Thứ Hai, 06/12/2021 10:40

Lạm phát nhất thời hay dai dẳng đều chưa đáng ngại

Lạm phát đang gia tăng ở nhiều quốc gia từ các nền kinh tế phát triển đến các thị trường mới nổi, nguyên nhân được kích hoạt bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng, nhu cầu cải thiện sau khi các nền kinh tế mở cửa trở lại và các gói kích thích kinh tế chưa từng có.

Ảnh minh họa

Tại Mỹ, lạm phát đạt mức cao nhất trong 31 năm, tăng 6,2% so với cùng kỳ vào tháng 10, sau khi đã tăng 5,4% trong tháng 9. Tại châu Âu, lạm phát tăng 4,4% trong tháng 10, tăng so với mức 3,6% trong tháng 9.

Ở châu Á, lạm phát của Trung Quốc ghi nhận ở mức thấp hơn đáng kể nhưng đang trên đà tăng tốc, trong tháng 10 tăng 1,5% so với năm trước, cao gấp đôi mức của tháng trước.

Đáng chú ý, chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc đạt mức cao nhất trong 26 năm vào tháng 10, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự chuyển dịch từ lạm phát giá sản xuất sang giá tiêu dùng.

Với khu vực Đông Nam Á, ngoại trừ Philippines, lạm phát tương đối ổn định, nhưng giá hàng hóa tăng cao đã dấy lên mối quan ngại về rủi ro lạm phát trong ngắn hạn đối với khu vực.

Nhưng hiện nay có 2 luồng ý kiến, đó là lạm phát nhất thời hay dai dẳng vẫn đang tranh luận. Lạm phát nhất thời có nghĩa là lạm phát phát sinh khi các nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi, tức từ việc giảm sút mạnh sang mở rộng và phục hồi do phía cung bị sụt giảm, còn phía cầu phục hồi nhanh chóng. Và khi cung bắt kịp nhu cầu, lạm phát có thể dần lắng xuống.

Nhưng lạm phát nhất thời có thể chuyển thành lạm phát dai dẳng nếu mất cân đối cung cầu diễn ra trong thời gian dài. Đó là giai đoạn hậu Covid-19, các gói kích thích mạnh mẽ và quy mô lớn chưa từng có từ các chính phủ và ngân hàng trung ương trên toàn thế giới cũng dẫn đến sự thay đổi về mặt bằng giá.

Với Việt Nam, trong tháng 11, chỉ số lạm phát chung tăng 2,1% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 1,8% so với cùng kỳ của tháng 10. Theo thống kê, ngoại trừ chỉ số giá giao thông, mức tăng của các hàng hóa còn lại trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn tương đối thấp so với cùng kỳ.

Thực tế, yếu tố chính ảnh hưởng đến lạm phát của Việt Nam hiện tại gắn trực tiếp với sự gia tăng của giá hàng hóa, đặc biệt là giá xăng dầu. Nhưng gần đây, biến chủng mới của Covid-19 đã gia tăng lo ngại về việc hạn chế lại hoạt động đi lại trên toàn cầu vừa mới mở ra, điều này có thể giúp kiềm hãm lại đà tăng của giá dầu thế giới.

Mặt khác, nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn đang phục hồi chậm, ngay cả khi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đã được gỡ bỏ. Trong tháng 11, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cải thiện với mức tăng 6,2% so với tháng trước, nhưng vẫn thấp hơn 12,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh mức giảm mạnh của các dịch vụ bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh, doanh thu bán lẻ hàng hóa ghi nhận mức giảm 5,9% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng yếu đã hạn chế việc các nhà sản xuất chuyển phần chi phí đang tăng cao cho người tiêu dùng, đồng thời giúp giữ lạm phát trong tầm kiểm soát trong các tháng cuối năm và thậm chí cả trong dịp Tết của năm 2022.

Trong năm 2022, chúng tôi cho rằng sự phục hồi kinh tế sẽ chịu nhiều áp lực đến từ sự phục hồi chậm của cầu tiêu dùng nội địa. Chính phủ hiện đã đồng thuận một gói hỗ trợ kinh tế là cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, quy mô của gói hỗ trợ này vẫn đang được cân nhắc cẩn trọng, một trong những quan ngại chính là kỳ vọng lạm phát đang tăng. Như vậy, cho dù rủi ro lạm phát nghiêng về xu hướng tăng trong năm 2022, chúng tôi kỳ vọng mức lạm phát chung vẫn thấp hơn mức mục tiêu 4% của Chính phủ.

TRẦN THỊ HÀ MY, CTCK Rồng Việt (VDSC)

Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính

Các tin tức khác

>   Nói mãi lạm phát, lạm phát và lạm phát, sẽ tạo thành kỳ vọng lạm phát (06/12/2021)

>   Giải bài toán “tiền đâu” cho gói hỗ trợ phục hồi kinh tế (06/12/2021)

>   Gói kích thích phục hồi kinh tế: Dư địa tài khóa vẫn còn nhưng không thể “chơi bài tất tay” (06/12/2021)

>   Chủ tịch Quốc hội: Trong bối cảnh đặc biệt, cần có các giải pháp đột phá (06/12/2021)

>   Đề xuất gói hỗ trợ 844.000 tỉ phục hồi phát triển kinh tế (05/12/2021)

>   Ông Nguyễn Thành Phong: Thiệt hại kinh tế 2 năm có thể đến 500.000 tỷ (05/12/2021)

>   Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Doanh nghiệp đối mặt với 3 “thiếu” (03/12/2021)

>   Đối mặt nhiều thách thức, TP.HCM làm gì để phục hồi trong năm 2022? (03/12/2021)

>   TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6-6,5% trong năm 2022 (03/12/2021)

>   'Gói hỗ trợ mới đưa vào đâu, hiệu quả ra sao mới quan trọng' (02/12/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật