Chủ Nhật, 23/01/2022 21:00

Hiệu quả của các loại xét nghiệm nhanh tại nhà với biến chủng Omicron

Nhiều nghiên cứu sơ bộ cho thấy xét nghiệm nhanh tại nhà có thể phát hiện ra biến chủng Omicron nhưng độ nhạy suy giảm và cung cấp kết quả âm tính giả trong vài ngày đầu mắc bệnh.

xét nghiệm nhanh có thể phát hiện ra omicron không ảnh 1

Biến chủng Omicron lây lan nhanh khiến mọi người ngày càng phụ thuộc vào các loại xét nghiệm kháng nguyên nhanh tại nhà. Các nghiên cứu gần đây bắt đầu tìm hiểu về hiệu quả của các xét nghiệm này trong việc phát hiện Omicron.

Tin tốt là các xét nghiệm nhanh kháng nguyên chắc chắn phát hiện người nhiễm Omicron. Tuy nhiên, tin xấu là một số nghiên cứu chỉ ra rằng xét nghiệm nhanh ít nhạy với Omicron hơn so với các biến chủng khác.

Điều đó có nghĩa là các xét nghiệm có thể ra kết quả âm tính giả, đặc biệt là trong những ngày đầu mắc bệnh. Dữ liệu sơ bộ cho thấy nhiều người bị nhiễm trước khi họ nhận được kết quả dương tính từ xét nghiệm nhanh.

Do đó, trong những ngày đầu mắc bệnh, kết quả từ xét nghiệm nhanh có thể không đáng tin cậy. Người bệnh có thể cần phải xét nghiệm nhiều lần trong vài ngày để có kết quả chính xác.

Trong khi đó, Abbott - nơi sản xuất xét nghiệm nhanh tại nhà BinaxNow phổ biến tại Mỹ - cho biết thử nghiệm của họ chỉ ra rằng "BinaxNow tiếp tục phát hiện biến chủng Omicron ở mức tải lượng virus tương đương tất cả biến chủng khác và chủng gốc". Công ty cũng chỉ ra nghiên cứu gần đây từ bệnh viện Brigham and Women’s và Harvard cho thấy hiệu quả mạnh mẽ của BinaxNow với Omicron.

Trước những thông tin mâu thuẫn trên, nhiều người tự hỏi họ có nên yên tâm sử dụng bộ xét nghiệm nhanh trong bối cảnh Omicron đang lây lan mạnh mẽ trên toàn cầu, theo Wall Street Journal.

Âm tính giả trong những ngày đầu nhiễm virus

Dữ liệu sơ bộ hiện tại là một bức tranh hỗn loạn. Nghiên cứu dựa trên các loại xét nghiệm khác nhau ở các quốc gia khác nhau, nên rất khó để đưa ra kết luận chắc chắn.

Gần đây, một bản in trước đăng tải trên medRxiv, chưa được đánh giá ngang hàng, đã kiểm tra hiệu quả của những loại xét nghiệm kháng nguyên với mẫu virus được nuối cấy từ người nhiễm Omicron và người nhiễm các biến chủng khác. Nghiên cứu kết luận các xét nghiệm ít nhạy hơn trong việc phát hiện Omicron.

Trong nghiên cứu riêng biệt trên Tạp chí Vi sinh vật học lâm sàng, các nhà nghiên cứu Australia tìm thấy 10 loại xét nghiệm kháng nguyên hiệu quả với Omicron ngang Delta.

Dữ liệu sơ bộ từ nghiên cứu thực tế so sánh kết quả xét nghiệm PCR của hơn 700 người và kết quả xét nghiệm nhanh BinaxNow vào tháng một tại một khu vực xét nghiệm cộng đồng ở San Francisco cho thấy xét nghiệm nhanh xác định Omicron nhanh tương đương các biến chủng trước đó, phát hiện hơn 95% những người có tải lượng virus cao.

Nghiên cứu, được đăng tải trên medRxiv dưới dạng bản in trước và chưa được đánh giá ngang hàng, cho thấy rằng giống các biến chủng trước đó, xét nghiệm nhanh không nhạy nếu người bệnh có tải lượng virus thấp. Xét nghiệm nhanh bỏ sót khoảng 35% người có kết quả PCR dương tính với bất kỳ mức tải lượng virus nào.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng có kết luận tương tự vào tháng 12/2021 khi thông báo "dữ liệu ban đầu cho thấy xét nghiệm kháng nguyên nhanh có thể phát hiện ra biến chủng Omicron nhưng độ nhạy suy giảm". Tuyên bố dựa trên dữ liệu tại phòng thí nghiệm ở Đại học Emory do Viện Y tế Quốc gia hỗ trợ (NIH).

xét nghiệm nhanh có thể phát hiện ra omicron không ảnh 2

Trong những ngày đầu mắc bệnh, kết quả âm tính từ xét nghiệm nhanh có thể không đáng tin cậy. Ảnh: Reuters.

Nghiên cứu so sánh hiệu quả của xét nghiệm nhanh trên các mẫu virus sống chứa biến chủng Omicron và Delta. Bruce Tromberg - Giám đốc Viện Kỹ thuật Sinh học và Hình ảnh Y sinh Quốc gia của NIH - cho biết các nhà nghiên cứu phát hiện ra khi họ pha loãng các mẫu phẩm Omicron và Delta, xét nghiệm nhanh phát hiện các mẫu Delta tốt hơn.

Một nghiên cứu nhỏ dựa trên dữ liệu thực tế gần đây khi Omicron lây lan mạnh giải thích trường hợp bị ốm nhưng liên tục nhận kết quả xét nghiệm nhanh âm tính. Nghiên cứu phát hiện sau khi xét nghiệm PCR khẳng định đây là ca Covid-19, thời gian trung bình ra kết quả dương tính của xét nghiệm nhanh là 3 ngày.

Nghiên cứu này có 30 người từ năm nơi làm việc ở New York và San Francisco tham gia. Họ thực hiện xét nghiệm PCR hàng ngày bằng nước bọt và xét nghiệm nhanh từ dịch mũi trong tháng 12/2021. Tất cả đã tiêm phòng đầy đủ và nhận thêm một liều tăng cường.

Xét nghiệm nhanh tạo kết quả âm tính giả trong 2 ngày sau khi xét nghiệm khẳng định bằng PCR, mặc dù hầu hết người tham gia đều có tải lượng virus đủ cao để lây nhiễm cho người khác. Ít nhất 4 người đã lây lan cho người khác trong 3 ngày đầu khi mà xét nghiệm nhanh cho kết quả giả.

Kết luận lại, xét nghiệm nhanh có độ nhạy thấp hơn xét nghiệm PCR, tức là ra tạo ra nhiều kết quả âm tính giả hơn. FDA hiện phê duyệt các loại xét nghiệm có độ nhạy 80% - có nghĩa tỷ lệ ra kết quả sai là 20%. Hầu hết xét nghiệm nhanh tại thị trường Mỹ có độ nhạy từ 85-95%.

Tại sao xét nghiệm nhanh lại kém nhạy trước Omicron?

Omicron đang tấn công nhiều người đã có khả năng miễn dịch từ vaccine hoặc do từng mắc Covid-19.

Omai Garner - Giám đốc vi sinh lâm sàng của Hệ thống Y tế Đại học California tại Los Angeles - cho biết với những người đã tiêm phòng đầy đủ và thêm mũi tăng cường, phải mất từ 3-4 ngày sau khi nhiễm thì tải lượng virus mới đạt mức cao nhất - tỷ lệ mà xét nghiệm nhanh nhạy nhất.

"Sự chậm trễ này có thể dẫn đến kết quả âm tính giả trong vài ngày đầu tiên", ông nói.

Một cách giải thích khác là bởi vì hiện tại dù tải lượng virus thấp, người nhiễm Omicron vẫn có thể lây lan cho người khác. Do đó, họ có thể bị nhiễm trước khi họ đạt mức virus đủ cao để xét nghiệm nhanh có thể phát hiện.

Thời gian ủ bệnh của Omicron - khoảng thời gian từ khi tiếp xúc với virus đến khi bị lây nhiễm - chỉ từ 12 tới 24 giờ. Điều đó có nghĩa là mọi người có thể nhận kết quả xét nghiệm nhanh âm tính rồi bị nhiễm ngay sau đó vài giờ, theo Gigi Gronvall, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins.

xét nghiệm nhanh có thể phát hiện ra omicron không ảnh 3

Nhiều nhà khoa học tin rằng lấy mẫu họng giúp phát hiện Omicron nhanh hơn so với lấy mẫu từ mũi. Ảnh: AFP.

Ngoài ra, các loại xét nghiệm có thể lấy mẫu sai chỗ. Đau họng là triệu chứng đầu tiên và phổ biến nhất với người nhiễm Omicron. Do đó, nhiều nhà khoa học suy đoán lấy mẫu bệnh từ cổ họng sẽ phát hiện ra virus sớm hơn so với mũi.

Một số nhà khoa học cũng lưu ý có khả năng xét nghiệm PCR phát hiện ra các trường hợp dương tính sớm hơn xét nghiệm nhanh là do xét nghiệm PCR lấy dịch nước bọt, trong khi xét nghiệm nhanh lấy dịch mũi.

Hiện FDA khuyên không nên dùng tăm bông ngoáy họng, nhưng Vương quốc Anh vẫn đồng tình với phương pháp này.

Cách sử dụng xét nghiệm nhanh hiệu quả

Theo phó giáo sư Katelyn Jetelina tại Trung tâm Khoa học Y tế Đại học Texas tại Houston, do nhiều dữ liệu chỉ ra xét nghiệm nhanh ra kết quả âm tính giả trong những ngày đầu tiên, vậy nên mọi người có thể đợi thêm 1-2 ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng rồi mới sử dụng để nhận kết quả chính xác hơn.

Nếu có kết quả âm tính, hãy làm xét nghiệm sau 1-2 ngày, hoặc làm xét nghiệm PCR khẳng định nếu có thể.

Do hạn chế của xét nghiệm nhanh, Wall Street Journal cho rằng cần cân nhắc sử dụng chúng để sàng lọc ca mắc trước các sự kiện đông người. Xét nghiệm nhanh trước những sự kiện này có khả năng bỏ sót ca nhiễm.

Tuy nhiên, nếu có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính, gần như chắc chắn người sử dụng đã mắc Covid-19, theo tiến sĩ Gronvall. Dương tính giả rất hiếm, đặc biệt nếu tỷ lệ nhiễm ở khu vực cao. Do đó, sau khi có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính, người mắc có thể không cần xác nhận lại bằng xét nghiệm PCR.

Phương Linh

Zing.vn

Các tin tức khác

>   Du lịch Hạ Long vẫn vắng vẻ, im lìm những ngày cận Tết (23/01/2022)

>   Bộ Y tế đề nghị địa phương không cách ly người về quê đón Tết (23/01/2022)

>   Mai vàng, đào bung nở 'đổ bộ' xuống phố chào Tết (22/01/2022)

>   TP.HCM 3 tuần liên tiếp là vùng xanh, còn một huyện vùng vàng (22/01/2022)

>   Nhiều người Hàn mua vé số mong đổi đời (22/01/2022)

>   Bỏ xét nghiệm với khách bay nội địa, gồm cả trẻ em (22/01/2022)

>   Chăm lo tốt cho “chim sẻ”, “đại bàng” sẽ tự đến (22/01/2022)

>   Hà Nội dừng tổ chức lễ hội dịp Tết Nguyên đán 2022 (21/01/2022)

>   Vì sao tiêu dùng của người dân tăng mạnh trong khi thu nhập giảm? (21/01/2022)

>   Bộ GTVT đề nghị bỏ xét nghiệm COVID-19 với trẻ em dưới 12 tuổi khi đi máy bay (21/01/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật