Kinh tế số Việt Nam: Nhìn từ “chỉ số” tin cậy của người dân
Báo cáo kinh tế số 2021 của Google vừa công bố đã cho thấy bước tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường người dùng dịch vụ số tại Việt Nam. So với trước đại dịch Covid-19, đến quý 1/2021, Việt Nam có thêm 8 triệu khách hàng mới, tăng gấp đôi số kênh ứng dụng, từ 2 lên 4 kênh; trong số đó, có 55% lượng khách hàng đến từ khu vực không phải thành thị.
“Gã khổng lồ” cũng chỉ ra ba động lực chính của xu hướng tăng trưởng, bao gồm xu hướng thích ứng, xu hướng tăng trưởng chi tiêu số và xu hướng bình thường mới. Nghĩa là người dân - khách hàng đã tìm cách thích nghi với môi trường dịch bệnh trong việc vừa được đảm bảo an toàn sức khỏe vừa đáp ứng nhu cầu mua -bán, trao đổi hàng hóa, sản phẩm thiết yếu… Và dịch vụ kinh tế số đã đạt chỉ số tin cậy. Từ đó, cộng với số khách hàng cũ, tiếp tục thể hiện sự gắn bó nên gia tăng mức chi tiêu trên nền tảng mua sắm số. Đặc biệt, với chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả” với dịch bệnh, từ chỗ thăm dò đến hài lòng, an tâm, người dân - khách hàng đã có sự thay đổi rõ rệt trong hành vi sử dụng dịch vụ số, dần chuyển thành thói quen mua sắm mới, trong không gian số.
Chính 3 động lực nói trên đã xác lập vị thế Việt Nam có sức tăng trưởng ấn tượng nhất nền kinh tế Đông Nam Á. Từ 21 tỷ USD (năm 2021) dự báo sẽ lên 57 tỷ USD (năm 2025) và 220 tỷ USD (năm 2030) về giá trị giao dịch hàng hoá, tức gấp gần 11 lần. Từ nền kinh tế có giá trị thương mại thứ hạng ở mức trung bình Đông Nam Á về giá trị giao dịch hàng hoá, Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế số có giá trị lớn thứ hai Đông Nam Á vào năm 2030, chỉ xếp sau Indonesia.
Tuy nhiên, trong khi chiếm giữ lợi thế về trữ lượng khách hàng với thói quen, sở thích, nhu cầu thì, bản thân nội lực để hình thành và thúc đẩy sự định hình, phát triển của nền kinh tế số -riêng tại TP HCM vẫn còn nhiều thách thức, hạn chế.
Chỉ nói riêng về kết nối kỹ thuật số và dữ liệu người dùng (trong đó có dữ liệu khách hàng) thì vẫn còn khá manh mún, phân tán và thiếu tính liên thông, đồng bộ. Trong bản báo cáo “Tăng cường phát triển bền vững cho TP HCM”, dưới cách tiếp cận của Ngân hàng Thế giới, công bố hôm tháng 11/2021 đã chỉ ra rằng những thử thách “Dữ liệu bị phân mảnh và không cập nhật giữa các sở ban ngành của thành phố, cản trở quá trình ra quyết định dựa trên dữ liệu. Thiếu tập trung vào nền tảng cho khả năng tương tác dữ liệu để đảm bảo liên thông dữ liệu và cung cấp các dịch vụ/ứng dụng tốt hơn…”.
Đây là điều mà chắc chắn TP HCM sẽ phải tăng tốc khắc phục, tập trung đầu tư để hoàn thiện bộ dữ liệu và tích hợp dữ liệu, đảm bảo tính liên thông, quản lý và bảo mật dữ liệu - “linh hồn” của công nghệ số.
Về phía các đối tác, đơn vị cung cấp, phân phối hàng hóa, chắc rằng, những con số thống kê về kinh tế số của Google sẽ là cơ sở thực để họ mở rộng lẫn đào sâu trong tính toán, phát triển quy mô, phương thức bán hàng, giao hàng cùng những chính sách nâng cao uy tín đơn vị, xây dựng lòng tin của khách hàng.
Bởi rốt cùng, lòng tin khách hàng là mấu chốt để vận hành mọi quyết sách đầu tư, kinh doanh. Thái độ tham gia kết nối, tương tác và hợp tác của công dân trong các dịch vụ số, công nghệ số, quản trị số là thước đo hiệu quả phục vụ, thành công của một mô hình điều hành của chính quyền và lực lượng công vụ.
Một cuộc khảo sát qua điện thoại - vòng 2 trên 1,334 người được chọn ngẫu nhiên về “cảm nhận và trải nghiệm của người dân về một số biện pháp ứng phó với đại dịch Covid-19 của các cấp chính quyền” do Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với các đối tác nghiên cứu thực hiện, công bố trong tuần đầu tháng 12 này đã nêu lên một “chỉ số” ấn tượng: người dân đồng thuận và ủng hộ các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội mà chính phủ và các cấp chính quyền áp dụng. Chính từ thái độ đồng thuận này, họ đã tìm cách “sống chung”, thích ứng dần với sự dịch chuyển từ không gian “truyền thống” - mặt phẳng sang không gian số - hiện đại.
Và đây chính là “phép lợi thế” không gì so sánh nổi!
Quốc Học
FILI
|