dược Mỹ Merck và Ridgeback Therapeutics đồng phát triển, giúp giảm 50% tỷ lệ nhập viện ở những bệnh nhân trong giai đoạn đầu nhiễm Covid-19. Vài tháng gần đây, Anh, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác đã cấp phép sử dụng loại thuốc này trong điều trị Covid-19.

Molnupiravir sẽ được cung cấp với phiên bản giá thành rẻ hơn tới 105 quốc gia đang phát triển - Ảnh: AP

Molnupiravir là thuốc kháng virus được bào chế dạng viên, có thể dùng được tại nhà, giúp giảm các triệu chứng và tăng tốc độ phục hồi của người bệnh Covid-19. Đây được xem là một sáng chế mang tính đột phá, giúp giảm bớt gánh nặng cho các bệnh viện và hạn chế sự bùng phát dịch bệnh tại các nước có hệ thống y tế kém phát triển. Loại thuốc này cũng thúc đẩy hai hướng tiếp cận với đại dịch Covid-19: Phòng ngừa chủ yếu bằng vaccine và điều trị bằng thuốc.

Trước đó, vào cuối tháng 10/2021, Merck thông báo sẽ chia sẻ công thức Molnupiravir cho các hãng dược khác để cùng sản xuất và giúp các nước kém phát triển thoát dịch. Cả Merck, Ridgeback Biotherapeutics và Đại học Emory – đơn vị phát minh ra loại thuốc này, đều sẽ không nhận tiền bản quyền của loại thuốc này trong trường hợp Covid-19 vẫn được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Đến nay, chưa có nhà phát triển vaccine Covid-19 nào có thỏa thuận chuyển giao công nghệ tương tự như vậy.

Ngoài Molnupiravir, MPP cũng đã ký thỏa thuận cấp phép với hãng dược Pfizer để tái cấp phép sản xuất thuốc kháng virus dạng viên Paxlovid của công ty này. Tuy nhiên, đến nay MPP chưa công bố các đơn vị được tái cấp phép sản xuất thuốc này. Nguồn cung ban đầu của Paxlovid được dự báo sẽ ít hơn so với Molnupiravir do tình trạng thiếu hụt một số loại hóa chất cần thiết cũng như sự phức tạp trong quy trình sản xuất.

Hiện WHO đang xem xét Molnupiravir và dự kiến đưa ra khuyến cáo về việc sử dụng loại thuốc này vào tháng 2/2022. 

Tại Việt Nam, Molnupiravir đang trong giai đoạn thử nghiệm và chưa được cấp phép lưu hành. Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến ngày 5/1, tổng cộng khoảng hơn 300.000 liều thuốc Molnupiravir đã được phân phối cho Chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ. Chương trình được triển khai tại TP.HCM từ giữa tháng 8 và hiện mở rộng ra nhiều địa phương.

Cuối tuần trước, Thái Lan và Indonesia đồng loạt thông báo kế hoạch phát triển các phiên bản khác của Molnupiravir. 

Tại châu Á, nhiều quốc gia cũng đã cấp phép sử dụng loại thuốc này. Tuy nhiên, gần đây, truyền thông Ấn Độ rộ lên thông tin Molnupiravir chưa được cập nhật vào danh mục thuốc điều trị Covid-19 của Hội đồng nghiên cứu y khoa Ấn Độ (ICMR) - cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng phác đồ điều trị Covid-19 tại Ấn Độ do lo ngại tác dụng phụ như đột biến gen, tổn hại đến cơ và xương có thể dẫn tới các nguy cơ cho việc mang thai và cho trẻ em. Molnupiravir đã được Cơ quan quản lý Dược Ấn Độ (CDSCO) cấp phép sản xuất và lưu hành cho một số nhà sản xuất trong nước vào tháng 12/2021.

Trang Linh

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Mỹ lạc quan về đà phục hồi kinh tế bất chấp biến thể Omicron (20/01/2022)

>   Rủi ro nào lớn nhất với doanh nghiệp trong năm 2022? (20/01/2022)

>   NHTW Trung Quốc lại giảm lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm (20/01/2022)

>   Tổng Thống Biden: Mỹ vẫn chưa sẵn sàng gỡ bỏ hàng rào thuế quan với Trung Quốc (20/01/2022)

>   Lạm phát tại Anh bất ngờ tăng lên cao nhất trong 30 năm (19/01/2022)

>   Thấy gì từ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc 2021? (19/01/2022)

>   Núi nợ của các nước đang phát triển ngày càng chồng chất trong đại dịch Covid-19 (19/01/2022)

>   Du lịch toàn cầu khó phục hồi hoàn toàn trước năm 2024 (19/01/2022)

>   Ba lĩnh vực có thể 'hút' vốn đầu tư mạnh nhất trong năm 2022 (19/01/2022)

>   ILO: 'Tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu sẽ ở mức cao đến năm 2023' (18/01/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật