Thứ Hai, 24/01/2022 13:34

Không phải Covid, các Ngân hàng trung ương mới là nhân tố ảnh hưởng tới kinh tế thế giới

Thế giới đang trải qua làn sóng lây nhiễm Covid-19 lớn nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu cách đây gần 2 năm, nhưng giới phân tích cho rằng virus Sars-CoV2 sẽ không phải là nhân tố ảnh hưởng lớn nhất đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay...

Trụ sở Fed ở Washington DC - Ảnh: Reuters.

Thay vào đó, sự dịch chuyển chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn mới chính là lực lượng giữ vai trò chi phối.

Năm 2020 chứng kiến sự gục ngã của kinh tế thế giới do “đòn” giáng từ đại dịch Covid-19. Năm 2021 là năm của hồi phục nhờ những biện pháp kích cầu chưa từng có tiền lệ bằng chính sách tài khoá và tiền tệ. Năm nay, câu hỏi đặt ra là liệu nền kinh tế toàn cầu có thể giữ vững được đà phục hồi khi chính sách chuyển từ nới lỏng sang thắt chặt?

Tiền vẫn bơm, lãi suất vẫn thực âm

Lạm phát leo thang là nguyên nhân chính khiến các ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hay Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) phải tính đến việc rút lại các chính sách siêu lỏng lẻo đã triển khai trong đại dịch. Rủi ro nằm ở chỗ liệu các ngân hàng trung ương này có tìm được đúng điểm cân bằng, để vừa chặn đà tăng của lạm phát, vừa không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng kinh tế.

Chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ này của các ngân hàng trung ương không chỉ bao gồm tăng lãi suất, mà còn bao gồm cắt giảm các chương trình mua tài sản, và giảm quy mô bảng cân đối kế toán vốn dĩ đã tăng lên quy mô khổng lồ do việc mua tài sản trong đại dịch. Từ cuối năm ngoái, Fed đã đẩy nhanh tiến độ cắt giảm chương trình mua 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng – hay còn gọi là nới lỏng định lượng (QE) – để tiến tới kết thúc chương trình này vào tháng 3. Cùng với đó, Fed dự kiến bắt đầu tăng lãi suất từ tháng 3, rồi tiến tới cắt giảm quy mô của bảng cân đối kế toán đã lên tới 8,8 nghìn tỷ USD. Việc giảm quy mô bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương được gọi là thắt chặt định lượng (QT).

Tuy nhiên, một số ngân hàng trung ương khác như ECB được dự báo sẽ tiếp tục bơm thanh khoản vào thị trường trong năm nay, bù lại sự thắt chặt của Fed. Điều này có nghĩa là tốc độ bơm thanh khoản của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu nói chung đã chậm lại từ giữa năm ngoái, nhưng QT sẽ chỉ thực sự bắt đầu vào cuối năm 2022 hoặc thậm chí 2023.

Chiến lược gia Steve Donze của Pictet Asset Management ước tính rằng Fed, ECB, BOE, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), và Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ (SNB) sẽ gia tăng quy mô bảng cân đối kế toán tổng cộng 600 tỷ USD trong năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức bình quân hàng năm 1,8 nghìn tỷ USD sau khủng hoảng tài chính toàn cầu và con số 2,6 nghìn tỷ USD trong năm 2021, nhưng có nghĩa là tiền vẫn được bơm ra. Tuy nhiên, theo ông Donze, con số dự báo 600 tỷ USD có thể chuyển thành âm nếu tốc độ thắt chặt định lượng của Fed nhanh hơn dự kiến. Theo dữ liệu từ Refinitiv, tổng giá trị bảng cân đối kế toán nhóm các ngân hàng trung ương lớn nói trên đang ở mức hơn 25 nghìn tỷ USD.

Ông Donze cho rằng các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed, bao gồm kết thúc QE, nâng lãi suất, và tiếp theo là QT, sẽ khiến cho lãi suất chính sách thực tế ở Mỹ tăng 4,7 điểm phần trăm, lên mức âm 1,8% vào cuối năm 2022. Lãi suất thực tế này đã tăng 6 điểm phần trăm trong chu kỳ thắt chặt gần đây nhất, nhưng là trong khoảng thời gian 5 năm, từ 2014-2019.

Trong một cuộc khảo sát mới đây của hãng tin Bloomberg, các chuyên gia kinh tế đưa ra mức dự báo bình quân về tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 là 4,4%, so với mức dự báo tăng 5,8% dành cho năm 2021. Cũng theo kết quả khảo sát này, từ năm 2023 trở đi, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ trở lại với xu hướng dài hạn khoảng 3,5%, giống như đại dịch chưa từng xảy ra.

Tuy nhiên, khi đào sâu dữ liệu, giới phân tích chỉ ra rằng nền kinh tế nhiều quốc gia còn một chặng đường dài phải đi để đạt tới trạng thái bình thường. Thị trường việc làm là một ví dụ điển hình. Vào thời điểm cuối năm 2021, ở Mỹ có ít nhất 10 triệu công việc cần tuyển người mà không ai nhận việc, bao gồm các công việc từ quản lý nhà hàng, đốc công nhà máy, tài xế xe tải cho tới giám đốc điều hành. Có ít nhất 5 triệu người Mỹ trưởng thành hiện không tìm kiếm việc làm, cho dù họ là những người có công ăn việc làm đầy đủ ở thời điểm đầu năm 2020.

Covid sẽ không còn ảnh hưởng nhiều đến kinh tế

Tương tự, ở Anh có hơn nửa triệu công việc không có người nhận làm ở thời điểm tháng 11, trong khi có thêm ít nhất 600.000 người trong độ tuổi lao động không đi kiếm việc so với ở thời điểm đầu năm 2020. Những người này không muốn đi làm ngay cả khi tiền lương tăng. Những gói trợ cấp hào phóng của Chính phủ, cộng thêm nỗi lo bệnh dịch, là nguyên nhân khiến họ từ chối kiếm việc làm.

Tình trạng khan hiếm lao động cùng với giá năng lượng leo thang là hai trong số những nguyên nhân đẩy lạm phát tăng cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 của Mỹ tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất 40 năm. Tại Anh, BOE với dự báo lạm phát sẽ vượt 6% sau vài tháng nữa đã tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong tháng 11. Giới đầu tư dự báo BOE sẽ tăng lãi suất 4 lần trong năm 2022.

ECB chưa tăng lãi suất lần nào trong suốt hơn một thập kỷ qua, nhưng với giá tiêu dùng tăng kỷ lục 5% trong năm 2021, Ngân hàng Trung ương này sẽ đương đầu với áp lực phải nâng lãi suất trong năm nay, cho dù Chủ tịch Christine Lagarde tuyên bố chưa tính đến việc đó.

Giới chuyên gia lo ngại rằng khi lãi suất tăng lên cùng lúc với dòng tiền kích cầu của các chính phủ ngừng lại, nền kinh tế sẽ bị hẫng và mất đà phục hồi. Tuy nhiên, với đà tăng mạnh của lạm phát, các ngân hàng trung ương không còn lựa chọn nào khác. Vấn đề là họ có thể đủ khéo léo và linh hoạt để vừa chống được lạm phát, vừa không gây tổn thất cho tăng trưởng.

Trong cuộc khảo sát của Bloomberg, các chuyên gia nhận định rằng biến chủng Omicron sẽ có ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng chỉ là trong ngắn hạn. Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong tuần kết thúc vào ngày 16/1/2022, số ca nhiễm Covid-19 mới trên toàn cầu tăng thêm 20% so với tuần trước đó, lên gần 19 triệu ca. Nhưng chuyên gia cho rằng sau mỗi làn sóng Covid, ảnh hưởng kinh tế lại giảm đi, một phần vì người tiêu dùng và doanh nghiệp đã học được cách thích ứng tốt hơn.

Ngoài ra, Omicron lây mạnh hơn nhưng dường như ít nguy hiểm hơn so với các biến chủng trước. Số ca nhiễm mới tăng mạnh vẫn sẽ gây áp lực lên các hoạt động kinh tế trong ngắn hạn, nhưng trong dài hạn, các nhà khoa học đang hy vọng biến chủng mới này sẽ đẩy nhanh sự dịch chuyển từ đại dịch sang bệnh thường gặp, làm giảm bớt sự cần thiết phải triển khai các biện pháp phong toả gây nhiều tổn thất về kinh tế.

Bloomberg dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 4,4% trong nửa đầu năm 2022, bất chấp ảnh hưởng đối với tiêu dùng và đầu tư do Omicron, Fed thắt chặt, và việc Chính phủ nước này ngừng các chương trình kích cầu. Đến nửa sau của năm 2022, kinh tế Mỹ có thể tăng 2,7%. Một động lực quan trọng cho kinh tế Mỹ năm nay là người tiêu dùng nước này vẫn còn nhiều tiền để tiêu. So với trước đại dịch, lượng tiền trong tài khoản ngân hàng của người Mỹ đã tăng thêm 2,6 tỷ nghìn tỷ USD.

Kinh tế Mỹ có thể chống chọi với lãi suất tăng, nhưng phần còn lại của thế giới thì sao? Việc Fed thắt chặt có thể hút các dòng tiền chảy về Mỹ, rút khỏi các tài sản rủi ro tại các thị trường khác. Các nền kinh tế mới nổi sẽ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn là nâng lãi suất để ngăn sự thoái vốn đó, hoặc tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp để duy trì sự phục hồi kinh tế.

Nhìn chung, xu hướng của lãi suất ở các nền kinh tế mới nổi trong năm nay nghiêng về tăng. Tuy vậy, cuộc khảo sát của Bloomberg cho rằng nhóm này (không bao gồm Trung Quốc) vẫn có thể đạt mức tăng trưởng 4,8% trong năm nay, thấp hơn khoảng 2 điểm phần trăm so với mức tăng dự báo cho năm 2021, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch.

Một lý do quan trọng để nền kinh tế thế giới có thể trụ vững khi Fed thắt chặt là ECB và BOJ hiện vẫn cam kết giữ lãi suất ở mức siêu thấp. Nhờ vậy, các dòng tiền rẻ vẫn sẽ chảy trên toàn cầu.

Một lý do khác là PBOC đang đi ngược hướng so với Fed: trong khi Fed thắt chặt, Trung Quốc đang nới lỏng để vực dậy tăng trưởng. Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, từ ngày 17 đến ngày 20/1, POBC đã có hai lần hạ lãi suất. Ngoài nỗ lực chặn đà giảm tốc của nền kinh tế, sự nới lỏng của PBOC còn được xem là một “tuyên bố ngầm” của Trung Quốc về sự độc lập của nước này khỏi các chính sách của Mỹ.

An Huy

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Các NHTW toàn cầu tạm biệt quan điểm lạm phát tạm thời, đẩy nhanh thắt chặt tiền tệ (05/02/2022)

>   Năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông Biden, kinh tế Mỹ diễn biến ra sao? (24/01/2022)

>   Hiệu quả của các loại xét nghiệm nhanh tại nhà với biến chủng Omicron (23/01/2022)

>   Cạnh tranh khu công nghiệp năm 2022, nhiều địa phương vào cuộc “săn đón” vốn FDI (22/01/2022)

>   Các nhà máy Trung Quốc chịu sức ép lớn bởi Omicron (22/01/2022)

>   Việt Nam, Trung Quốc, Nam Phi được đặt hàng sản xuất thuốc điều trị Covid-19 dạng viên Molnupiravir (21/01/2022)

>   Mỹ lạc quan về đà phục hồi kinh tế bất chấp biến thể Omicron (20/01/2022)

>   Rủi ro nào lớn nhất với doanh nghiệp trong năm 2022? (20/01/2022)

>   NHTW Trung Quốc lại giảm lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm (20/01/2022)

>   Tổng Thống Biden: Mỹ vẫn chưa sẵn sàng gỡ bỏ hàng rào thuế quan với Trung Quốc (20/01/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật