Thứ Sáu, 21/01/2022 15:38

Vì sao tiêu dùng của người dân tăng mạnh trong khi thu nhập giảm?

Điều gì khiến tiêu dùng cuối cùng của dân cư đột ngột tăng mạnh trong khi thu nhập của người dân bị sút giảm nghiêm trọng do dịch Covid-19 và cách chống dịch?

Khách mua hàng tại siêu thị Coopmart. Ảnh: N.K

Trong nhiều năm qua, để ước tính tiêu dùng cuối cùng của dân cư trong GDP theo quí, sáu tháng và cả năm, Tổng cục Thống kê (TCTK) thường dựa vào tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ. Ước tính này không thể dựa vào điều tra mức sống hộ gia đình vì điều tra mức sống tiến hành hai năm một lần.

Tuy nhiên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ không hoàn toàn trùng khớp với tiêu dùng cuối cùng của dân cư. Trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ còn bị lẫn với bán cho sản xuất và lại thiếu những khoản như sản phẩm tự sản tự tiêu trong nông, lâm, thủy sản, phân bổ lãi vay ngân hàng (fisim), tiền điện, nước và một khoản rất lớn là nhà tự có tự ở…

So sánh tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ với tiêu dùng cuối cùng của dân cư từ năm 2010 đến nay (2021), có thể thấy tiêu dùng cuối cùng của dân cư luôn nhỏ hơn tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ; đặc biệt từ năm 2010-2020, chênh lệch giữa tiêu dùng cuối cùng của dân cư và tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ từ 10,29-15,9%. Năm 2021 chênh lệch giữa tiêu dùng cuối cùng của dân cư và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ vẫn còn nhưng tỷ lệ chênh lệch đột ngột hạ xuống chỉ còn 1,11%. Chính vì thế năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.789.500 tỉ đồng, giảm 3,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm 6,2% (năm 2020 giảm 3%) trong khi tiêu dùng cuối cùng của dân cư lại tăng khá cao.

Khách mua hàng tại siêu thị Coopmart. Ảnh: N.K

Báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội quí 4-2021 và năm 2021 của TCTK cho thấy, về sử dụng GDP năm 2021, tiêu dùng cuối cùng của dân cư tăng 2,09% so với năm 2020; tích lũy tài sản tăng 3,96%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,01%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,16%. Điều gì khiến tiêu dùng cuối cùng của dân cư đột ngột tăng mạnh trong khi thu nhập của người dân bị giảm sút nghiêm trọng do dịch Covid-19 và cách chống dịch? Nếu chênh lệch diễn ra như 10 năm qua thì GDP theo giá thực tế có thể giảm từ 487.000 tỉ đồng (năm có mức chênh lệch giữa tiêu dùng cuối cùng của dân cư và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ thấp nhất) đến 616.000 tỉ đồng (sử dụng mức chênh lệch giữa tiêu dùng cuối cùng của dân cư và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ bình quân), tức là GDP có thể giảm khoảng từ 0,68-2,3% theo giá thực tế.

Có thể thấy những công ty như Việt Á và CDC các tỉnh đã góp phần vào tăng trưởng GDP rất tích cực, giống y hệt như chuyện đến hẹn lại lên, cứ gần Tết là người ta lại đào và lấp đường, đào đường làm GDP tăng lên, lấp đi cũng làm GDP tăng lên.

Cũng theo báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội quí 4-2021 và năm 2021 của TCTK, ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao chưa từng thấy với mức tăng 42,75%. Điều này một phần là do phong trào xét nghiệm Covid-19 đại trà với giá mỗi lần xét nghiệm cao ngất. Giá kit test của Công ty Việt Á khoảng 470.000 đồng đã bị cho là thổi giá nhưng người dân phải chi trả còn cao hơn nhiều (thường là 720.000 đồng). Và đã có những trường hợp chính quyền địa phương cưỡng chế việc xét nghiệm, có nơi bắt trả phí. Điều này phải chăng phần nào đóng góp vào tăng trưởng GDP năm 2021 để đạt 2,58%?

GDP nhìn từ phía cầu bao gồm tiêu dùng cuối cùng của dân cư, chi tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước, tích lũy gộp tài sản và xuất khẩu thuần. Nói chung khi các yếu tố của cầu tăng lên sẽ kích thích sản xuất từ phía cung. Như vậy có thể thấy những công ty như Việt Á và CDC các tỉnh đã góp phần vào tăng trưởng GDP rất tích cực, giống y hệt như chuyện đến hẹn lại lên, cứ gần Tết là người ta lại đào và lấp đường, đào đường làm GDP tăng lên, lấp đi cũng làm GDP tăng lên nhưng con đường vẫn thế, thậm chí không bằng cũ. Tất cả các khoản này đều tính vào đầu tư công. Phải chăng tham nhũng, lãng phí, đầu tư không hiệu quả đều góp phần làm tăng GDP?

Tăng GDP kiểu này có thể gây ra những hậu quả trong kinh tế như rủi ro lạm phát nếu đầu tư không hiệu quả, nợ công tăng cao, bội chi ngân sách… và những vấn đề ngoài ngân sách như sự suy thoái về đạo đức.

Còn về phía cung, Chính phủ nên giảm tối đa thanh tra, kiểm tra gây tốn kém và phiền hà cho doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng của Chính phủ không nên ban hành các chính sách làm thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân, như kiểu Thông tư 78/2021/TT-BTC. Bản chất trọng cung là bớt đi sự can thiệp của Nhà nước. Nếu không, nhũng nhiễu, lãng phí, đầu tư không hiệu quả… cũng làm tăng GDP. GDP là một chỉ tiêu mang tính nhất thời và ngắn hạn, không phải là một thước đo duy nhất về sức khỏe của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh của Việt Nam.

Bùi Trinh

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Bộ GTVT đề nghị bỏ xét nghiệm COVID-19 với trẻ em dưới 12 tuổi khi đi máy bay (21/01/2022)

>   CLSA Hong Kong dự báo năm Nhâm dần 2022 (Kỳ 2) (22/02/2022)

>   TP.HCM có 68 ca nhiễm Omicron (20/01/2022)

>   Giảm giá sập sàn, cửa hàng cho thuê vẫn ế vì COVID-19 (20/01/2022)

>   Bộ Y tế đề xuất tiêm vaccine Pfizer cho trẻ 5-11 tuổi (20/01/2022)

>   Thủ tướng yêu cầu không gây khó người dân về quê ăn Tết (20/01/2022)

>   Trung Quốc ngăn chặn cuộc đại di cư về quê ăn Tết (19/01/2022)

>   Bí thư TP.HCM: Đáng lo khi phát hiện chùm ca Omicron trong cộng đồng (19/01/2022)

>   3 ca nhiễm biến chủng Omicron ngoài cộng đồng tại TPHCM (19/01/2022)

>   Đề nghị Chính phủ xử lý việc cách ly người về quê 'mỗi nơi một kiểu' (18/01/2022)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật