Vốn đầu tư nước ngoài đạt 400 tỉ USD từ khi Đổi mới
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết vốn đầu tư nước ngoài đã ký từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới đến nay đạt khoảng 400 tỷ USD.
Đã nhận 151 triệu liều vắc xin Covid-19
|
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự và chủ trì hội nghị. Đậu Tiến Đạt
|
Sáng 14.12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Báo cáo về những kết quả của công tác đối ngoại thời gian qua, Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh cho biết, từ năm 2016 - 2021, Việt Nam đã xác lập thêm 6 khuôn khổ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện, nâng tổng số quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện của Việt Nam lên 30 nước.
Quan hệ láng giềng, hợp tác, hữu nghị với các nước có chung biên giới tiếp tục được ưu tiên phát triển, một số vấn đề phức tạp nhìn chung được kiểm soát và xử lý kịp thời. Quan hệ láng giềng hữu nghị với Lào và Campuchia được củng cố. Với Trung Quốc, tổng thể khuôn khổ quan hệ láng giềng, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện được tăng cường.
Bên cạnh đó, theo ông Minh, Đảng đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước, các đoàn thể, tổ chức nhân dân có quan hệ với hàng nghìn tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài.
Trong đại dịch Covid-19, Việt Nam cũng đã triển khai quyết liệt, kịp thời và hiệu quả công tác ngoại giao y tế, vắc xin trên cả kênh song phương và đa phương.
Đến nay, Việt Nam đã nhận được trên 151 triệu liều vắcxin, đạt 100% mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch hiệu quả đi đôi với phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Việt Nam cũng đã kịp thời viện trợ vật tư y tế và tài chính cho trên 50 quốc gia và tổ chức quốc tế, qua đó thể hiện rõ vai trò "thành viên có trách nhiệm" trong cộng đồng quốc tế.
Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trên Biển Đông
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay, Việt Nam đã cơ bản xây dựng được đường biên giới trên bộ hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với tất cả các nước láng giềng.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì hội nghị. Đậu Tiến Đạt
|
Cụ thể, Việt Nam đã ký kết và thực thi tốt các Hiệp định quản lý biên giới với Trung Quốc; đã hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới với Lào; ký kết 2 văn kiện công nhận 84% thành quả phân giới cắm mốc với Campuchia.
"Chúng ta đã và đang kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chính đáng của đất nước ở Biển Đông; thúc đẩy đàm phán với các nước; xử lý bình tĩnh, tỉnh táo, chắc chắn nhiều vụ việc phức tạp; kịp thời, kiên quyết đấu tranh dưới nhiều hình thức, kiên trì các biện pháp hoà bình, tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế”, ông Phạm Bình Minh cho hay.
Ông Minh cũng cho hay, thành quả nổi bật trong công tác đối ngoại về dân chủ, nhân quyền thể hiện qua việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, chủ động thúc đẩy đối thoại, hợp tác để quốc tế ngày càng hiểu đúng, rõ hơn về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Bảo hộ trên 600 vụ việc với 1000 tàu gần 10.000 ngư dân
Phó thủ tướng thường trực cũng nhấn mạnh, đối ngoại góp phần thu hút nguồn lực to lớn từ bên ngoài để phát triển đất nước.
Theo ông Minh, tới nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 224 thị trường và đối tác. 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Với mạng lưới 15 hiệp định thương mại tư do (FTA) đã ký, trong đó có các FTA thế hệ mới, Việt Nam là một trong số ít nước tham gia hầu hết các liên kết kinh tế quan trọng.
Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh báo cáo về kết quả của công tác đối ngoại thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới. Đậu Tiến Đạt
|
"Năm 2021, mặc dù kinh tế thế giới rất khó khăn, kim ngạch thương mại của Việt Nam vẫn vượt mốc 600 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài đã ký từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới đến nay đạt khoảng 400 tỷ USD", ông Minh thông tin.
Phó thủ tướng cho biết, ngoại giao văn hoá và thông tin đối ngoại góp phần quan trọng nâng cao vị thế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Theo ông Minh, chúng ta đã vận động thành công UNESCO công nhận 44 danh hiệu/di sản (trong đó có 11 di sản trong 5 năm qua), tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của các địa phương, nâng cao hình ảnh và thương hiệu quốc gia.
Về công tác bảo hộ công dân, ông Minh cho hay trong 5 năm qua, chúng ta đã triển khai công tác bảo hộ đối với trên 50.000 công dân, trên 600 vụ việc với 1000 tàu gần 10.000 ngư dân. Trong đại dịch Covid-19, tổ chức trên 700 chuyến bay đưa trên 200.000 công dân về nước an toàn.
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng được hoàn thiện, nhờ đó đã thu hút lượng lớn nguồn lực của kiều bào cho phát triển đất nước.
Theo thống kê và dự báo của Ngân hàng Thế giới, năm 2020, Việt Nam thu hút được 17 tỷ USD kiều hối, năm 2021 dự kiến đạt 18 tỷ USD.
Lê Hiệp
Thanh niên
|